Đẩy mạnh hợp tác tài chính trong bối cảnh mới

ThS. Hà Duy Tùng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính)

2023 là năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Tuy nhiên, đây cũng là năm tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ, tác động đến quan hệ hợp tác, cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh đó, ngành Tài chính đã tăng cường quan hệ hợp tác sâu sắc và toàn diện, thể hiện tính chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài chính. Những kết quả này là cơ sở, động lực để ngành Tài chính tiếp tục nâng cao hiệu quả thực chất hợp tác tài chính và hoạt động đối ngoại trong lĩnh vực tài chính trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Dấu ấn trong hợp tác tài chính năm 2023

Trong năm 2023, ngành Tài chính đã tăng cường quan hệ hợp tác sâu sắc và toàn diện trong lĩnh vực tài chính, đảm bảo các mục tiêu: (i) Kịp thời nắm bắt tình hình diễn biến kinh tế - tài chính khu vực và thế giới phục vụ công tác điều hành chính sách tài khóa của Bộ Tài chính; (ii) Tăng cường hợp tác tài chính song phương, khu vực và đa phương để đối phó với tác động bất lợi đối với kinh tế vĩ mô khu vực, thế giới và trong nước; (iii) Duy trì quan hệ đối tác chiến lược, đối tác truyền thống đảm bảo quan hệ đối tác được liên tục, không bị ngưng trệ, tiếp tục thúc đẩy ký kết và thực thi các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế theo kế hoạch; (iv) Nâng cao hiệu quả hợp tác tài chính quốc tế góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030.

Nhìn lại năm 2023, hợp tác tài chính đạt được một số kết quả sau:

Một là, ngành Tài chính đã cụ thể hóa nhiệm vụ tại các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ về công tác hội nhập trong bối cảnh giai đoạn mới thành chương trình hành động và nhiệm vụ kế hoạch công tác trong lĩnh vực tài chính.

Trong đó, Bộ Tài chính đã ban hành một số văn bản nổi bật như: Quyết định số 1934/QĐ-BTC ngày 11/9/2023 về Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 20/02/2023 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022-2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030; Quyết định số 2727/QĐ-BTC ngày 11/12/2023 về Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030...

Bên cạnh đó, ngành Tài chính đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tài chính, làm rõ hơn nội hàm của hội nhập và hợp tác tài chính trong giai đoạn mới. Trong đó, tại các kế hoạch hành động này, ngành Tài chính tiếp tục lồng ghép các hoạt động tăng cường hợp tác tài chính với các đối tác; Chủ động tham gia, nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác tài chính trong các tiến trình hợp tác tài chính khu vực và đa phương như ASEAN, ASEAN+3, APEC, V20, ASEM, hợp tác tiểu vùng, triển khai các hoạt động hợp tác tài chính song phương với các đối tác quan trọng, truyền thống, các đối tác chiến lược toàn diện, tham mưu, đề xuất chủ trương tham gia, phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế/sáng kiến hợp tác tài chính mới, phù hợp với lợi ích của Việt Nam.

Hai là, Bộ Tài chính Việt Nam tiếp tục là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong các diễn đàn hợp tác tài chính khu vực và đa phương, đồng thời góp phần chuyển hóa vào chính sách trong nước phù hợp với những xu hướng mới trên thế giới như chuyển đổi số, phát triển xanh, phát triển bền vững.

Trong kênh hợp tác ASEAN, năm 2023, tập trung vào các mục tiêu ưu tiên như hợp tác tài chính và y tế, an ninh lương thực, giao dịch bằng đồng nội tệ, kết nối thanh toán khu vực. Bên cạnh việc thực hiện vai trò chủ trì triển khai các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ tiến trình hợp tác tài chính ASEAN, ngành Tài chính tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác thường kỳ như phát triển thị trường vốn, bảo hiểm, kế toán, kiểm toán, tài trợ cơ sở hạ tầng, hợp tác hải quan, thuế, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, nổi bật là các nước ASEAN thống nhất thành lập Diễn đàn Kho bạc ASEAN với mục tiêu thúc đẩy các bước đi chung nhằm hiện đại hóa cả thông lệ và chính sách nhằm hướng tới một môi trường minh bạch và có trách nhiệm hơn trong quản lý tài chính công, đặc biệt là quản lý ngân sách.

