Đắk Lắk chủ động phòng, chống cháy rừng


Đắk Lắk đang trong thời kỳ cao điểm của mùa khô năm 2024, nên nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất lớn. Để ngăn chặn "giặc lửa" gây thiệt hại tài nguyên rừng, các cấp, các ngành của tỉnh cũng như chủ rừng đã chủ động triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).

Cán bộ, nhân viên Vườn Quốc gia Chư Yang Sin tuần tra quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: Vạn Tiếp
Cán bộ, nhân viên Vườn Quốc gia Chư Yang Sin tuần tra quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: Vạn Tiếp

Chủ động “bốn tại chỗ” trong PCCCR

Lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả (huyện Ea H’leo) quản lý có tổng diện tích hơn 14.422 ha, trong đó có gần 2.352 ha rừng và đất rừng phòng hộ, hơn 12.070 ha rừng và đất rừng sản xuất.

Đây là khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Do đó, đơn vị đã thường xuyên kiểm tra, giám sát ba tổ đội PCCCR về công tác PCCCR trên lâm phần quản lý; thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng trong những tháng mùa khô, đặc biệt là ở các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng để kịp thời phát hiện, dập tắt các đám cháy.

Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền PCCCR, đóng bảng cấm lửa và xây dựng kế hoạch huy động lực lượng địa phương để xử lý khi có cháy rừng xảy ra.

Ông An Ngọc Tân, Giám đốc công ty cho biết, để giảm thiểu nguy cơ cháy rừng, từ đầu mùa khô, đơn vị đã tiến hành phát dọn đường băng cản lửa, tổ chức đốt non chủ động, không để thực bì phủ dày. Công ty đề ra các tình huống cháy rừng trên địa bàn trọng điểm cụ thể để có phương án xử lý, ứng phó và triển khai chữa cháy theo phương châm "bốn tại chỗ" (lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ và chỉ huy tại chỗ). Các nhiệm vụ được chỉ huy rõ đến từng đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm cụ thể; đồng thời, thực hiện tốt công tác phối hợp với các đơn vị, chủ rừng liền kề.

Không chủ quan, lơ là trong nhiệm vụ PCCCR cũng là quan điểm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Đơn vị này quản lý lâm phần có tổng diện tích hơn 26.887 ha, trong đó có nhiều thảm thực vật có nguy cơ xảy ra cháy rất cao vào mùa khô.

Ngoài ra, người dân đi qua tuyến Quốc lộ 29 chạy qua khu bảo tồn thường dừng lại hút thuốc lá và người dân địa phương hay xâm nhập vào rừng bằng đường mòn, lối mở để bẫy thú, đốt ong cũng thêm áp lực cho công tác PCCCR.

Theo ông Lê Minh Tiến, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, ở những khu vực có nguy cơ cháy cao, đơn vị đã cày ủi đường băng cản lửa và bố trí chòi canh lửa để theo dõi, kiểm soát mọi tình huống 24/24 giờ.

Từ trước mùa khô, chủ rừng cũng đã củng cố lực lượng PCCCR; tập huấn cho nhân viên về nghiệp vụ chữa cháy rừng, sử dụng phương tiện chữa cháy; chủ động bố trí cán bộ thường xuyên phối hợp với các tổ quản lý rừng cộng đồng của các thôn, buôn xung quanh rừng tiến hành tuần tra, canh gác. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về pháp luật bảo vệ và phát triển rừng, các quy định về PCCCR cho người dân.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Toàn tỉnh có ba khu vực trọng điểm cháy rừng. Cụ thể, khu vực 1 - nguy cơ cháy rừng rất cao, diện tích 56.149 ha; khu vực 2 - có nguy cơ cháy rừng cao, diện tích 191.407 ha; khu vực 3 - có nguy cơ cháy rừng, diện tích 11.370 ha.

Tỉnh Đắk Lắk có hơn 413.000 ha rừng tự nhiên và hơn 83.000 ha rừng trồng. Vào mùa khô, đây là một trong những địa phương có cảnh báo nguy cơ cháy rừng cao, khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rất cao là những địa bàn có diện tích lớn về rừng trồng, rừng khộp, rừng hỗn giao…

Ngay từ đầu mùa khô năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương và chủ rừng tăng cường công tác PCCCR.

Theo đó, công tác PCCCR phải chủ động các phương án để hạn chế thấp nhất cháy rừng có thể xảy ra; khi xảy ra cháy rừng, cần huy động lực lượng đủ mạnh nhằm chữa cháy kịp thời, không để cháy lớn, kéo dài gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.

UBND tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của toàn thể cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR và công tác phát triển rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp.

Đối với các huyện, thị xã, thành phố, phải đặt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR là nhiệm vụ trọng tâm, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của các cấp, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội; tăng cường chức năng kiểm tra, giám sát, phối hợp với các đơn vị chủ rừng xây dựng phương án cụ thể triển khai kế hoạch PCCCR.

Về phía chủ rừng, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác PCCCR trên lâm phần quản lý, triển khai lực lượng đủ mạnh tuần tra canh gác lửa rừng trong mùa cao điểm; bố trí các điểm chốt chặn, trạm kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra đôn đốc các tổ chức, hộ gia đình liên kết trồng rừng, nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng nghiêm túc thực hiện các biện pháp PCCCR.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đơn vị đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm, đội kiểm lâm cơ động và PCCCR chủ động kiểm tra, rà soát xác định các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao; phân công công chức kiểm lâm bám sát, theo dõi, kịp thời phát hiện cháy trên địa bàn, phối hợp với các đơn vị chủ rừng chữa cháy và báo cáo kịp thời ban chỉ đạo cấp tỉnh huy động lực lượng chữa cháy khi có cháy lớn xảy ra.

Ngành kiểm lâm cũng hướng dẫn, đôn đốc chủ rừng, các xã có rừng (bao gồm cả rừng trồng cao su) phải xây dựng phương án PCCCR, bố trí lực lượng thường trực chỉ huy, có sơ đồ chỉ huy phòng cháy và xây dựng các công trình PCCCR tại các vùng trọng điểm về cháy rừng.

Theo Minh Chi/ Báo Đắk Lắk