Còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công

Trần Huyền

Các vướng mắc liên quan đến công tác phân bổ vốn, các dự án trọng điểm quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia cũng như những vướng mắc khác tồn tại trong thời gian dài... đã gây khó khăn cho công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Ước thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 30/4/2024 là 115.906,9 tỷ đồng. Ảnh: internet
Ước thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 30/4/2024 là 115.906,9 tỷ đồng. Ảnh: internet

Còn nhiều khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân

Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn đầu tư công năm 2024 từ đầu năm đến ngày 30/4/2024 là 115.906,9 tỷ đồng, đạt 16,41% tổng kế hoạch vốn. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 17,46%, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (14,66% tổng kế hoạch và 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Có 7/44 bộ, cơ quan trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt gồm: Đài Truyền hình Việt Nam (73,48%), Bộ Xây dựng (41,44%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (28,28%), Bộ Giao thông vận tải (25,64%), Long An (38,25%), Phú Thọ (32,25%), Tiền Giang (31,2%), Lào Cai (30,56%). Ngược lại, có 7 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân là 0%, có 25 địa phương tỷ lệ giải ngân dưới 15%.

Tổng hợp từ các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay có nhiều khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các dự án. Trong đó, có các vướng mắc liên quan đến công tác phân bổ vốn. Việc chưa phân bổ một lượng vốn tương đối lớn đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024, trong đó có 2.437 tỷ đồng mới được giao theo Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 30/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, còn có tình trạng một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã phân bổ chi tiết cho các dự án nhưng không đủ điều kiện hoặc không đảm bảo thời gian theo quy định. Những trường hợp này, Bộ Tài chính đã có văn bản kiểm tra phân bổ, nhận xét chi tiết đến từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương để điều chỉnh, hoàn thiện.

Bên cạnh vướng mắc trong phân bổ, còn có các vướng mắc liên quan đến các dự án trọng điểm quốc gia như: Chưa giao chi tiết kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2024 từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 2.437 tỷ đồng; vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, khan hiếm vật liệu xây dựng cho thi công.

Liên quan đến các chương trình mục tiêu quốc gia, công tác hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện còn chậm, chưa đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các khâu từ phân bổ, giao kế hoạch thực hiện và giải ngân vốn thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Đến nay, một số cơ chế trung ương chưa ban hành dẫn đến các địa phương còn vướng mắc trong thực hiện như: Định mức kinh tế - kỹ thuật dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý; Quy định về hỗ trợ đào tạo nghề tại chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; Sửa đổi, bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ và nội dung thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng dân tộc thiểu số miền núi; Sửa đổi, bổ sung nội dung thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững...

Ngoài các khó khăn nêu trên vẫn có các vướng mắc đã tồn tại trong thời gian dài được Bộ Tài chính và các bộ chuyên ngành báo cáo. Điển hình như vướng mắc trong một số cơ chế chính sách về giao một địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư công các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương; quy định về trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công hằng năm, thẩm quyền quyết định thời gian bố trí vốn; trình tự, thủ tục điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách nhà nước...

Một vướng mắc khác tồn tại đã lâu là công tác giải phóng mặt bằng, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư; liên quan đến biến động giá nguyên vật liệu, nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng... Trên thực tế, những tháng đầu năm chủ đầu tư các dự án khởi công mới đang tập trung triển khai hoàn thiện thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu, thiết kế chi tiết... vì vậy các dự án hầu hết chưa có nhiều khối lượng công việc hoàn thành để nghiệm thu, thanh toán giải ngân.

Xử lý dứt điểm về giải phóng mặt bằng, nguồn cung vật liệu thi công

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính thường xuyên kiến nghị các giải pháp cụ thể hàng tháng. Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các nghị quyết của Chính phủ, Công điện số 24/CĐ-TTg ngày 22/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Liên quan đến phân bổ vốn năm 2024 và kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công sang năm 2024, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến của Bộ Tài chính, khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ, làm căn cứ để giải ngân số vốn được phép kéo dài. Để tránh vướng mắc khi thực hiện phân bổ 100% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 và thống nhất hướng xử lý đối với số vốn triển khai phân bổ kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương năm 2024 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong thời điểm từ 31/12/2023 đến hết tháng 5/2024 và sau tháng 5/2024 (nếu có), Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cụ thể theo thẩm quyền hoặc tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền hướng dẫn về nội dung trên.

Liên quan đến các dự án quan trọng quốc gia, Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh: An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu khẩn trương phân bổ kế hoạch vốn năm 2024 từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2021 và tập trung chỉ đạo thực hiện giải ngân theo đúng kế hoạch được giao. Bộ Giao thông vận tải và địa phương cần nắm bắt tình hình giải ngân vốn của từng dự án làm cơ sở để triển khai các giải pháp chỉ đạo, đôn đốc.

Cùng với đó, các địa phương cần giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng theo tiến độ yêu cầu, trong đó tập trung vào việc xây dựng các khu tái định cư, ổn định cuộc sống người dân. Đồng thời, khẩn trương xác định đủ nguồn cung vật liệu, phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thành các thủ tục về mỏ vật liệu xây dựng thông thường theo cơ chế đặc thù của Quốc hội, Chính phủ, đáp ứng đủ trữ lượng, công suất theo tiến độ thi công.

Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Tài chính đề nghị các chủ Chương trình/dự án/tiểu dự án thành phần (Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội...), cơ quan chủ trì hướng dẫn quản lý vốn đầu tư công (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và UBND các tỉnh ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ cơ chế chính sách và kịp thời hướng dẫn tổ chức triển khai, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Trong phạm vi quyền hạn, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân thực hiện các chương trình và có các văn bản kịp thời trả lời, hướng dẫn các vướng mắc của các địa phương theo thẩm quyền. Đồng thời, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan trung ương hoàn thiện hồ sơ dự thảo Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội về cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.