Triển vọng ngành Bán lẻ 2024: Tre già, măng mọc

Minh Lâm

Dự báo bức tranh tổng thể của ngành Bán lẻ Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt hơn trong nửa cuối năm 2024 dựa trên sự phục hồi của nền kinh tế, với sự vươn lên của các phân ngành mới như Tạp hóa, Dược phẩm, Trang sức.

Phân ngành Bán lẻ Dược phẩm sẽ là lứa "măng" nhiều tiềm năng.
Phân ngành Bán lẻ Dược phẩm sẽ là lứa "măng" nhiều tiềm năng.

Nhiều gam màu sáng

Theo Báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), doanh thu ngành Bán lẻ trong 6 tháng đầu năm 2024 sẽ ghi nhận sự phục hồi, sau đó tăng trưởng tốt hơn trong nửa sau của năm.

Ngoài ra, hiệu ứng của cả chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng được triển khai trong suốt giai đoạn 2023-2024 sẽ hỗ trợ sức mua người tiêu dung mạnh mẽ hơn trong nửa sau của năm 2024. Từ đó, VDSC dự phóng tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng sẽ phân hóa giữa các phân ngành trong ngành Bán lẻ, tương quan với năng lực của từng phân ngành cũng như mức độ ưu tiên của người tiêu dùng.

Nhìn chung, toàn cảnh bức tranh ngành Bán lẻ có nhiều gam màu sáng, tích cực, nhưng tăng trưởng giữa các phân ngành có sự phân hóa khá lớn. Theo VDSC, doanh thu của ngành Bán lẻ năm 2024 sẽ ghi nhận sự tăng trưởng so với năm 2023, được hỗ trợ bởi sự phục hồi kinh tế và mức nền cơ sở năm 2023 thấp.

Thị giá của các cổ phiếu bán lẻ đang cải thiện kể từ tháng 11/2023 dựa trên kỳ vọng tăng trưởng doanh thu tích cực năm 2024. Bên cạnh đó, kỳ vọng tiêu cực về hiệu suất của các nhà bán lẻ đã được phản ánh vào diễn biến giá cổ phiếu trong 9 tháng năm 2023.

Bên cạnh đó, "chiến lược tối ưu hóa chi phí" được các nhà bán lẻ Việt Nam đề cập trong kế hoạch kinh doanh năm 2024 cũng sẽ là một điểm nổi bật của Ngành.

Bán lẻ dược phẩm và trang sức lên ngôi

VDSC xếp hạng 4 phân ngành theo thứ tự tăng trưởng doanh thu từ cao xuống thấp theo kỳ vọng. Đứng đầu là Bán lẻ tạp hóa với doanh thu dự kiến sẽ tăng trưởng dựa trên chiến lược mở rộng thận trọng và sự thay đổi thói quen mua sắm từ kênh truyền thống sang kênh hiện đại sẽ hỗ trợ tăng doanh thu trung bình tháng mỗi cửa hàng.

Tiếp theo là Bán lẻ hàng thiết bị công nghệ (ICT). Mặc dù trải qua đợt sụt giảm đột biến vào năm 2023, các nhà bán lẻ ICT sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng doanh số một chữ số vào năm 2024 do thị trường được kỳ vọng bão hòa trong trung hạn.

Thứ ba là phân ngành Dược phẩm, được kỳ vọng sẽ đạt được mức tăng trưởng vượt bậc khi chiếm thị phần lớn. Trong đó, hệ thống nhà thuốc Long Châu sẽ là ứng cử viên tiềm năng.

Cuối cùng là phân ngành Bán lẻ trang sức, khi nhu cầu trang sức được dự đoán sẽ tăng trở lại vào năm 2024 do nhu cầu của giới trẻ tăng lên, chi tiêu trang sức bình quân đầu người ngày càng tăng. Trên thực tế, tín hiệu phục hồi đã xuất hiện trong quý IV/2023 với mức tăng trưởng doanh số bán lẻ của PNJ đạt +38,8% so với quý trước và tăng 11,3% so với cùng kỳ.

Theo VDSC, các yếu tố chính thúc đẩy hiệu suất của các nhà bán lẻ Việt Nam từ năm 2024 trở đi sẽ là các mảng kinh doanh mới, được ví von như “Măng” (ví dụ: Tạp hóa, Dược phẩm, hoặc trang sức) trong khi mảng kinh doanh truyền thống, được ví von như “Tre” (chẳng hạn ICT) dự kiến sẽ phục hồi từng bước về mức bình thường.

Theo đó, cùng với kế hoạch kinh doanh của các nhà bán lẻ niêm yết tại Việt Nam, VDSC cho rằng MWG (sở hữu chuỗi Bách hóa xanh) và FRT (sở hữu chuỗi Long Châu) sẽ chứng kiến mức tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ nhất trong ngành.

Ngoài ra, VDSC cũng đưa ra danh mục cổ phiếu khuyến nghị gồm một số cổ phiếu ngành Bán lẻ tiềm năng khác như: PNJ, DGW, PET.