Tăng trưởng kinh tế: Kỳ vọng từ hỗ trợ tài khóa

Tuấn Thủy

Hỗ trợ tài khóa kịp thời và đầu tư công sẽ những giải pháp chính sách then chốt để kích thích tăng trưởng kinh tế đạt kỳ vọng 6% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.

Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế cho Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 11/4/2024, trong quý đầu tiên của năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã tăng lên 5,7% so với mức 3,4% cùng kỳ năm ngoái, bất chấp rủi ro sụt giảm từ những bất ổn địa chính trị toàn cầu.

Chính sách tài khóa - chìa khóa tăng trưởng

Trong báo cáo, chuyên gia ADB nhận định, lãi suất trong nước thấp cùng các biện pháp chính sách tài khóa và tăng lương sẽ thúc đẩy các dịch vụ tiêu dùng trong năm 2024. Minh chứng được thể hiện qua doanh số bán lẻ trong quý I/2024 cao hơn 8,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Doanh số bán lẻ quý I/2024 đã có sự cải thiện nhờ giảm thuế giá trị gia tăng. Nguồn: ADB
Doanh số bán lẻ quý I/2024 đã có sự cải thiện nhờ giảm thuế giá trị gia tăng. Nguồn: ADB

Hoạt động kinh tế phục hồi, dù chậm nhưng sẽ thúc đẩy các dịch vụ logistics, trong khi chính sách thị thực cởi mở hơn sẽ thúc đẩy du lịch. Về tổng thể, ngành Dịch vụ được dự báo sẽ tăng trưởng 7,7% trong năm 2024. Nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa nông nghiệp và các hiệp định thương mại tự do sẽ tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu nông sản.

Trong bối cảnh không gian chính sách tiền tệ hạn chế, chi tiêu tài khóa và đầu tư công sẽ là chìa khóa tăng trưởng trong năm 2024. Thông tin từ Báo cáo của ADB cho thấy, vị thế tài khóa thuận lợi, với thâm hụt ngân sách không đáng kể và tỉ lệ nợ công trên GDP thấp đã mang lại đủ không gian tài khóa để hỗ trợ kinh tế Việt Nam tăng trưởng.

Cụ thể, chương trình giảm thuế giá trị gia tăng hiện tại đã được gia hạn tới tháng 6/2024 và có thể được kéo dài tới cuối năm 2024.

Mức sụt giảm 22,4% trong doanh thu xuất nhập khẩu năm 2023 đã làm giảm 5,4% thu nhập, trong khi chi đầu tư cơ bản gia tăng đã làm tăng tổng chi ở mức 10,9%. Tuy nhiên, các khoản trả nợ công được kiểm soát tốt và chi thường xuyên được kiềm chế đã giúp duy trì ngân sách tương đối cân bằng, với mức thâm hụt nhẹ ước tính bằng 0,14% GDP.

Các chuyên gia ADB dự báo, năm 2024, nền kinh tế Việt Nam có khả năng tăng trưởng nhanh hơn so với năm 2023, mặc dù rủi ro vẫn hiện hữu. Bởi nhu cầu toàn cầu suy yếu do phục hồi kinh tế chậm và căng thẳng địa chính trị tiếp diễn sẽ làm chậm quá trình khôi phục hoàn của ngành chế biến xuất khẩu. Việc trì hoãn bình thường hóa lãi suất tại Hoa Kỳ và các nền kinh tế phát triển khác cũng sẽ cản trở việc chuyển hướng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng.

Do đó, chuyên gia ADB cho rằng, các biện pháp tài khóa hỗ trợ tăng trưởng sẽ trở thành giải pháp chính sách then chốt để kích thích tăng trưởng. Bên cạnh đó, các biện pháp chính sách trong năm 2024 cần kết hợp hỗ trợ tăng trưởng ngắn hạn với khắc phục các yếu kém cơ cấu trong dài hạn để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Vai trò trọng yếu của đầu tư công

Bên cạnh chính sách tài khóa, đầu tư công sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nền kinh tế. Sau khi Quốc hội phê duyệt ngân sách, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch phân bổ 688,5 nghìn tỷ đồng để tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy phát triển kinh tế. Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp chính sách khác nhau để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu quả thực thi.

Tỷ lệ thực hiện giải ngân vốn đầu tư trong năm dao động quanh 80% kế hoạch. Nguồn: ADB
Tỷ lệ thực hiện giải ngân vốn đầu tư trong năm dao động quanh 80% kế hoạch. Nguồn: ADB

Những biện pháp này bao gồm một loạt các nghị quyết và chỉ thị tập trung vào các khía cạnh khác nhau của giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, chuyên gia ADB cho rằng, để duy trì tiến độ, cần có các biện pháp mang tính hệ thống hơn nhằm cải thiện các quy trình pháp lý và quy định để có thể thực hiện thành công. Bằng cách chủ động khắc phục những trở ngại này một cách toàn diện trong suốt chu trình dự án, Việt Nam có thể phát huy tối đa tiềm năng của các sáng kiến đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

“Một lượng lớn vốn đầu tư công, tương đương 27,3 tỉ USD, đã được lên kế hoạch giải ngân trong năm nay. Cùng với số vốn giải ngân trong năm 2023, khoản đầu tư công bổ sung này sẽ thúc đẩy tăng trưởng đáng kể”, báo cáo ghi nhận.

Bên cạnh đó, sự phục hồi dần của ngành công nghệ chế biến xuất khẩu sẽ hỗ trợ dòng vốn FDI. Vốn FDI đăng ký tăng 13,4% và vốn giải ngân tăng 7,1% trong quý I/2024 so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu tư công được đẩy mạnh và điều kiện kinh doanh được cải thiện có thể thúc đẩy đầu tư tư nhân trong năm 2024.