Loạt bài: Ổn định thị trường vàng, vững tâm lý người đầu tư

Bài 4: Thời điểm "chín muồi" để định vị lại thị trường vàng

Tuấn Thủy

Độc quyền quản lý vàng theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đã phát huy tác dụng, là “vũ khí” chống vàng hóa hiệu quả. Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ, cơ chế quản lý này không còn phù hợp, bộc lộ nhiều bất cập, cần phải sửa đổi để thị trường vàng phát triển ổn định, minh bạch và lành mạnh.

Độc quyền thương hiệu SJC đang "bóp nghẽn" các loại vàng khác có chất lượng tương đương.
Độc quyền thương hiệu SJC đang "bóp nghẽn" các loại vàng khác có chất lượng tương đương.

Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đã hoàn thành sứ mệnh

Nếu như giá vàng SJC tăng hơn 10% trong cả năm 2023, thì chỉ trong 3 tháng đầu năm 2024, giá vàng này đã tăng khoảng 8%, từ mức hơn 75 triệu đồng/lượng tại thời điểm đầu năm lên 81 triệu đồng/lượng. Không chỉ tăng mạnh và bất ngờ, vàng miếng SJC thường xuyên tăng nhanh, giảm chậm hơn thế giới và ngày càng trở nên đắt đỏ.

Do vậy, giá vàng luôn là câu chuyện nóng được bàn luận trong vài tháng qua, khi mà giá trong nước cũng như thế giới liên tục lập đỉnh mới cao nhất mọi thời đại. Không chỉ giá tăng cao, vấn đề chênh lệch giữa giá trong nước với giá thế giới cũng là vấn đề đáng chú ý.

Nhiều chuyên gia cho rằng, diễn biến phức tạp của thị trường vàng nội địa không nằm trong quy luật của thị trường có thể gây nên những rủi ro tác động tiêu cực đến sự an toàn của thị trường tài chính tiền tệ, nền kinh tế và tâm lý xã hội.

Trước tình trạng đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20/3/2024 yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng, đồng thời yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, đề xuất hướng sửa đổi cho phù hợp với thị trường.

Mới đây, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, Thủ tướng tiếp tục lưu ý về tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng và chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới cần tiếp tục được theo dõi, điều hành linh hoạt, kịp thời, phù hợp.

Trước đó, tại buổi họp báo về triển khai nhiệm vụ ngân hàng 2024, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực NHNN đã chia sẻ, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đã phát huy được vai trò vô cùng quan trọng, đó là kiểm soát được thị trường vàng và ổn định tỷ giá, lãi suất, vì vàng có quan hệ với tỷ giá, lãi suất, đồng thời thành công chống được “vàng hóa”, “đô la hóa”.

“Tuy nhiên, đã đến lúc phải sửa đổi Nghị định để phù hợp hơn trước diễn biến thị trường vàng hiện nay và đáng ra phải sửa đổi sớm hơn”, Phó Thống đốc nói.

TS. Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho biết, Hiệp hội đã đề xuất với NHNN và cũng có nhiều kiến nghị về bất cập của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP. Theo đó, Nhà nước phải tách bạch việc quản lý với kinh doanh. Kinh doanh phải thuộc về thị trường. Hơn nữa, việc chọn một thương hiệu độc quyền (SJC) sẽ hạn chế quyền lựa chọn của người tiêu dùng. Mục đích chính của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP là “chống vàng hóa” đã không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại.

Theo ông Hùng, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đã phát huy tác dụng khi thị trường vàng lộn xộn. Tuy nhiên, hiện nay, đồng tiền Việt Nam ổn định, vàng không còn được coi là phương tiện thanh toán như trước đây… Do đó, các cơ quan quản lý có thể yên tâm hơn để xem xét lại cách quản lý thị trường vàng.

“Hiện nay, người dân không còn sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán, cũng đã hạn chế tích trữ vàng trong giỏ tài sản của mình, không đầu tư vàng quá mức, bởi thị trường bây giờ có rất nhiều kênh đầu tư sinh lời khác như cổ phiếu, bất động sản…, nên câu chuyện “vàng hóa” không còn đáng ngại nữa”, ông Hùng chia sẻ.

Cần đa dạng hóa thị trường vàng

GS., TS. Hoàng Văn Cường - Đại biểu quốc hội TP. Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP là một giải pháp mang tính tình thế, giải quyết cấp bách tình trạng "vàng hóa" cách đây 12 năm, tức là dùng vàng để thanh toán, giao dịch.

Tuy nhiên, theo ông Cường, hiện nay, người dân không còn dùng vàng để thanh toán nữa, mà chỉ phục vụ nhu cầu tích trữ, là kênh trú ẩn tài sản. Do đó, Nhà nước không nhất thiết phải quản lý độc quyền, thay vào đó xây dựng một thị trường cạnh tranh để các doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng một cách bình đẳng, bình ổn giá các loại vàng miếng có thể chất lượng cùng 9999 như nhau, qua đó cũng hạn chế được tình trạng nhập lậu vàng.

Nghị định số 24/2012/NĐ-CP có nội dung vấn đề kinh doanh vàng trên tài khoản, nhưng toàn bộ nội dung không hề mở ra một chút nào về vấn đề kinh doanh tài khoản, vì vậy, trong nước chỉ mua bán vàng vật chất. Trong khi đó, bây giờ xu thế giao dịch của thế giới là mở ra phương thức kinh doanh trên sàn kinh doanh thông qua hợp đồng kinh doanh, thông qua các tín chỉ về vàng. Nếu mở thêm các hình thức kinh doanh vàng qua tài khoản, thị trường sẽ không bị lệ thuộc quá vào việc nhập khẩu vàng của NHNN. Thay vào đó, nhà đầu tư có thể sử dụng các công cụ như công cụ phái sinh sẽ cân đối được ngay cung cầu. Như vậy, cơ quan quản lý sẽ điều hành rất linh hoạt và đặc biệt khi đó không còn tình trạng người dân mua vàng về xong để trong nhà tích trữ, làm chết một khối lượng tiền ở đấy.

“Khi chúng ta giao dịch vàng trên tài khoản thì người ta không nhất thiết phải mang vàng về nhà, không phải mất công cất trữ, vàng đó được lưu thông ở trên thị trường, sẽ tạo ra sinh lợi, tạo nguồn vốn đưa vào lưu thông, mang lại nhiều tác động tốt cho nền kinh tế cũng như đảm bảo lợi ích của mỗi người dân”, ông Cường chia sẻ.

Đồng tình quan điểm trên, PGS., TS. Ngô Trí Long – Chuyên gia kinh tế cho rằng, chống vàng hóa không thể bằng giải pháp hành chính mà phải chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng (chứng chỉ vàng, công cụ phái sinh…) trên một trung tâm giao dịch tập trung. Cần đa dạng hóa thị trường vàng để liên thông thế giới và được phát triển một cách bình thường như các thị trường hàng hóa khác. 

Theo đó, cần sớm cho phép Sở Giao dịch hàng hóa giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua Hợp đồng kỳ hạn, Hợp đồng quyền chọn như các quốc gia tiên tiến trên thế giới; thành lập các quỹ tín thác bằng vàng (ETF)  như một công cụ tài chính quốc tế.

“Mục tiêu giữ ổn định thị trường vàng vẫn là hướng đi đúng nhưng việc quản lý chặt không có nghĩa là cấm đoán, mà phải đưa ra các tiêu chuẩn minh bạch, cần và đủ để thực hiện cũng như đạt được hiệu quả trong quá trình giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, ông Long nói.