Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 11 tháng năm 2023


Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tính đến 20/11/2023 đạt 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó: Vốn đăng ký mới: có 2865 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 58,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng vốn  đăng ký cấp mới đạt 16,41tỷ USD, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn điều chỉnh: có 1152 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước với tổng vốn đăng ký đạt 6,47 tỷ USD, giảm 32,1% so với cùng kỳ năm trước.

Góp vốn, mua cổ phần: số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 3166 dự án với tổng giá trị vốn góp đạt 5,97 tỷ USD, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 20,7% tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 11 tháng năm 2023. Trong đó có 1258 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ với giá trị vốn góp 2,31 tỷ USD và 1908 lượt góp vốn mua cổ phần mà nhà ĐTNN mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với tổng giá trị vốn góp 3,65 tỷ USD.

Theo địa bàn đầu tư: Có 56/63 tỉnh, thành phố có dự án đầu tư cấp mới, tăng vốn đầu tư và góp vốn, mua cổ phần tại Việt Nam. Trong đó Quảng Ninh là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đạt 3,11 tỷ USD, chiếm 10,8% tổng vốn đầu tư. Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với tổng số vốn đạt 3,08 tỷ USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Hải Phòng với tổng vốn đạt 2,9 tỷ USD, chiếm gần 10% tổng vốn đầu tư cấp mới, tăng vốn đầu tư và góp vốn, mua cổ phần.

Tình hình đầu tư nước ngoài tại một số địa phương (Tỷ USD). Nguồn: gso.gov.vn
Tình hình đầu tư nước ngoài tại một số địa phương (Tỷ USD). Nguồn: gso.gov.vn

Hà Nội: Trong tháng Mười Một, thành phố thu hút 49,7 triệu USD vốn FDI, trong đó có 33 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 13,9 triệu USD; 16 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 27,5 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 13 lượt, đạt 8,3 triệu USD. Tính chung 11 tháng năm 2023, toàn Thành phố thu hút 2.659 triệu USD vốn FDI, trong đó: Đăng ký cấp mới 378 dự án với số vốn đạt 335 triệu USD; 157 lượt dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 270 triệu USD; 299 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 2.054 triệu USD (trong đó 1 lượt giao dịch của Nhà đầu tư Nhật Bản Sumitomo mua cổ phiếu của VPBank trên sàn giao dịch chứng khoán với giá trị giao dịch đạt 1.500 triệu USD).

Hải Phòng: Cấp mới 100 dự án với số vốn cấp mới là 1.321,77 triệu USD. Cấp mới trong khu công nghiệp, khu kinh tế 62 dự án, đạt 1.245 triệu USD, (chiếm 94,19%); cấp mới ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế 38 dự án đạt 76,77 triệu USD (chiếm 5,81%).

Điều chỉnh tăng vốn đầu tư 46 dự án với số vốn đầu tư tăng thêm 1.924,53 triệu USD. Trong đó, trong khu công nghiệp, khu kinh tế 35 dự án, vốn đầu tư tăng 1.856 triệu USD; ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế có 11 dự án, vốn đầu tư tăng là 68,1 triệu USD.

Thu hút thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp: 27 lượt, số vốn đầu tư đăng ký: 14,45 triệu USD. Trong đó, trong khu công nghiệp, khu kinh tế 02 lượt nhà đầu tư, vốn đầu tư đăng ký 2,89 triệu USD; ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế 25 lượt nhà đầu tư, vốn đầu tư đăng ký 11,56 triệu USD.

Bình Dương: Từ ngày 01/11/2023 đến ngày 15/11/2023, đã thu hút 91,5 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó: số dự án cấp giấy chứng nhận đầu tư mới có 11 dự án, tăng 83,3% so với cùng kỳ, với tổng số vốn đăng ký là 50,6 triệu USD, tăng gấp 6,2 lần, số dự án điều chỉnh vốn 06 dự án, tăng gấp 3 lần, với tổng vốn điều chỉnh 37,2 triệu USD và số dự án góp vốn mua cổ phần 08 dự án với tổng vốn đăng ký tăng là 3,8 triệu USD.

Từ đầu năm đến ngày 15/11/2023, đã thu hút 1.398,1 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó: Số dự án cấp giấy chứng nhận đầu tư mới 112 dự án, tăng 75% so với cùng kỳ, với tổng số vốn đăng ký là 583,1 triệu USD, đạt 31,1%; 47 dự án điều chỉnh, tăng gấp 2,4 lần vốn, với tổng vốn điều chỉnh là 39,6 triệu USD tăng 72,4%, số dự án góp vốn, mua cổ phần 120 dự án với tổng vốn 755,4 triệu USD.

