Chủ động, linh hoạt, kỷ luật trong điều hành chính sách tài khoá, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô

Gia Hân (Thực hiện)

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Tài chính, TS. Lê Duy Bình - Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica Vietnam cho biết, trong thời gian tới, việc điều hành chính sách tài khóa ngoài việc cần tiếp tục chủ động, linh hoạt song vẫn phải ưu tiên các nguyên tắc về kỷ luật tài chính, tôn trọng các mục tiêu về ổn định các cân đối lớn của nền kinh tế nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

 

Chủ động, linh hoạt, kỷ luật trong điều hành chính sách tài khoá, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô - Ảnh 1
TS. Lê Duy Bình - Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica Vietnam.

Phóng viên: Thời gian qua, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và trình các cấp có thẩm quyền điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách tài khoá nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ông có đánh giá thế nào về tác động của chính sách tài khoá đã và đang được thực thi?

TS. Lê Duy Bình: Năm 2023, tăng trưởng kinh tế ước đạt 5,05%. Mức tăng trưởng này có sự đóng góp rất lớn của chính sách tài khoá với sự phối hợp điều hành của chính sách tiền tệ. Năm 2023, dư địa cho chính sách tiền tệ không rộng rãi, việc sử dụng chính sách tài khoá mở rộng một cách thận trọng, song linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm đã góp phần hỗ trợ lớn cho chính sách tiền tệ và nền kinh tế. Rất nhiều những trụ cột chính của chính sách tài khoá được thực hiện không chỉ hướng tới hỗ trợ cho nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng mà còn hỗ trợ cho người dân, người lao động và do vậy có tác động lớn trong hỗ trợ về mặt tinh thần cho người dân, doanh nghiệp và người lao động trong lúc khó khăn.

Chính sách tài khoá trong thời gian vừa qua như vậy đã có những đóng góp không chỉ đơn thuần nhìn từ góc độ kinh tế mà còn rất nhiều tác động lớn về mặt an sinh xã hội.

Chính sách tài khóa đã hỗ trợ tích cực cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Trong khi doanh nghiệp gặp khó khăn khi hấp thụ vốn từ các tổ chức tín dụng thì sự hỗ trợ từ chính sách tài khoá là trực tiếp cho khả năng tài chính của doanh nghiệp. Trong giai đoạn khó khăn, thanh khoản của doanh nghiệp gặp nhiều áp lực, các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, miễn giảm nhiều loại thuế giúp giảm sức ép về nghĩa vụ thanh toán cho các doanh nghiệp. Việc giảm thuế giá trị gia tăng thời gian qua cũng giúp kích thích tiêu dùng trong nước, kích thích sản xuất của các doanh nghiệp. Tổng quy mô của các gói hỗ trợ từ năm 2020 tới nay đã lên tới khoảng 700 nghìn tỷ đồng và chỉ riêng năm 2023 ước tính gói hỗ trợ cũng đạt khoảng 233 nghìn tỷ đồng.

Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn, thu ngân sách nhà nước (NSNN) tăng nhưng tốc độ tăng chậm song các khoản hỗ trợ lại được kiên định thực hiện qua các năm. Đồng thời, tốc độ tăng của chi cho đầu tư công lại tăng rất cao hơn nhiều so với tốc độ tăng thu ngân sách. Như vậy, chính sách tài khóa nghịch chu kỳ đã được thực hiện một cách linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế và cũng thể hiện tính linh hoạt song cũng thận trọng của ngành Tài chính.

Biện pháp tài khoá nghịch chu kỳ là nỗ lực lớn của Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính để đưa nguồn vốn đầu tư phát triển ở mức độ cao hơn vào nền kinh tế. Chi tiêu mạnh hơn của Chính phủ dưới hình thức đầu tư công có ý nghĩa dẫn dắt, trở thành “vốn mồi” cho các nguồn đầu tư khác của nền kinh tế. Đồng thời, đầu tư công, các khoản hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, và người lao động đã đóng góp trực tiếp cho tổng cầu của nền kinh tế.

Nhìn ở góc độ khác, năm 2023, chính sách tài khoá còn tập trung hỗ trợ nhiều cho an sinh xã hội. Thực tế cho thấy, NSNN đã chi tiêu nhiều hơn cho những mục đích về an sinh xã hội trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, và có nhiều hơn những nhóm người yếu thế cần được hỗ trợ. Điều này vô cùng ý nghĩa và được người dân, doanh nghiệp và người lao động đánh giá rất cao.

