Khơi dậy tiềm năng kinh tế sáng tạo ở Đông Nam Á


Ngành công nghiệp giải trí đang trở thành "miếng bánh" hấp dẫn đối với các quốc gia Đông Nam Á như một động lực phát triển kinh tế sáng tạo.

Đông Nam Á đang thúc đẩy phát triển kinh tế sáng tạo trong những năm gần đây
Đông Nam Á đang thúc đẩy phát triển kinh tế sáng tạo trong những năm gần đây

Indonesia mong muốn tái tạo thành công của “Swiftonomics” (nền kinh tế Taylor Swift) ở nước láng giềng Singapore bằng các khoản đầu tư lớn để thúc đẩy du lịch, nhưng các chuyên gia trong ngành vẫn còn bày tỏ lo ngại về việc liệu đây có phải là chiến lược đúng đắn cho quốc gia này hay không.

Ngôi sao nhạc pop Hoa Kỳ Taylor Swift sẽ biểu diễn tại Sân vận động Quốc gia Singapore từ ngày 2 đến ngày 9 tháng 3 với  sáu buổi diễn. Điều này dự kiến có thể tạo ra hàng trăm triệu doanh thu cho đất nước khi dự kiến có hơn 300.000 người hâm mộ đến tham dự, đồng thời xác lập Singapore trở thành trung tâm giải trí ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Channel News Asia dẫn thông tin từ các khách sạn và hãng hàng không cho biết nhu cầu vé máy bay và lưu trú quanh thời điểm tour diễn của Taylor Swift ở Singapore đã tăng tới 30%. Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên Singapore (MCCY) và Tổng cục Du lịch Singapore (STB) ước tính nước này sẽ đón "lượng lớn" người hâm mộ Taylor Swift đến từ các quốc gia khác.

Các chuyên gia ước tính giá trị kinh tế mà tour diễn của Taylor Swift mang lại cho Singapore có thể vượt con số ước tính 1,2 tỷ AUD (787 triệu USD) khi cô trình diễn ở Melbourne, Australia từ ngày 16-18/2/2024. Với 4 ngày diễn ở Tokyo, Nhật Bản, nữ ca sĩ Mỹ ước tính tạo ra nguồn thu lên tới 34,1 tỷ yen (hơn 226 triệu USD) cho nước này.

Teguh Wicaksono, một doanh nhân âm nhạc và đồng sáng lập dự án lưu trữ âm nhạc đương đại kỹ thuật số Sounds From The Corner của Indonesia, cho rằng: “Việc tổ chức sự kiện cho những ngôi sao lớn như Taylor Swift nghe có vẻ ấn tượng và uy tín, nhưng cuối cùng, đó không phải là điều duy trì ngành công nghiệp này, vốn cần một chuỗi sự kiện văn hóa giải trí ổn định hơn, đặc biệt là đối với một quốc gia có quy mô trong khu vực như Indonesia”.

Trước đó, các nhà chức trách Singapore được cho là đã đồng ý trả cho Taylor Swift từ 2 triệu đến 3 triệu USD cho mỗi buổi biểu diễn với điều kiện Singapore phải là điểm dừng chân duy nhất tại Đông Nam Á.

Ông Gancar Premananto, chuyên gia kinh tế tại Đại học Airlangga của Surabaya, cho biết: “Việc đồng độc quyền đã gây ra hiệu ứng khan hiếm buộc người hâm mộ trên khắp Đông Nam Á phải đến Singapore để xem thần tượng của họ biểu diễn trực tiếp, mang lại lợi ích kinh tế tối đa cho Singapore trong quá trình này.”

Trên thực tế, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore và gần đây là Việt Nam đang nổi lên trong nền giải trí toàn cầu khi ngày càng nhiều những nghệ sĩ biểu diễn đẳng cấp thế giới lựa chọn các quốc gia này làm điểm dừng chân trong chuỗi lưu diễn vòng quanh thế giới.

Ông Premananto nhận định, với những lợi thế về các điểm du lịch, vẻ đẹp tự nhiên và nhiều lựa chọn đa dạng, các quốc gia Đông Nam Á có thể đẩy mạnh tiếp thị và quảng bá quốc gia của họ để tổ chức các sự kiện văn hóa hoặc âm nhạc quốc tế với mục tiêu tối đa hóa tác động kinh tế do các hoạt động này mang lại, cũng như phát triển nền kinh tế sáng tạo trong khu vực.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng chỉ ra, mặc dù một số quốc gia Đông Nam Á có tiềm năng và cơ sở hạ tầng để phát triển nền kinh tế sáng tạo, nhưng vẫn còn phải làm nhiều hơn nữa, đặc biệt là trong việc đảm bảo khâu tổ chức và hậu cần suôn sẻ.

Nhà tổ chức sự kiện có trụ sở tại Surabaya, Gary Lee, cho biết thị trường tại Đông Nam Á đang ngày một trở nên tiềm năng hơn với các doanh nghiệp trong ngành giải trí, tuy nhiên các quốc gia vẫn thiếu những chính sách phù hợp, thiếu nguồn tài chính và tính bền vững về tài chính cũng như việc thiếu định giá tiêu chuẩn cho công việc sáng tạo.

Cụ thể, chuyên gia này chỉ ra, Thái Lan phải đối mặt với thách thức do thiếu hiểu biết chung về ý nghĩa của các ngành công nghiệp sáng tạo và những thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh bùng nổ kỹ thuật số, trong khi Philippines cần một cơ quan chính phủ tập trung để xây dựng lộ trình chính sách để phát triển ngành công nghiệp sáng tạo.

Các ngành công nghiệp sáng tạo ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để phát triển bền vững. Để hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động kinh tế trong các ngành này, các nước Đông Nam Á sẽ cần phát triển và thiết kế các khung chính sách toàn diện, có tính đến sự đa dạng văn hóa và tiến bộ kỹ thuật số.

Bên cạnh đó, ông Lee cho rằng, thông qua lợi nhuận thu được từ các buổi biểu diễn quốc tế, các nước Đông Nam Á có thể hỗ trợ cho các tài năng trong nước phát triển lớn mạnh hơn để mang lại lợi ích kinh tế bền vững, từ đó xây dựng nền kinh tế sáng tạo phát triển mạnh.

Theo Cẩm Anh/Diendandoanhnghiep.vn