Trong kênh hợp tác tài chính ASEAN+3, các nước ASEAN và các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục tập trung vào các sáng kiến chính, bao gồm Thỏa thuận Đa phương hoá sáng kiến Chiềng Mai (CMIM), Sáng kiến Phát triển thị trường trái phiếu ASEAN+3 (ABMI) và các định hướng hợp tác mới trong ASEAN+3 nằm trong tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3. Trong kênh hợp tác tài chính APEC, các nước tập trung vào giải quyết các khó khăn và thách thức cũng như tìm động lực mới cho kinh tế thế giới và khu vực châu Á – Thái Bình Dương bằng việc ưu tiên hợp tác về tài chính bền vững, tài sản số và mô hình kinh tế trọng cung hiện đại. Hợp tác tài chính APEC đã hoàn thành chương trình nghị sự trong năm thông qua tiến trình các hội nghị gồm Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC tháng 2/2023, Hội nghị quan chức tài chính APEC tháng 7/2023 và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC tháng 11/2023. Các nền kinh tế APEC đã định hướng triển khai hợp tác và thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về: i) Thúc đẩy kinh tế bền vững thông qua củng cố các nhân tố cung ứng cho nền kinh tế như đầu tư vào con người đào tạo kiến thức và kỹ năng chuyên môn; ii) Tài chính chống biến đổi khí hậu, tài chính cho chuyển đổi năng lượng công bằng và thị trường các bon tự nguyện; iii) Xây dựng chính sách và quản lý giao dịch tiền số do Ngân hàng Trung ương phát hành. Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính đã đánh giá và ghi nhận kết quả hợp tác trong năm 2023 của Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC về các nội dung nêu trên đồng thời cũng đề ra định hướng hợp tác trong các năm tới đối với các nhóm công tác, các sáng kiến đang triển khai và kết quả đầu ra đã đạt được trong năm 2023. Các kênh hợp tác tài chính đa phương khác như V20, OECD, Diễn đàn quản lý chi tiêu công tại châu Á – PEMNA, WEF Davos cũng được quan tâm.

Ba là, đánh dấu nhiều sự kiện quốc tế lớn do Bộ Tài chính tham gia và chủ trì tổ chức.

Trong năm 2023, Bộ Tài chính đã chủ động, tích cực tham gia và chủ trì tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế lớn. Có thể kể đến một hoạt động đối ngoại nổi bật như: Chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại Đại Công quốc Luxembourg và Vương quốc Bỉ tháng 7/2023 để thúc đẩy hợp tác tài chính xanh và chủ trì Hội nghị bàn tròn xúc tiến đầu tư tại Luxembourg, các hoạt động tại Hoa Kỳ trong khuôn khổ chuyến công tác của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu tham gia Tuần lễ Cấp cao khóa 78 Đại hội đồng Liên Hợp quốc, trong đó Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s Global Ratings và Moody’s. Tháng 11/2023, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2023 tại San Francisco do Hoa Kỳ chủ trì; chủ trì Hội nghị Xác tiến đầu tư tài chính do Bộ Tài chính Việt Nam tổ chức tại Los Angesles thu hút đông đảo các nhà đầu tư gồm các quỹ đầu tư lớn, các tập đoàn và doanh nghiệp Hoa Kỳ tham dự.

Ngoài ra, lần đầu tiên, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đăng cai tổ chức thành công Hội nghị và Triển lãm công nghệ năm 2023 của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) với chủ đề “Đón đầu kỷ nguyên số: Ứng dụng công nghệ, Thúc đẩy đổi mới và Nuôi dưỡng thế hệ hải quan kế cận chuyên nghiệp” với sự tham dự của 1.200 đại biểu đến từ 95 cơ quan hải quan, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và 48 gian hàng triển lãm về các giải pháp công nghệ mới nhất. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm) cũng đã tổ chức thành công Hội nghị các nhà quản lý bảo hiểm ASEAN (AIRM) lần thứ 26 với chủ đề “Bền vững, toàn diện và kết nối”, Hội nghị Hội đồng Bảo hiểm ASEAN lần thứ 49 và các sự kiện liên quan tại Hạ Long, Quảng Ninh tháng 12/2023 nhằm trao đổi ý kiến và thông tin nhằm phát triển và tăng cường giám sát ngành Bảo hiểm trong khu vực.

Bốn là, hợp tác tài chính song phương tiếp tục được thúc đẩy với các đối tác truyền thống, đối tác láng giềng và đối tác quan trọng khác nhằm góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước, phù hợp với chiến lược đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Lãnh đạo Bộ Tài chính đã duy trì thường xuyên các cuộc tiếp xúc cấp Bộ với các đối tác quốc tế như: Đại sứ Hoa Kỳ, Australia, Canada, Chi-lê, Hàn Quốc, Bộ Môi trường Anh, Bộ Tài chính Hungary, Kho bạc Nhà nước Hungary, Ngân hàng Liên bang Đức, Đặc phái viên của Liên minh Châu Âu (EU), Đặc phái viên của Vương quốc Anh, Tổng giám đốc WTO, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), Công ty Moody’s... các cuộc trao đổi đoàn ra và đoàn vào với các nước như Đoàn công tác của Bộ trưởng thăm và làm việc tại Luxembourg và Bỉ tháng 7/2023; Bộ trưởng chủ trì Hội nghị các nhà đầu tư tại Hoa Kỳ tháng 11/2023 kết hợp tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC và Hội nghị Cấp cao APEC.

