Thực thi nghiêm chính sách, pháp luật về môi trường để giảm thiểu thải rắn sinh hoạt

Thùy Linh

Muốn xử lý triệt để vấn đề liên quan đến chất thải rắn giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm và suy thoái môi trường và nguy cơ cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên cần phải nghiêm túc thực thi các chính sách pháp luật, và đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào cuộc sống.

Trong chất thải rắn thì chất thải đô thị, sinh hoạt và rác thải nhựa là những vấn đề gây bức xúc.
Trong chất thải rắn thì chất thải đô thị, sinh hoạt và rác thải nhựa là những vấn đề gây bức xúc.

Khó xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Tại Tọa đàm “Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị” tổ chức chiều ngày 7/3, ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta đang đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, trong đó có chất thải rắn. Trong chất thải rắn thì chất thải đô thị, sinh hoạt và rác thải nhựa là những vấn đề gây bức xúc.

Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng chất thải rắn lớn, phát sinh từ các khu đô thị, nông thôn và khu công nghiệp. Theo ước tính năm 2019, chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị là khoảng gần 36 nghìn tấn/ngày, ở nông thôn là hơn 28 nghìn tấn/ngày. Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở cả khu vực đô thị và nông thôn năm 2019 đã tăng khoảng 50% so với năm 2010.

Theo ông Tạ Đình Thi, nguyên nhân chính của mức tăng đáng kể này là do những yếu tố khách quan, chủ quan của quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa gắn liền với phương thức sản xuất hàng hóa, tiêu dùng, phân phối, cách thức quản lý, năng lực phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải và ý thức của người dân cũng như doanh nghiệp.

Ông Thi cũng cho hay, chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta hiện nay có khoảng 20% là chất thải có thể tái chế; 60% chất thải hữu cơ có thể làm compost, phân vi sinh, biogas... còn lại là chất thải khác có thể đem thiêu đốt thu nhiệt hoặc chôn lấp. Thực tế này yêu cầu cần có chính sách để tái chế, tái sử dụng.

“Phần lớn các thành phần trong chất thải rắn sinh hoạt đều có thể tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng và chôn lấp. Nếu việc chôn lấp được thực hiện đúng quy cách cũng có thể tạo ra tài nguyên không gian”, ông Thi nêu rõ.

Đối với chất thải nhựa, theo Ngân hàng Thế giới đến nay, Việt Nam mới chỉ tái chế khoảng 33% các nhựa chính (PE, PP, PET, HDPE). Mặt khác, trong các loại chất thải thì chất thải rắn sinh hoạt khó quản lý và xử lý triệt để nhất do ý thức của đa số người dân còn chưa cao, hệ thống phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý còn nhiều hạn chế.

Đặc biệt, tại các đô thị lớn có tốc độ đô thị hóa cao, các khu vực phát triển công nghiệp nhanh, nguồn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng nhanh trong các năm gần đây và nhiều nơi không thể tìm thêm được địa điểm chôn lấp mới trong khi chưa có các công nghệ xử lý tiên tiến thay thế, người dân chưa thực hiện việc phân loại chất thải rắn tại nguồn. 

Cần thực hiện nghiêm các quy định pháp luật

Ðể giải quyết vấn đề chất thải rắn, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm và suy thoái môi trường, và nguy cơ cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, Việt Nam đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan. Giống như nhiều quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam cũng đang từng bước chuyển dịch từ các mô hình "kinh tế tuyến tính" sang "kinh tế tuần hoàn" với mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Hiện nay, Việt Nam đã luật hóa nội dung kinh tế tuần hoàn trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

Ngoài ra, Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện lồng ghép kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển, quản lý, tái sử dụng, tái chế. Tư duy về kinh tế tuần hoàn này cũng được lồng ghép trong các điều, khoản khác như đẩy mạnh chi tiêu công xanh (GPP), mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR), phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường.

Việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt được chú trọng giải quyết ngay tại nguồn, việc giảm thiểu, phân loại, tái chế, tái sử dụng và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Theo quy định tại khoản 1 Điều 75 và khoản 7 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường, việc phân loại chất thải rắn tại nguồn phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024.

Mặt khác, Việt Nam cũng đang tích cực tham gia đàm phán, xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa nhằm mục tiêu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam, trên cơ sở quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các quy định của pháp luật hiện hành.