Bên cạnh đó, khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, NSNN đã cân đối, đảm bảo nguồn lực thực hiện nâng lương cơ sở, thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Biện pháp này sẽ giúp cải thiện đáng kể tổng thu nhập khả dụng của các đối tượng này. Như vậy, ngoài các ý nghĩa rất lớn về cải cách hành chính và nâng cao chất lượng quản trị công, thu nhập khả dụng của một bộ phận người tiêu dùng sẽ được tăng lên đáng kể, góp phần nâng cao được sức mua của nền kinh tế, như vậy tác động trực tiếp tăng tiêu dùng trong nước và tăng tổng cầu.

Phóng viên: Xin ông khái quát những yếu tố mà ông cho là “điểm sáng” trong kết quả điều hành chính sách tài khoá thời gian qua?

TS. Lê Duy Bình: Điểm sáng đầu tiên theo tôi là việc đảm bảo duy trì vững chắc các chỉ số cân đối lớn, ví dụ như chỉ số bội chi ngân sách không vượt ngưỡng Quốc hội cho phép. Bội chi ngân sách năm 2023 là 455,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,42% GDP. Đặc biệt, nợ công vẫn nằm trong giới hạn an toàn. Nợ công đến cuối năm 2023 thấp hơn nhiều so với mức trần Quốc hội đề ra. Đây là đóng góp rất lớn trong điều hành của Bộ Tài chính để đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tính tự chủ, an toàn của nền tài chính công, tạo khoảng dư địa cần thiết và là điểm tựa cho việc thực hiện các chính sách tài chính mở rộng và hỗ trợ cho chính sách tiền tệ khi cần thiết.

Đây là bài học kinh nghiệm quan trọng. Chúng ta cần một nền tài chính quốc gia an toàn và vững mạnh, với các kỷ luật ngân sách chặt chẽ và đó là nền tảng quan trọng cho việc thực hiện chính sách tài chính mở rộng, hay linh hoạt hơn khi cần thiết hay khi hỗ trợ cho các chính sách khác như chính sách tiền tệ khi yêu cầu của nền kinh tế đòi hỏi.

Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ cũng chặt chẽ và hiệu quả hơn. Trong năm 2023, chính sách tài khoá đã "chia lửa" với chính sách tiền tệ trong bối cảnh sức hấp thụ vốn của các doanh nghiệp đối với nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng mạnh do tác động của sự suy giảm của thị trường toàn cầu.

Tuy không liên quan trực tiếp tới chính sách tài khoá, song các nỗ lực trong hoạt động cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp và người dân trong lĩnh vực thuế và hải quan, hay các nỗ lực nhằm khôi phục niềm tin của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao.

Hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi và phát triển, song đảm bảo ổn định các cân đối lớn của nền kinh tế, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia; linh hoạt, chủ động cho phù hợp với và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của nền kinh tế nhưng duy trì được kỷ luật ngân sách, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các chính sách của các ngành khác, đặc biệt là chính sách tiền tệ là những điểm tích cực của chính sách tài khoá trong năm 2023.

Phóng viên:  Xin ông đưa ra các khuyến nghị về điều hành chính sách tài khoá trong thời gian tới?

TS. Lê Duy Bình: Để nền kinh tế hoạt động hiệu quả, cần có sự phối hợp, "chia lửa" giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Những năm qua, chính sách tài khóa đóng vai trò lớn hơn do chi tiêu chính phủ thường đóng vai trò lớn hơn sau mỗi một cuộc khủng hoảng. Độ trễ của chính sách tài khoá cũng ngắn hơn so với chính sách tiền tệ nên chính sách tài khoá đã được chú ý nhiều hơn. Và thực tế thì việc gia tăng mạnh chi tiêu của Chính phủ trong thời gian vừa qua đã đóng góp trực tiếp cho tăng tổng cầu và qua đó đóng góp mạnh mẽ cho tăng trưởng trong năm 2023, đồng thời tạo nền tảng cho tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Tăng chi tiêu chính phủ, sử dụng mạnh các công cụ về tài khoá để tăng tổng cầu là cần thiết sau mỗi một cú sốc mà nền kinh tế phải trải qua. Tuy nhiên, nền kinh tế cũng rất cần nguồn vốn từ khu vực tư nhân, đặc biệt là nguồn vốn được chuyển tải thông qua thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Do vậy, các chính sách và công cụ của thị trường tiền tệ, và thị trường vốn sẽ có vai trò hết sức quan trọng trong những năm tới đây. Nguồn vốn đầu tư từ NSNN hay chi tiêu chính phủ không thể thay thế được, và không nên thay thế và lấn át đầu tư từ khu vực tư nhân. Nền kinh tế sẽ phát triển bền vững, với cấu trúc chắc chắn, bền vững hơn nếu như có sự cân bằng giữa các trụ cột như chi tiêu của Chính phủ, đầu tư tư nhân, tiêu dùng của người dân và xuất nhập khẩu.

Chi đầu tư phát triển cần chú trọng hơn nữa đến lĩnh vực giáo dục.
Chi đầu tư phát triển cần chú trọng hơn nữa đến lĩnh vực giáo dục.

Do vậy, trong giai đoạn ngắn trước mắt, chính sách tài khoá nghịch chu kỳ có thể tiếp tục được thực hiện, nhưng cần phải đặc biệt chú ý tới các chỉ số như thâm hụt ngân sách, trần nợ công, tác động của nó đối với việc đảm bảo các kỷ luật ngân sách, các thông lệ quốc tế tốt về quản trị tài chính công và các nguyên tắc thị trường và tính hiệu quả kinh tế - xã hội của các khoản chi có tính chất nghịch chu kỳ.

Tuy nhiên, trong những năm tới, không nên lạm dụng chính sách tài khoá nghịch chu kỳ hay sử dụng quá mức chính sách tài khoá để tăng tỷ trọng đầu tư, hay chi tiêu của Chính phủ trong tổng cầu của nền kinh tế. Chính sách tài khoá cần được thực hiện trên nguyên tắc kích thích thúc đẩy gia tăng đầu tư từ khu vực tư nhân, không làm lấn át đầu tư từ khu vực tư nhân, tiêu dùng từ khu vực tư nhân. Nguồn vốn tự có của khu vực tư nhân trong nước, nguồn vốn FDI và các nguồn vốn qua các kênh dẫn vốn quan trọng như các thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần được phát huy mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa, nhằm đồng hành cùng nguồn vốn từ NSNN, nâng cao hiệu quả tổng lực của toàn bộ nền kinh tế.

Song song với sự phục hồi và tăng trưởng trở lại của nền kinh tế, các biện pháp hỗ trợ mang tính bao cấp đối với nền kinh tế hay doanh nghiệp cũng cần được thu hồi dần để trả lại không gian và các nguyên tắc hoạt động của cơ chế thị trường. Các biện pháp giãn, hoãn, giảm thuế cũng cần được cân nhắc giảm bớt về cả phạm vi và cường độ. Thay vì các biện pháp hỗ trợ như miễn, giảm, giãn, hoãn trên diện rộng thì nguồn lực từ NSNN nên để dành cho việc sử dụng để đầu tư, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho các doanh nghiệp, các tổ chức đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai về kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo hay các doanh nghiệp, các tổ chức trong hệ sinh thái của các ngành công nghiệp mới như chất bán dẫn, chip, phương tiện vận tải điện, năng lượng sạch, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo.

Chính sách tài khoá, đặc biệt thông qua chi đầu tư phát triển, sẽ đóng góp quan trọng cho quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển dịch sang một nền kinh tế dựa nhiều hơn vào tri thức và kỹ năng ngày một cao của người lao động, vào công nghệ, đổi mới, sáng tạo với năng suất lao động, hiệu quả đầu tư được cải thiện rõ rệt.

Trong thời gian tới, chính sách tài khóa ngoài việc cần chủ động, linh hoạt song vẫn phải ưu tiên các nguyên tắc về kỷ luật tài chính, tôn trọng các mục tiêu về ổn định các cân đối lớn của nền kinh tế nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Trong lĩnh vực chi đầu tư cho phát triển, ngoài việc đầu tư cho các cơ sở hạ tầng như đường sân bay, cảng biển, cao tốc, cần chú trọng đầu tư cho các trường đại học, trường dạy nghề, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm, công viên công nghệ cao sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của nền kinh tế số hay mở dư địa mới để đón nhận các dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao như chất bán dẫn hay chip.

Bên cạnh đó, cần chú trọng hơn nữa các lĩnh vực như y tế, giáo dục và môi trường. Cần có giải pháp để gia tăng chi cho đầu tư phát triển trong những lĩnh vực này, đưa các lĩnh vực này thành các lĩnh vực ưu tiên, với cơ cấu chi đầu tư công cho y tế, giáo dục và môi trường phải được nâng dần lên. Các dự án đầu tư công nhằm nâng cấp và cải thiện hệ thống các cơ sở giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường sẽ đóng góp cho việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, nhằm mang lại phúc lợi trực tiếp cho người dân, để người dân được hưởng lợi trực tiếp từ các thành quả tăng trưởng.

Những định hướng này có thể được thực hiện ngay trong quá trình điều hành ngân sách trong những năm tới, đồng thời cũng cần được cân nhắc để chuyển hoá thành các định hướng có tính nền tảng để hỗ trợ cho giai đoạn kế hoạch năm 2026-2030 và những năm tiếp theo, với mục tiêu nền kinh tế sẽ vượt bẫy thu nhập trung bình thành công, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh, đưa Việt Nam thành một nền kinh tế hiện đại, thu nhập cao với mô hình tăng trưởng xanh, bền vững, dựa trên đổi mới sáng tạo với chất lượng tăng trưởng cao.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!