Thị trường tài chính toàn cầu và những triển vọng mới

TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính

Thị trường tài chính toàn cầu trong năm 2023 trải qua nhiều biến động trong xu hướng điều chỉnh chính sách tiền tệ thắt chặt trên toàn cầu, áp lực lạm phát cao, tăng trưởng kinh tế trì trệ. Tuy nhiên, những kỳ vọng vào sự đảo chiều của chính sách tiền tệ vào cuối năm 2023 đã hỗ trợ sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán toàn cầu; các biện pháp can thiệp kịp thời từ cơ quan quản lý ngân hàng Mỹ, Thụy Sỹ đã ngăn ngừa cuộc khủng hoảng ngân hàng…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Diễn biến thị trường tài chính toàn cầu trong năm 2023

Thị trường tài chính toàn cầu năm 2023 biến động mạnh trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn và thương mại toàn cầu suy yếu. Chính sách tiền tệ thắt chặt được đa số các ngân hàng trung ương (NHTW) thực hiện để kiểm soát lạm phát trong nửa đầu năm, một số quốc gia đã nới lỏng hơn chính sách này vào cuối năm. Tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 ước đạt từ 2-3% GDP (theo Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Fitch Ratings), dự báo thấp hơn mức tăng 3,1% năm 2022. Thương mại toàn cầu giảm 8% so với năm 2022 (Theo Báo cáo của Hội nghị về Thương mại và phát triển Liên hiệp quốc (UNTAC) trong khi lạm phát đạt 6,8% năm 2023, thấp hơn so với mức 8,7% năm 2022 (IMF, tháng 10/2023).

Năm 2023 có khoảng 152 lượt NHTW điều chỉnh tăng lãi suất và 63 lượt điều chỉnh giảm lãi suất, tập trung chủ yếu vào nửa đầu năm 2023. Đáng chú ý, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 4 lần, đưa lãi suất tham chiếu lên 5,25-5,5% và là mức cao nhất kể từ năm 2021, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã tăng lãi suất 3 lần, nâng lãi suất cơ bản lên 3%. Bên cạnh đó, xung đột giữa Nga – Ukraine, Israel-Hamas và cú sốc do biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh cũng tác động đến kinh tế, thị trường toàn cầu năm 2023.

Thị trường chứng khoán toàn cầu

Sau giai đoạn giảm điểm mạnh trong nửa đầu năm 2023, Thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới đã có sự phục hồi đáng kể trong nửa cuối năm và đã khép lại tháng cuối năm với mức tăng điểm mạnh nhất trong 3 năm gần đây. Chỉ số MSCI All Country World Index của chứng khoán thế giới tăng khoảng 19,15% trong năm 2023.

TTCK Mỹ hồi phục và tăng trưởng ấn tượng trong năm 2023. Chỉ số Dow Jones và S&P 500 kết thúc năm 2023 với mức tăng lần lượt là 14% và 24%. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 43%, trong bối cảnh các công ty công nghệ vốn hóa lớn phục hồi và cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI). TTCK Mỹ tăng điểm mạnh khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm, kỳ vọng tích cực của thị trường đối với việc Fed đã hoàn tất quá trình nâng lãi suất và sẽ bắt đầu hạ lãi suất từ giữa năm 2024. Tại TTCK châu Âu, chỉ số STOXX 600 tăng 12,6%, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 3,8%, chỉ số của DAX Đức đã tăng gần 20,31% trong năm 2023. Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 28%, KOSPI tăng 18,73% trong khi CSI 300 của Trung Quốc giảm 11% tính đến ngày 19/12.

Trái ngược với diễn biến chỉ số trên TTCK, phát hành chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO) trên toàn cầu năm 2023 giảm nhẹ so với năm trước, với 1.298 đợt và ước tính khoảng 123,2 tỷ USD (theo Báo cáo Xu hướng IPO toàn cầu năm 2023 của EY) , giảm 8,3% đợt và 33,15% giá trị so với năm 2022. Các đợt IPO nổi bật diễn ra tại Mỹ, các thị trường mới nổi cũng tăng trưởng mạnh mẽ (Ấn Độ tăng khoảng 45% lên 209 vụ) trong khi số lượng đợt IPO Trung Quốc giảm mạnh, khoảng 52,33%, Hồng Kông giảm 19%. Số lượng đợt IPO tại Trung Quốc giảm do cơ quan quản lý ngành chứng khoán áp dụng biện pháp hạn chế cổ phiếu mới chào sàn. Số lượng đợt IPO Hồng Kông chịu ảnh hưởng bởi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, nỗi lo về kinh tế Trung Quốc đại lục cũng như việc Trung Quốc hạn chế đầu tư ra nước ngoài. Chiều ngược lại, TTCK Ấn Độ có nhiều thuận lợi, Chính phủ Ấn Độ phát triển hạ tầng mới, nhu cầu của nhà đầu tư với cổ phiếu tăng cao. Ấn Độ cũng đã vượt qua Hồng Kông để trở thành TTCK có giá trị vốn hoá lớn thứ 7 trên thế giới...

Thị trường trái phiếu

Lợi suất trái phiếu toàn cầu thiết lập đỉnh mới vào tháng 10/2023. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm, dao động trong một biên độ rộng, từ mức thấp nhất là 3,25% trong tháng 4/2023 lên mức cao 5,02% trong tháng 10/2023. Tại châu Âu, lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm cũng có lúc vượt ngưỡng 3%, mức cao nhất kể từ năm 2011. Diễn biến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và trái phiếu Chính phủ của khu vực châu Âu đã khiến NHTW Nhật Bản (BoJ) quyết định bỏ giới hạn trần lợi suất trái phiếu chính phủ, nhằm mục đích thúc đẩy nhà đầu tư Nhật Bản tăng đầu tư vào thị trường trái phiếu chính phủ trong nước và bán bớt trái phiếu kho bạc Mỹ từ tháng 11/2023. Vào quý IV/2023, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã biến động ngược chiều, do nhu cầu tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn tăng, lo ngại căng thẳng địa chính trị gia tăng và quyết định giữ nguyên lãi suất tháng thứ ba liên tiếp của Fed sau cuộc họp ngày 13/12/2023.

Thị trường ngoại hối

Đồng USD tăng giá mạnh vào những tháng đầu năm 2023. Sự tăng giá của USD được hỗ trợ bởi một loạt yếu tố, trong đó, quan trọng nhất là chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed và sự ổn định của nền kinh tế Mỹ so với các khu vực khác trên thế giới. Tuy nhiên, từ tháng 10/2023, chỉ số USD Index giảm mạnh do Fed dừng tăng lãi suất, và đến cuối năm 2023 đã giảm 2,02% so với cuối năm 2022. Đồng USD thể hiện xu hướng giảm giá so với nhiều đồng tiền như GBP, AUD, SGD và KRW (lần lượt là -3,72%, -0,26%, -2,44%, -0,75%), tăng so với EUR, JPY và CNY (lần lượt là 1,6%, 3,26% và 2,2%).

Mặc dù đồng Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc đã vươn lên để trở thành đồng tiền mạnh thứ tư trong thanh toán toàn cầu tính theo giá trị vào tháng 11/2023 tuy nhiên, CNY đã mất hơn 2,2% giá trị so với đồng USD trong năm 2023 và đã có thời điểm đồng tiền này giao dịch quanh mức thấp nhất trong 16 năm so với đồng USD (tháng 9/2023), ở mức 7,3510 CNY đổi 1 USD.

Hệ thống ngân hàng của các nước lớn đối mặt với nhiều rủi ro

Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và lan truyền sang một số ngân hàng khác tại Mỹ như First Republic Bank, Signature… và châu Âu như Credit Suisse (Thụy Sĩ) vào tháng 3/2023 đã làm tăng lo ngại về tính ổn định của hệ thống ngân hàng và khu vực tài chính. Sự sụp đổ của các ngân hàng tại Mỹ là do sai lầm trong phương thức quản trị rủi ro, cơ cấu đầu tư, giám sát ngân hàng và các chính sách thắt chặt tiền tệ liên tục của Fed sau hai năm duy trì lãi suất thấp. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ tài chính kịp thời của Chính phủ, NHTW các nước đã ngăn chặn một cuộc khủng hoảng ngân hàng lan rộng. Khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ và châu Âu hầu như không gây tác động lan truyền đến những khu vực tài chính khác trên thế giới.

Thị trường vàng và thị trường tiền mã hóa trải qua biến động mạnh

Năm 2023, thị trường vàng toàn cầu liên tiếp chứng kiến sự tăng giá mạnh mẽ, đặc biệt trong những tháng cuối năm do căng thẳng địa chính trị bùng phát tại nhiều nơi trên thế giới, lạm phát tại Mỹ giảm và kỳ vọng việc Fed giảm lãi suất trong năm 2024. Nhu cầu đầu tư vàng tăng lên, dòng tiền ròng khoảng 1,5 tỷ USD đổ vào quỹ giao dịch trao đổi vàng (ETF) lớn nhất thế giới trong tháng 11/2023. Thị trường vàng thế giới kết thúc năm ở mức trên 2.060 USD/ounce, tương ứng mức tăng trên 13% trong năm.

Trên thị trường tiền mã hóa, Bitcoin tăng giá 160% trong năm 2023. Mặc dù, thị trường tiền mã hóa nhận được những hỗ trợ đáng kể từ khu vực pháp lý, như việc Bộ Tư pháp Mỹ đã linh hoạt cơ chế thực thi đối với tiền mã hóa, nhưng thị trường cũng trải qua những khủng hoảng do các thương vụ lừa đảo trị giá hàng tỷ USD của sàn giao dịch FTX, vụ cáo buộc rửa tiền của Binance.

Sự phát triển mạnh mẽ của công cụ tài chính xanh và dịch vụ tài chính số

Tài chính khí hậu đang được thúc đẩy phát triển bởi cả các nhóm nước phát triển, đang phát triển và các tổ chức tài chính quốc tế. Theo Climate Bonds Initiative (CBI), đến năm 2023, khoảng 2.334 tỷ USD trái phiếu xanh đã được phát hành, bằng 5% giá trị thị trường nợ toàn cầu và dự kiến tới năm 2025 là 5.000 tỷ USD. Quy mô giao dịch của công nghệ tài chính (fintech) toàn cầu đạt giá trị gần 15 triệu tỷ USD, với tỷ trọng chủ yếu là giao dịch thanh toán kỹ thuật số, khoảng 65%.

Triển vọng của thị trường tài chính toàn cầu năm 2024

Bối cảnh kinh tế thế giới được dự đoán thuận lợi hơn cho thị trường tài chính năm 2024. Áp lực lạm phát đã giảm tại một số nền kinh tế lớn (như khu vực đồng tiền chung châu Âu, Mỹ và Anh), là cơ sở để các NHTW xem xét việc dừng chính sách thắt chặt tiền tệ và chuyển sang giảm lãi suất. Fed cho biết sẽ có 3 lần cắt giảm vào năm 2024 với kỳ vọng đưa lãi suất xuống 2% - 2,25% vào năm 2026. Theo đó, nhiều tổ chức tài chính thế giới dự báo tích cực về việc chỉ số S&P 500 sẽ lập kỷ lục mới trong năm 2024. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống ngưỡng 3,8% từ mức cao 5% của năm. Diễn biến tích cực của TTCK Mỹ sẽ tạo hiệu ứng lan truyền tới TTCK toàn cầu. Đồng USD được hỗ trợ bởi triển vọng tăng trưởng tích cực của nền kinh tế Mỹ, tuy nhiên chính sách xoay trục giảm lãi suất của Fed thúc đẩy khả năng USD sẽ tiếp tục giảm đến hết năm 2024.

Thị trường tài chính toàn cầu vẫn đối mặt với một số thách thức. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 được dự báo ở mức thấp, khoảng 2,1% (Fitch Ratings, tháng 12/2023), 2,3% (S&P, tháng 11/2023), 2,4% (WB, tháng 10/2023) và 2,7% (OECD, tháng 11/2023), thậm chí thấp hơn mức ước tính của năm 2023. Lạm phát toàn cầu được dự báo sẽ ở mức cao, IMF (tháng 10/2023) dự báo đạt khoảng 5,8% trong năm 2024, chủ yếu do giá cả hàng hóa giảm và tác động từ chính sách thắt chặt tiền tệ.

Việc duy trì lãi suất cao hơn ở các nền kinh tế phát triển như châu Âu có thể kéo dài hơn so với dự kiến. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu, vẫn đối mặt với nhiều thách thức từ cuộc khủng hoảng bất động sản, cầu tiêu dùng yếu. Căng thẳng địa chính trị không có dấu hiệu hạ nhiệt, nợ công cao, và tình trạng kinh tế bấp bênh trên diện rộng được dự báo sẽ tiếp tục gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng thị trường tài chính năm 2024.

Ngoài ra, các vấn đề như biến đổi khí hậu và sự bất ổn trong thị trường toàn cầu cũng đặt ra những thách thức đối với chuyển dịch đầu tư và phát triển các sảng kiến tài chính khí hậu, tài chính xanh. Hệ thống ngân hàng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và đối mặt với các thách thức như tình trạng báo động của ngân hàng ngầm, sự phát triển của các công nghệ tài chính thay thế, rủi ro bảo mật thông tin và an ninh mạng...

Cả Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đều khuyến nghị các quốc gia cần tiếp tục thực thi các chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, đồng thời thúc đẩy thương mại toàn cầu và điều chỉnh chính sách tài khóa để sẵn sàng đáp ứng những thách thức hoặc cú sốc trong tương lai. 

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 1/2024