Tình hình sản xuất công nghiệp của một số tỉnh, thành phố có quy mô công nghiệp lớn tháng 11 và 11 tháng năm 2023


Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11/2023 của hầu hết các địa phương có quy mô công nghiệp lớn đều tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, so với tháng trước, IIP của Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 9,9%; Bình Dương tăng 6,3%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 3,8%; Đồng Nai tăng 2,3%; Long An tăng 1%. So với cùng kỳ năm trước, IIP của Long An tăng 10,7%; TP. Hồ Chí Minh tăng 9,8%; Bình Dương tăng 9,4%; Đồng Nai tăng 8,5%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 1,1%.

Trong tháng 11/2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp; tiếp tục phát sinh xung đột vũ trang, các yếu tố rủi ro về tăng trưởng kinh tế, nợ công, chuỗi cung ứng hàng hóa… và bất ổn chính trị gia tăng; thiên tai, bão lũ… diễn biến khó lường, ảnh hưởng nặng nề đến các quốc gia, khu vực.

Ở trong nước, nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực nhưng vẫn gặp nhiều thách thức do tác động của các yếu tố bất lợi của kinh tế thế giới và những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế kéo dài nhiều năm. Sản xuất công nghiệp tại một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn trong tháng 11 năm nay tăng trưởng tích cực, thể hiện xu hướng phục hồi so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11/2023 của hầu hết các địa phương có quy mô công nghiệp lớn đều tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp công nghiệp của các địa phương này đã có sự thích nghi và phục hồi tích cực. Nhiều doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất kinh doanh, góp phần vào tăng trưởng, phát triển kinh tế của tỉnh.

Cụ thể, so với tháng trước, IIP của Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 9,9%; Bình Dương tăng 6,3%; TP. Hồ Chí Minh tăng 3,8%; Đồng Nai tăng 2,3%; Long An tăng 1%. So với cùng kỳ năm trước, IIP của Long An tăng 10,7%; TP. Hồ Chí Minh tăng 9,8%; Bình Dương tăng 9,4%; Đồng Nai tăng 8,5%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 1,1%.

Trong số các địa phương có quy mô công nghiệp lớn, có Bắc Ninh là địa phương có IIP tháng 11/2023 giảm mạnh so với tháng trước (giảm 7,5%) và so với cùng kỳ năm trước (giảm 5,7%). Sản xuất công nghiệp Bắc Ninh vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm, sức mua yếu, cộng thêm chi phí đầu vào tăng cao.

Sự sụt giảm quy mô ở cả thị trường trong nước lẫn thị trường xuất khẩu, ảnh hưởng lớn nhất là xuất khẩu của Samsung trên địa bàn giảm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đang phải gồng mình sản xuất cầm chừng để duy trì hoạt động, mong chờ sự khởi sắc hơn trong tháng cuối năm khi kinh tế thế giới dần hồi phục.

Hình: Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2023của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn (%). Nguồn: gso.gov.vn
Hình: Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2023của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn (%). Nguồn: gso.gov.vn

Tính chung 11 tháng năm 2023, Long An là địa phương có tốc độ tăng IIP cao nhất. Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An những tháng cuối năm cơ bản phục hồi và có bước phát triển tháng sau cao hơn so với tháng trước. IIP của Long An 11 tháng năm 2023 đạt 6,9%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,7%; ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,6%.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 11 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất kim loại tăng 40,8%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 31,2%; thoát nước và xử lý nước thải tăng 30,2%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế), từ rơm, rạ và vật liệu tết bện tăng 20,3%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 12,0%…

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tháng 11/2023 có mức tăng cao so cùng kỳ như: dầu và mỡ bôi trơn tăng 47,8%; ván ép từ gỗ và các vật liệu tương tự tăng 45,4%; giường bằng gỗ các loại tăng 37,5%; bia đóng lon tăng 35,2%; áo sơ mi cho người lớn dệt kim hoặc đan móc tăng 32,2 %; cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại tăng 31,3%; bao bì đóng gói khác bằng plastic tăng 28,6%; sắt, thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm tăng 20,9% …

Đồng Nai cũng là địa phương có tốc độ tăng IIP 11 tháng năm 2023 đạt khá so với các địa phương trong cả nước nói chung và so với các địa phương có quy mô công nghiệp lớn nói riêng (tăng 5%). Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 4,9%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,8%; ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,5%. Riêng ngành sản xuất và phân phối điện giảm 10,8%, đây là ngành có mức giảm nhiều nhất do các doanh nghiệp sản xuất điện trên địa bàn có kế hoạch sản xuất giảm.

Một số ngành công nghiệp chủ lực của địa phương có chỉ số sản xuất 11 tháng năm 2023 đạt mức tăng khá so cùng kỳ như: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 9,1%; sản xuất đồ uống tăng 7,9%, sản xuất trang phục tăng 6,6%; chế biến thực phẩm tăng 5,6%; sản xuất hóa chất tăng 5,4%; dệt tăng 5%;

Sản xuất công nghiệp của Bình Dương đang trong giai đoạn phục hồi tích cực, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang tăng trở lại, đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu mặc dù ngành công nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Tốc độ tăng IIP 11 tháng năm 2023 của Bình Dương đạt 4,7%.

Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 2,4%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,8%[1]; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1,4%; ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,2%. Có được kết quả trên một phần là do tỉnh Bình Dương đẩy nhanh tiến trình cải cách, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp, thực hiện nhất quán, đầy đủ và hoàn thành các mục tiêu về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, tìm các giải pháp tạo điều kiện đưa hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, phát triển.

TP. Hồ Chí Minh có tốc độ tăng IIP 11 tháng năm 2023 đạt 4,1%. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 7,9%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,1%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,7%; ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,6%.

Đối với ngành công nghiệp cấp 2, có 20/30 ngành có IIP 11 tháng năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngành có mức tăng cao như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 30,7%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 19,0%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 15,2%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 14,3%.

Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số IIP giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; sản xuất kim loại giảm 17,5% và sản xuất sản phẩm từ khoáng kim loại khác đều có mức giảm 15,1%; sản xuất đồ uống giảm 12,1%; sản xuất trang phục giảm 10,5%. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 11 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Bao bì đóng gói bằng plastic tăng 37,0%; phân khoáng hoặc phân hóa học tăng 26,8%; đá xây dựng các loại tăng 10,6%; sữa/kem đặc có/không có đường tăng 9,9%. Một số sản phẩm công nghiệp giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như: Xi măng giảm 22,4%; bia chai, lon giảm 21,6%; sắt thép các loại giảm 20,0%; quần áo các loại trừ quần áo thể thao giảm 11,3%.

Sản xuất công nghiệp của Bà Rịa - Vũng Tàu cũng dần có sự thích nghi và phục hồi khá, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, góp phần vào phát triển, tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tốc độ tăng IIP 11 tháng năm 2023 của Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 0,8%. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 8,1%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,5%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,2%; ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,4%. Đóng góp vào sự hồi phục của ngành công nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu có các ngành trọng điểm thuộc các ngành công nghiệp cấp 2 như: Sản xuất trang phục tăng 87,6%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 4%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 31,3%; sản xuất đồ uống tăng 30,5%; dệt tăng 29,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 16,6%…

IIP 11 tháng năm 2023 của Bắc Ninh giảm 12,2%, đây là mức giảm nhiều nhất trong vòng 5 năm trở lại đây[2]. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 12,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,1%; ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,4%. Một số ngành công nghiệp trọng điểm của Bắc Ninh giảm mạnh: Sản xuất thiết bị điện giảm 27,5%; sản xuất trang phục giảm 24,6%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 20,3%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 10,9%.

[1] Một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 10,8%; đồ uống tăng 21,2%; giấy và sản phẩm từ giấy tăng 1,7%; In, sao chép bản ghi các loại tăng 3,3%; hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 5,7%; thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 12,7%; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 3%; sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 17,9%; thiết bị điện tăng 3,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 9,2%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 12,2%.

[2] Tốc độ tăng/giảm IIP 11 tháng các năm 2019-2023 của Bắc Ninh lần lượt là: -7,9%; 0,2%; 9,9%; 9,4%; -12,2%.

Theo gso.gov.vn