Bên cạnh đó, tuân thủ theo quy định của Luật Thỏa thuận quốc tế, Bộ Tài chính đã tăng cường triển khai các Bản ghi nhớ về hợp tác tài chính (MOU) đã ký kết với các đối tác quan trọng như: Bộ Ngân khố Australia, Bộ Tài chính Hoa Kỳ, Hungary, Ba Lan, Bộ Ngân khố New Zealand, Bộ Tài chính và Vật giá Cuba, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD); đã thống nhất Kế hoạch năm 2023 triển khai MOU với Bộ Tài chính Hungary, Ba Lan, Bộ Ngân khố New Zealand, Bộ Ngân khố Australia, Bộ Tài chính và Vật giá Cuba. Cụ thể, triển khai thực hiện các MOU cấp Bộ với các đối tác, Bộ Tài chính đã hợp tác với Bộ Ngân khố New Zealand đồng tổ chức “Hội thảo Hợp tác tài chính Việt Nam – New Zealand lần thứ nhất” (tháng 5/2023); tổ chức đoàn khảo sát kinh nghiệm của New Zealand về báo cáo tài chính của Chính phủ trong khuôn khổ MOU (tháng 6/2023); chủ trì đón Đoàn công tác của Bộ Tài chính và Vật giá Cuba (cấp Thứ trưởng) thăm và làm việc tại Việt Nam thực hiện Kế hoạch hành động triển khai MOU giai đoạn 2023-2025 (tháng 7/2023); đã hợp tác với Bộ Ngân khố Australia đồng tổ chức “Hội thảo Hợp tác tài chính Việt Nam - Australia lần thứ ba” (tháng 8/2023) và tham vấn các đơn vị về định hương gia hạn/ký kết giai đoạn mới Bản ghi nhớ về hợp tác; tổ chức Hội thảo Đối thoại Chính sách Tài chính giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính Canada thực hiện Cơ chế Đối thoại Chính sách Tài chính giữa hai Bộ năm 2023 (tháng 9/2023) và trình Bộ về định hướng hợp tác trong năm 2024.

Trong quan hệ đặc biệt với đối tác Lào, Bộ Tài chính đã phối hợp với các đơn vị của Bộ Tài chính hai nước để xây dựng Kế hoạch hợp tác giữa hai Bộ năm 2023. Nhân dịp 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, Bộ Tài chính đã chủ trì đón và làm việc với Đoàn công tác của Bộ Tài chính Nhật Bản do Bộ trưởng Suzuki Shunichi làm Trưởng đoàn vào tháng 01/2023; Đoàn công tác của Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản (JFSA) do Giám đốc Nakajma Junichi làm trưởng đoàn vào tháng 3/2023; Đoàn công tác của Chủ tịch JBIC tháng 3/2023; Đoàn công tác của Thống đốc JBIC tháng 11/2023. Đặc biệt, Việt Nam và Nhật Bản đã tổ chức Hội nghị Đối thoại chính sách giữa hai Bộ Tài chính Việt Nam – Nhật Bản (tháng 12/2023 theo hình thức trực tuyến). Các hoạt động song phương trong lĩnh vực tài chính đã góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với các nước.

Năm là, công tác vận động tài trợ, ký kết và quản lý chương trình, dự án tiếp tục được đảm bảo phục vụ cho nhu cầu của ngành Tài chính, nâng cao năng lực xây dựng và thực thi chính sách tài chính. Cụ thể như huy động thành công cho dự án hỗ trợ thành lập sàn giao dịch tín chỉ các-bon tại Việt Nam do UNOPS tài trợ; dự án nâng cao năng lực về thúc đẩy hiệu quả thị trường chứng khoán Việt Nam từ Chính phủ Nhật Bản; dự án hỗ trợ thực hiện Đề án phát triển thị trường các-bon trong nước từ Ngân hàng Thế giới (WB); Thỏa thuận hợp tác về xây dựng chính sách tài chính xanh giữa Bộ Tài chính và AFD; dự án hỗ trợ cải cách quản lý tài chính công mới từ WB; dự án cải thiện tình hình tuân thủ đóng thuế tự nguyện tại Việt Nam do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ; tiếp tục triển khai 07 chương trình – dự án (CTDA) ODA không hoàn lại từ Chính phủ Nhật Bản (thông qua JICA), Chính phủ Đức (thông qua GIZ) và các đối tác/ tổ chức quốc tế ADB, WB, EU, USAID. Phạm vi của các dự án bao trùm nhiều lĩnh vực của Bộ Tài chính như quản lý thu ngân sách nhà nước, quản lý chi ngân sách nhà nước, quản lý thuế, quản lý kế toán-kiểm toán, hải quan.

