Cần nghiêm túc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán

Thùy Linh

Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) sẽ góp phần cải thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công quốc gia. Chính vì vậy, các đơn vị cần phải thực thi, chấp hành nghiêm túc.

Còn không ít kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Còn không ít kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Nâng cao ý thức chấp hành

Theo số liệu thống kê, rà soát của KTNN, phần lớn các kết luận, kiến nghị kiểm toán đã được các đơn vị nỗ lực, nghiêm túc thực hiện (bình quân khoảng 75-80% cho năm liền kề năm kiểm toán) và tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo đối với số kiến nghị còn lại mỗi năm với tỷ lệ khoảng 15-20%.

KTNN đánh giá, tình hình thực hiện các kiến nghị kiểm toán thời gian gần đây có nhiều tiến bộ, chuyển biến tích cực với tỷ lệ thực hiện ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, trên thực tế còn rất nhiều các kiến nghị kiểm toán không được thực hiện. Có những kiến nghị đã gần 10 năm, thậm chí hơn 20 năm nhưng đến nay vẫn “treo” không được thực hiện. Có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khiến cho việc thực hiện kiến nghị kiểm toán còn khó khăn, thậm chí là không có khả năng thực hiện.

KTNN cũng cho biết, bên cạnh tồn đọng trong thực hiện kiến nghị xử lý tài chính, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản pháp luật, quy phạm pháp luật nhằm “bịt lỗ hổng” cơ chế, chính sách; kiến nghị về kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân - cũng còn rất khiêm tốn.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, kết luận, kiến nghị kiểm toán có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước. Việc tồn tại tỷ lệ lớn các kiến nghị, kiểm toán chưa được thực hiện thể hiện việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách chưa nghiêm. Trên khía cạnh pháp luật, KTNN là cơ quan nhà nước hoạt động độc lập, có chức năng kiểm tra tài chính công, tài sản công; thực hiện kiểm tra việc chi tiêu và đánh giá xác nhận báo cáo tài chính của các cơ quan thuộc lĩnh vực công.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, KTNN không có quyền áp đặt các đơn vị chấp hành thực hiện theo kiến nghị kiểm toán. Tuy nhiên, bản thân mỗi đơn vị cần phải thấy rằng, được KTNN chỉ ra, kiến nghị chấn chỉnh, đó là điều tốt cho chính đơn vị, địa phương, để từ đó chủ động, nghiêm túc sửa đổi theo kiến nghị kiểm toán.

“Dù muốn, dù không, với các quy định pháp luật hiện hành, nếu các đơn vị cố tình không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời kiến nghị kiểm toán sẽ phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về hành chính hoặc pháp luật hình sự”, chuyên gia Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

Nâng cao chất lượng kiến nghị kiểm toán

Thực tiễn hoạt động của KTNN cũng đã khẳng định vai trò, ý nghĩa của kết luận, kiến nghị kiểm toán đối với công tác quản lý nhà nước, đặc biệt trong xu thế đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước theo mô hình quản lý công mới - với mục tiêu đổi mới toàn diện nhằm cung cấp dịch vụ công tốt nhất cho người dân, tăng cường quản trị công hiệu quả, hiệu lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để thích ứng với bối cảnh, điều kiện, tình hình mới.

Xác định phần lớn kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện thuộc về trách nhiệm của các đơn vị kiểm toán, cũng như vướng mắc do cơ chế…, song KTNN cho rằng, để việc thực hiện kiến nghị đạt kết quả cao cần có giải pháp đồng bộ từ nhiều phía, song trước tiên, kết luận, kiến nghị kiểm toán phải đảm bảo tính chính xác, thuyết phục.

Trong thời gian tới, KTNN sẽ cố gắng khắc phục các bất cập, hạn chế để thực hiện tốt hơn nữa  trách nhiệm của mình trong đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán; quyết tâm nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán, đảm bảo các kiến nghị kiểm toán đưa ra rõ ràng, đúng người, đúng việc, từ đó nâng cao tỷ lệ thực hiện kiến nghị.

Cùng với đó, KTNN sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát chất lượng kiểm toán, yêu cầu thực hiện đầy đủ các quy trình, chuẩn mực, các hướng dẫn của Ngành, thực hiện đầy đủ các quy định của đoàn kiểm toán; quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thu thập bằng chứng, ghi nhật ký kiểm toán…

KTNN cũng sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán; thường xuyên phối hợp, trao đổi với đơn vị kiểm toán, nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận để đưa ra kết luận, kiến nghị rõ ràng, khả thi; đồng hành với các đơn vị, địa phương tháo gỡ ngay các vướng mắc, bất cập trong thực hiện kiến nghị kiểm toán…