Bắc Ninh: Tính từ đầu năm đến 20/11, toàn tỉnh đã cấp mới đăng ký đầu tư cho 21 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 4.592 tỷ đồng; cấp đăng ký đầu tư điều chỉnh cho 86 dự án đầu tư, trong đó có 25 dự án điều chỉnh vốn với tổng số vốn điều chỉnh tăng 652 tỷ đồng (trong đó: 15 dự án tăng vốn 2.204 tỷ đồng; 06 dự án giảm vốn 1.552 tỷ đồng); thực hiện thu hồi 16 dự án với tồng số vốn đầu tư là 64 tỷ đồng. Riêng trong tháng 11, cấp đầu tư cho 03 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 150 tỷ đồng; cấp điều chỉnh cho 07 dự án đầu tư trong đó có 05 dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng số vốn đầu tư tăng thêm là 902 tỷ đồng. Lũy kế đến ngày 20/11, cấp 1.550 dự án đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh đạt 258.448 tỷ đồng. Trong thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược; trên cơ sở hoàn thiện Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 và đang tích cực triển khai các đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch liên quan khác; chuẩn bị sẵn sàng về nguồn nhân lực, mặt bằng. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp Visip2, Yên Phong 2A, Yên Phong 2C, Thuận Thành 1, Gia Bình I, Gia Bình II và các cụm công nghiệp theo quy hoạch. Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý dự án sau đầu tư, với nhiều kế hoạch xúc tiến doanh nghiệp năm 2023 được tỉnh kỳ vọng là năm đột phá thu hút đầu tư.

Tính từ đầu năm đến 20/11, toàn tỉnh đã thu hút được 349 dự án FDI đăng ký cấp mới (tăng 225 dự án) so với CK; vốn đăng ký mới đạt 1.056,9 triệu USD (tăng 738,1 triệu USD). Ngoài ra, điều chỉnh vốn cho 149 dự án (tăng 31 dự án), với số vốn điều chỉnh tăng là 592,9 triệu USD (giảm 1.077,1 triệu USD); góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 61 lượt (tăng 18 lượt) với giá trị là 22,3 triệu USD (giảm 25,2 triệu USD); thu hồi 59 dự án (tăng 17 dự án) với tổng vốn đầu tư là 97,7 triệu USD (tăng 0,3 triệu USD). Riêng trong tháng 11, cấp mới đăng ký đầu tư cho 41 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 148,92 triệu USD (trong đó có 1 dự án lớn đó là dự án của Singapo đầu tư vào ngành sản xuất linh kiện điện tử với số vốn là 75 triệu USD); điều chỉnh vốn cho 22 dự án với số vốn điều chỉnh tăng là 121,42 triệu USD; 6 lượt ra thông báo chấp thuận góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế với giá trị là 0,8 triệu USD; chấm dứt hoạt động 7 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,06 triệu USD. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 2.109 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp đạt 24.941,5 triệu USD.

TP. Hồ Chí Minh: Tình hình cấp phép đầu tư trực tiếp nước ngoài Từ ngày 01/01/2023 đến ngày 20/11/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Thành phố đạt 3.084,2 triệu USD, giảm 12,9% so với cùng kỳ, trong đó:

Cấp mới có 1.090 dự án cấp phép mới, tăng 35,1% so với cùng kỳ và vốn đăng ký đạt 573,5 triệu USD tăng 20,1%. Trong đó, hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy với 462 dự án, vốn đăng ký là 218,9 triệu USD, chiếm 38,2% vốn đăng ký cấp mới; kế đến hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ có 269 dự án, vốn đăng ký 134,5 triệu USD, chiếm 23,5%; hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo có 17 dự án, vốn đăng ký là 67,2 triệu USD, chiếm 11,7%; hoạt động xây dựng với 08 dự án, vốn đăng ký là 54,5 triệu USD, chiếm 9,5%. Xin-go-po là quốc gia dẫn đầu về dự án cấp phép mới với 184 dự án, vốn đăng ký đạt 170,1 triệu USD, chiếm 29,7% vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Nhật Bản với 95 dự án, vốn đăng ký 81,2 triệu USD, chiếm 14,2%; Ấn Độ với 40 dự án, vốn đăng ký đạt 62,2 triệu USD, chiếm 10,8%.

Điều chỉnh vốn đăng ký có 281 dự án điều chỉnh vốn đăng ký, tăng 71,3% so với cùng kỳ và vốn điều chỉnh đạt 601,7 triệu USD, giảm 61,3%. Trong đó, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ có 62 dự án, vốn đăng ký tăng 198,9 triệu USD chiếm 33,1% vốn đăng ký điều chỉnh; hoạt động thông tin và truyền thông có 49 dự án, vốn đăng ký 150,7 triệu USD, chiếm 25,1%; hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy có 96 dự án, vốn đăng ký 7 tăng 104,5 triệu USD, chiếm 17,4%. Hoa Kỳ là quốc gia có số vốn điều chỉnh cao nhất trong 11 tháng năm 2023 đạt 217,9 triệu USD, chiếm 36,2% vốn đăng ký điều chỉnh.

Góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp có 2.099 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện với góp vốn là 1.909 triệu USD, tăng 26,7% về vốn so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt kinh doanh bất động sản có số vốn góp đạt 917,0 triệu USD, chiếm 48,0%; hoạt động bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy với vốn góp là 363,3 triệu USD, chiếm 19,0% tổng vốn góp; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đạt 330,1 triệu USD, chiếm 17,3%. Xin-ga-po, Ma-lay-si-a là hai quốc gia có tỷ trọng vốn góp cao nhất lần lượt chiếm 43,4% và 21,2%.

Lũy kế từ ngày 01/01/1988 đến ngày 20/11/2023, trên địa bàn Thành phố có 12.300 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt 57,25 tỷ USD (Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu về số dự án còn hiệu lực so với cả nước); 26.389 trường hợp Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với vốn góp đăng ký tương đương 25,70 tỷ USD. Tính chung giá trị vốn đầu tư nước ngoài cấp mới, vốn đầu tư tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp vào Thành phố đạt hơn 82,95 tỷ USD.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong năm nay đã có nhiều khởi sắc, tuy nhiên Để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng trong thời gian tới, Việt Nam cần thực thi nhiều giải pháp hiệu quả, cụ thể như sau:

Một là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch, gắn quy hoạch với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo đó, cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất theo hướng đồng bộ, thống nhất, liên kết, bảo đảm phát huy, sử dụng có hiệu quả tiềm năng lợi thế và nguồn lực của thành phố, gắn với tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Đặc biệt, sớm hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Hai là, xác định đúng định hướng thu hút đầu tư của thành phố trong từng thời kỳ. Cụ thể là xây dựng chương trình thu hút đầu tư của thành phố cho giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn 2030. Trong đó, thu hút vốn FDI theo bốn định hướng lớn là: chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững, có sự cam kết chuyển giao công nghệ và lao động có kỹ năng cao. Vốn ODA tập trung cho các công trình cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội lớn, hạ tầng đô thị trọng điểm. Vốn trong nước tập trung vào các tập đoàn, công ty lớn đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh các ngành nghề thế mạnh của thành phố, các dự án hạ tầng đô thị, thương mại, du lịch, xã hội; thu hút đầu tư vào những ngành có giá trị gia tăng cao; thu hút những nhà đầu tư lớn, đồng thời quan tâm thu hút các nhà đầu tư vừa và nhỏ phù hợp với từng lĩnh vực, từng địa bàn. Cùng với đó là phát triển các khu, cụm công nghiệp chuyên ngành, có tính liên kết theo chuỗi sản xuất. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư đối với các lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục – thể thao, khuyến khích áp dụng đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Ba là, tăng cường hiệu quả và đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư cả trong và ngoài nước. Theo đó, nghiên cứu mô hình Ban chỉ đạo Xúc tiến đầu tư cấp thành phố và Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch của thành phố. Công khai kế hoạch và các thủ tục đầu tư bằng nhiều hình thức. Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin kinh tế – xã hội, quy hoạch, định hướng thu hút đầu tư của thành phố cho các nhà đầu tư. Đồng thời, xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, chủ động hơn, đúng trọng tâm, bám sát nhu cầu và thực tế của thành phố, trực tiếp đến từng tập đoàn, đối tác, hướng vào thị trường và sản phẩm cụ thể. Tăng cường liên kết với các trung tâm xúc tiến đầu tư trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các hiệp hội ngành hàng, tổ chức quốc gia và quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan truyền thông đại chúng và doanh nghiệp.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, tạo bước chuyển thật sự về chất mối quan hệ giữa cơ quan hành chính với doanh nghiệp, công dân nhằm khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư,  nâng cao năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong ứng xử, phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư; tăng cường phối hợp các sở, ban, ngành để hỗ trợ các nhà đầu tư; chủ động nghiên cứu đề xuất cải tiến các thủ tục đầu tư, kinh doanh. Cùng với đó là tăng cường công tác hậu kiểm, kiên quyết thu hồi các dự án ”treo”, các dự án chậm triển khai, thực hiện không đúng tiến độ cam kết;  tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực; sát cánh với các nhà đầu tư giải quyết những khó khăn về  thủ tục hành chính và các vướng mắc phát sinh trong tiến trình hoạt động kinh doanh.

Năm là, tập trung đầu tư, nâng cấp đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, cần nâng cấp, mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối đồng bộ giữa các phương thức giao thông. Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành trung ương đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông lớn trên địa bàn thành phố. Tập trung hoàn thiện hạ tầng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo; ưu tiên đầu tư từ ngân sách thành phố cho giáo dục và đào tạo; tập trung phát triển các trường, các nghề trọng điểm, tạo điều kiện ưu đãi tốt nhất cho phát triển giáo dục và đào tạo.

Sáu là, tăng cường khả năng thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư công để tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn trong và ngoài ngân sách có hiệu quả. Trong đó, đặc biệt quan tâm thực hiện tốt Luật Đầu tư công, nâng cao hiệu quả đầu tư thông qua việc kiểm soát chặt chẽ quy trình đầu tư, nâng cao trình độ chuyên môn của chủ đầu tư, các cơ quan tư vấn…

Theo gso.gov.vn