Sáu là, hoạt động thông tin tuyên truyền đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó, đã củng cố hoạt động đăng tin của Ban Biên tập, Tổ Tổng hợp đưa tin chuyên mục điện tử “Hợp tác quốc tế”, đưa tin về các hội nghị hợp tác tài chính khu vực quan trọng, như Tình hình triển khai MOU với các đối tác như: Hungary, Ba Lan, USAID; Chuỗi Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3; Hợp tác tài chính ASEAN, ASEAN+3, APEC, V20, G20, ASEM năm 2023, đối thoại chính sách tài chính công giữa Bộ Tài chính và các tổ chức quốc tế và đối tác tài chính công, tuyên truyền về tình hình thực hiện các chương trình, dự án sử dụng tài trợ nước ngoài cho Bộ Tài chính.

Nâng cao hiệu quả hợp tác tài chính và hoạt động đối ngoại trong lĩnh vực tài chính

Trong năm 2024, kinh tế thế giới và khu vực dự báo tiếp tục quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ; phục hồi và tăng trưởng trở lại. Các nước đang phát triển chú trọng khả năng thích ứng nhằm phát huy lợi thế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, gia tăng cạnh tranh nhằm tham gia, hưởng lợi, giành lợi thế để bứt phá và tạo dựng vị trí trong cấu trúc kinh tế mới đang được định hình. Những vấn đề an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là trung tâm kinh tế phát triển năng động và trở thành trung tâm quyền lực mới của thế giới, song tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định.

Trong bối cảnh đó, phương hướng hợp tác tài chính trong năm 2024 của ngành Tài chính sẽ tiếp tục bám sát việc triển khai các nhiệm vụ hợp tác tài chính tại các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 93/NQ-CP của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030; Nghị quyết số 34-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng. Ngành Tài chính sẽ tiếp tục phát triển chiều sâu, nâng cao hiệu quả thực chất hợp tác tài chính và hoạt động đối ngoại trong lĩnh vực tài chính, qua đó làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước láng giềng, nước lớn, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống và các đối tác quan trọng khác; chủ động và tích cực tham gia các thể chế đa phương, khai thác hiệu quả các nguồn lực bên ngoài.

Trong đó, tiếp tục tăng cường sự tham gia của Việt Nam trong các diễn đàn hợp tác tài chính khu vực và đa phương như APEC, ASEAN, ASEAN+3, V20; tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN vào tháng 4/2024; Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 vào tháng 5/2024; Hội nghị Thứ trưởng Tài chính APEC và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2024.

Đồng thời, tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác tài chính song phương làm sâu sắc quan hệ hợp tác với các đối tác quan trọng gồm (i) Nhóm đối tác đã ký Thoả thuận quốc tế (MOU) gồm: Cuba, Lào, Hoa Kỳ, Hungary, Ba Lan, AFD, USAID, gia hạn MOU với Australia và New Zealand; (ii) Nhóm đối tác chiến lược toàn diện; (iii) Đối thoại song phương với Bộ Tài chính Nhật Bản và triển khai Đoàn công tác của Bộ Tài chính đến Nhật Bản và Hàn Quốc làm việc song phương và tổ chức xúc tiến đầu tư gián tiếp; (iv) Tiếp tục triển khai Đối thoại chính sách với Bộ Tài chính Canada năm 2024; (v) Tiếp tục triển khai Chương trình hợp tác giữa hai Bộ Tài chính Việt Nam – Lào; (vi) Tăng cường công tác quản lý thống nhất hoạt động đối ngoại ngành Tài chính, công tác vận động tài trợ, ký kết và quản lý chương trình, dự án; (vii) Tiếp tục triển khai công tác thông tin tuyên truyền, tập trung vào các sự kiện hợp tác tài chính khu vực và đa phương, các hoạt động đối ngoại khác của ngành Tài chính.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Chính trị (2013), Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/3/2013 về hội nhập quốc tế;
  2. Bộ Tài chính (2023), Quyết định số 1934/QĐ-BTC ngày 11/9/2023 về Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 20/02/2023 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022-2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030;
  3. Bộ Tài chính (2023). Quyết định số 2727/QĐ-BTC ngày 11/12/2023 về Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030;
  4. Bộ Tài chính (2023). Báo cáo Đánh giá công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 2/2024