Nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình Nông thôn mới thông qua kiểm toán

Thùy Linh

Những năm gần đây, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) ngày càng chú trọng kiểm toán việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (Chương trình NTM). Thông qua đó phát hiện những vướng mắc, bất cập để kịp thời kiến nghị chấn chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình đang được triển khai.

Chương trình NTM  là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng. Ảnh: Internet.
Chương trình NTM  là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng. Ảnh: Internet.

Đánh giá kỹ lưỡng Chương trình NTM

2015 - năm đầu tiên KTNN thực hiện kiểm toán Chương trình NTM giai đoạn 2010-2014 theo một chuyên đề riêng nhằm đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực đối với việc thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới và phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.

KTNN đã tập trung đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành, việc phối hợp của các cơ quan trung ương, địa phương trong tổ chức thực hiện Chương trình, đánh giá tính hợp lý của việc phân bổ nguồn lực của Chương trình NTM cho các nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên, tính tuân thủ pháp luật, tính đúng đắn, trung thực, hợp lý của số liệu tổng hợp quyết toán nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương bố trí trực tiếp cho Chương trình giai đoạn 2010-2014.

Đến năm 2023, KTNN kiểm toán Chương trình NTM giai đoạn 2021-2025 tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương: Phú Thọ, TP. Hà Nội, Hải Dương, TP. Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Vĩnh Long, TP. Cần Thơ từ ngày 1/3/2023 đến ngày 29/4/2023.

Qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị chính sách; đồng thời yêu cầu các địa phương được kiểm toán, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan phải chấn chỉnh nhiều bất cập, thiếu sót nhằm nâng cao hiệu quản quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình.

Theo KTNN, để thực hiện được mục tiêu đặt ra, công tác kiểm toán đã tập trung vào các nội dung chủ yếu như: sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan trong xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện; việc xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm về mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp và nhu cầu kinh phí thực hiện Chương trình và việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chương trình NTM.

Qua kết quả kiểm toán, các đoàn kiểm toán đã đề xuất các giải pháp chủ yếu khắc phục hạn chế trong quá trình quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện Chương trình NTM, kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý tài chính -kế toán như: sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách liên quan đến Chương trình NTM nhằm sử dụng nguồn vốn tiết kiệm, hiệu quả.

Đồng thời, một trong những mục tiêu quan trọng của kiểm toán là nhằm phát hiện kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí và sai phạm trong quản lý, sử dụng kinh phí Chương trình NTM, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các sai phạm, kiến nghị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Nghiêm túc tiếp thu kiến nghị kiểm toán

KTNN cho biết, những kết quả được KTNN liên quan đến Chương trình NTM luôn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các địa phương đánh giá cao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phản ánh rằng, còn tình trạng một số địa phương còn lúng túng, chậm ban hành các văn bản cụ thể hóa Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021 - 2025 theo phân cấp và triển khai các Chương trình chuyên đề.

Mô hình tổ chức và cơ chế làm việc của Văn phòng Điều phối NTM cấp tỉnh ở các địa phương có sự khác nhau, chưa có sự thống nhất. Cán bộ làm công tác xây dựng NTM cấp xã chủ yếu là kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi nên ảnh hưởng đến việc tham mưu triển khai, theo dõi, tổng hợp thực hiện Chương trình ở cơ sở. Kết quả đạt chuẩn xã NTM của một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn; đặc biệt đến nay còn 16 huyện nghèo thuộc 12 tỉnh còn “trắng xã NTM”; chưa có huyện thuộc danh sách các huyện nghèo được công nhận đạt chuẩn NTM.

Cùng với đó, công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp ở một số địa phương còn chậm; việc xây dựng thương hiệu sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức. Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn còn hạn chế…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với vai trò là cơ quan chủ trì, Bộ sẽ nghiêm túc xem xét các vấn đề được KTNN chỉ ra, cũng như kiến nghị, đề xuất của địa phương. Để đạt mục tiêu Chương trình đến năm 2025 cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM; ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có khoảng từ 17 - 19 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và 60% số thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn NTM; việc triển khai thực hiện Chương trình NTM giai đoạn 2023 - 2025 sẽ tập trung thực hiện 07 giải pháp trọng tâm.

Trong đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện xây dựng NTM gắn với xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng NTM nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; sửa đổi, bổ sung Bộ tiêu chí NTM các cấp phù hợp hơn với tình hình thực tế tại địa phương và đặc thù vùng, miền.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp. Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, trung ương và địa phương trong thực hiện Chương trình. Đồng thời, triển khai hiệu quả 11 nội dung của Chương trình; 6 chương trình chuyên đề trọng tâm; Huy động tối đa các nguồn lực thực hiện Chương trình và quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được giao đảm bảo hiệu quả, phù hợp với quy định…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thay đổi tư duy, nhận thức cho người dân về xây dựng NTM, đặc biệt phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị.  

 

Chương trình NTM  là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng. Với mục tiêu toàn diện xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn từng bước hiện đại; gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; tăng cường hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước… Việc thực hiện tốt Chương trình NTM sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực nông thôn và nâng cao đời sống của người dân vùng nông thôn nói riêng, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của Đất nước.