Dư địa tăng trưởng trái phiếu xanh Việt Nam còn rất lớn

Minh Lâm

Nhu cầu huy động vốn từ phát hành trái phiếu xanh phục vụ dự án bảo vệ môi trường là rất lớn, tuy nhiên mới chỉ có 19 trái phiếu xanh được phát hành giai đoạn 2018-2023.

Nhận thức về tăng trưởng xanh của doanh nghiệp còn thấp

Phát triển bền vững thị trường vốn tại Việt Nam là sự phát triển ba trụ cột chính, bao gồm phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Đây là một trong những mục tiêu mà hầu hết các quốc gia trên thế giới hướng đến, với cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Trong đó, phát triển thị trường tài chính xanh nói chung và thị trường vốn xanh nói riêng là một trong những mục tiêu đặt ra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhằm tạo kênh huy động vốn phục vụ cho việc triển khai các dự án hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững.   

Một nhà máy nhiệt điện ở Ninh Thuận. 
Một nhà máy nhiệt điện ở Ninh Thuận. 

Mặc dù nhu cầu huy động vốn từ phát hành trái phiếu xanh phục vụ cho các dự án bảo vệ môi trường là rất lớn, tuy nhiên việc phát hành trái phiếu xanh ở Việt Nam vẫn còn hạn chế, theo thống kê chỉ có 19 trái phiếu xanh được phát hành từ năm 2018 đến năm 2023.

Những đợt phát hành trái phiếu xanh gần đây cho thấy thị trường còn dư địa tăng trưởng rất lớn. Trong thời gian tới, một số quy định tại các văn bản pháp lý như Luật, Nghị định cần được cụ thể hóa để dễ dàng thực thi đối với các bên tham gia thị trường. 

Theo UBCKNN, một số khái niệm về tăng trưởng xanh, thị trường vốn xanh còn mới, sự nhận thức và sẵn sàng cho thị trường vốn xanh từ các định chế tài chính và các doanh nghiệp trên thị trường vốn còn ở mức thấp. Đây là một trong những thách thức cho sự phát triển của trái phiếu xanh.

Việc chuẩn hóa các khái niệm về xanh và các dự án xanh là cần thiết nhằm thúc đẩy việc phát hành và đầu tư vào trái phiếu xanh. Tương tự, khung phát hành trái phiếu xanh và vai trò của tổ chức đánh giá độc lập, những chính sách ưu đãi về thuế phí là những nội dung quan trọng cần được quy định cụ thể hơn nữa để thúc đẩy hoạt động phát hành trái phiếu xanh trên thị trường. 

Ngoài ra, Việt Nam chưa có danh mục phân loại xanh để làm căn cứ pháp lý đầy đủ trong việc xác định các tiêu chí môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật và giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí môi trường đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh (gọi tắt là Danh mục phân loại xanh).

Đại diện UBCKNN cho rằng, việc ban hành Danh mục phân loại xanh hay là Danh mục các dự án kèm theo tiêu chí về môi trường sẽ giúp các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân nhận diện và phân loại dự án xanh hay nâu. 

Về nguồn lực, nhiều doanh nghiệp nhận thức rõ về những lợi ích từ các dự án xanh nhưng lại thiếu vốn, công nghệ và nguồn lực. Các công cụ tài chính xanh còn chưa đa dạng chưa đủ sức thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào tăng trưởng xanh.

Giải pháp phát triển thị trường vốn xanh

Với mục tiêu nỗ lực thực hiện các giải pháp Chính phủ đã đề ra để thực hiện cam kết hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, UBCKNN cũng đã đề ra các nhóm giải pháp phát triển thị trường vốn xanh.

Một là, trong thời gian tới, UBCKNN sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và cơ cấu lại Chỉ số Phát triển bền vững (VNSI) đã được đưa vào vận hành năm 2017 để phù hợp hơn với nhu cầu phát triển bền vững trên thị trường chứng khoán hiện nay. Chỉ số này hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững của các doanh nghiệp niêm yết, thu hút nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đồng hành cùng doanh nghiệp hướng tới mục tiêu “xanh”. 

Hai là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cơ quan quản lý, tăng cường đào tạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức của thành viên thị trường nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thị trường vốn xanh.

Ba là, tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác xây dựng và phát triển thị trường vốn xanh, hướng tới thực hiện các thông lệ tốt trên thị trường chứng khoán gắn với tăng trưởng xanh.

Bốn là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách, sản phẩm bao gồm trái phiếu xanh và các sản phẩm tài chính xanh theo Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh Quốc gia: Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính hoàn thiện khung chính sách hỗ trợ cho thị trường vốn xanh như thuế, phí nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức phát hành, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương, thị trường trái phiếu xanh còn nhiều tiềm năng để phát triển và việc phát triển thị trường trái phiếu xanh trong thời gian tới cần có sự nỗ lực vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, công chúng đầu tư, truyền thông của các cơ quan báo chí.

“Tôi tin tưởng rằng với sự đồng lòng của cơ quan quản lý, doanh nghiệp, công chúng đầu tư và các cơ quan thông tấn báo chí, thị trường trái phiếu xanh sẽ ngày càng phát triển hơn nữa”, Chủ tịch UBCKNN cho biết.