Cần chính sách việc làm phù hợp


Qua khảo sát từ các phiên giao dịch việc làm có thể nhận thấy, độ tuổi tuyển dụng lao động phổ thông mà các nhà máy đưa ra thường từ 20 - 35; sẽ rất khó khăn để một lao động ngoài 40 tuổi có được việc làm phù hợp khi bị mất việc. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thực trạng diễn ra khá phổ biến với các lao động làm các công việc giản đơn, chưa được đào tạo kỹ năng hoặc ngành nghề đòi hỏi kỹ năng thấp.

Lao động lớn tuổi ở nhiều ngành nghề khó tìm kiếm cơ hội mới sau khi mất việc. Ảnh nguồn: ITN
Lao động lớn tuổi ở nhiều ngành nghề khó tìm kiếm cơ hội mới sau khi mất việc. Ảnh nguồn: ITN

Lao động lớn tuổi khó tìm kiếm việc làm

Bà Trần Thị Duyên, 44 tuổi (Ý Yên, Nam Định) đã có thâm niên làm may mặc ở Hà Nội tới 11 năm. Năm 2023, công ty khó khăn nên phải đóng cửa, bà và đồng nghiệp đều thất nghiệp. Dù đã nộp hồ sơ ở rất nhiều doanh nghiệp nhưng đều bị từ chối với lý do không tuyển người lớn tuổi. Bà chia sẻ, nhiều đồng nghiệp lớn tuổi như bà cũng gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm. 

Trong căn phòng trọ chật hẹp chưa đến 15m2 ở khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), ông Nguyễn Minh Bảo (47 tuổi, quê Hải Dương) trải lòng: "Hơn một năm qua, kể từ khi thất nghiệp ở nhà, ai thuê gì thì làm đó nhưng công việc tự do giờ cũng ít, cũng khó tìm". 

Ông Nguyễn Minh Bảo trước đây làm nhân viên cho siêu thị, thu nhập cũng hơn 10 triệu đồng/tháng. Do bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, siêu thị vắng người nên ông cũng bị sa thải cuối năm 2022. Để có thu nhập trang trải cuộc sống và lo cho con trai đang ăn học, sau Tết ông Bảo ôm hồ sơ rải khắp nơi. Những ngày này, ông liên tục mang điện thoại bên mình với hy vọng có công ty gọi đến phỏng vấn, nhận vào làm.

Cũng giống như ông Bảo, rất nhiều lao động lớn tuổi đều đang mong ngóng xin được việc mỗi ngày để an cư ở thành phố đắt đỏ, tuy vậy, cơ hội việc làm cho họ rất ít. Theo ghi nhận của nhiều trung tâm dịch vụ việc làm, sau Tết có nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động ở các lĩnh vực như da giày - may mặc, kinh doanh - quản lý, công nghệ thông tin, kỹ thuật - cơ khí...

Đa số các doanh nghiệp chỉ tuyển lao động từ 18 - 35 tuổi, có tay nghề. Hiếm doanh nghiệp sản xuất nào tuyển dụng công nhân trên 40 tuổi, nhất là ở các lĩnh vực cần tốc độ cao và tốn nhiều sức như may mặc, cơ khí, chế biến gỗ... Vì vậy, những người lớn tuổi rất khó xin việc. 

Triển khai chương trình đào tạo nghề hiệu quả

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng), có một thực trạng đang diễn ra trong thị trường lao động là chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng đã chạm mốc tuổi nghề. Đơn cử như lao động ngành may mặc, giày da... chỉ ngoài 40 tuổi thì nhiều nhà máy, xí nghiệp tìm cách sa thải hoặc không tiếp nhận, dẫn đến nhiều lao động đối mặt với quãng thời gian dài chờ nghỉ hưu mà rất khó tìm được một việc làm khác ổn định.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, từ đó cho thấy khoảng cách giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu hiện nay là khá lớn. 

Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, thực trạng rút bảo hiểm xã hội một lần diễn ra khá phổ biến đối với các lao động làm các công việc giản đơn, chưa được đào tạo kỹ năng hoặc ngành nghề đòi hỏi kỹ năng thấp như may mặc, giày da, chế biến thủy sản... Trong khi đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự gắn với thị trường lao động, còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa theo thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH còn những hạn chế, bất cập nhất định, chưa có sự liên kết, hỗ trợ chặt chẽ giữa các chính sách BHXH nên người dân chưa thực sự tin tưởng vào hệ thống BHXH.

Để khắc phục tình trạng này, đối với các ngành, nghề có tuổi nghề thấp, ngoài chính sách ưu đãi về tuổi nghỉ hưu, điều quan trọng hơn cả là các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động cần có chính sách chuyển đổi vị trí việc làm, đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp cho phù hợp để tiếp tục sử dụng và phát huy những kinh nghiệm, sức lao động của người lao động.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp triển khai các chương trình đào tạo nghề nhằm nâng cao kỹ năng, trình độ tay nghề cho người lao động. Đây được coi là giải pháp căn cơ, giải quyết gốc rễ vấn đề, giúp người lao động không bị sa thải, cho ngừng việc khi còn trẻ.

Mặt khác, Bộ cũng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổng kết đánh giá Luật Việc làm năm 2013, xây dựng hồ sơ đề nghị trình Chính phủ trình Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Trong đó, nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chú trọng không chỉ có các giải pháp xử lý hậu quả thông qua việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, đào tạo đáp ứng yêu cầu của công việc mới, giới thiệu việc làm mà còn có các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động.

Ông Hồ Minh Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - truyền thông quốc tế cho rằng, ngoài chờ đợi những chính sách của Nhà nước, lao động lớn tuổi cần phải có ý thức nâng cao, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu công việc. 

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn