Tổng kết 17 năm Giải Báo chí quốc gia và Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao


Sáng 16/11, tại thành phố Hòa Bình, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức hội nghị tổng kết 17 năm Giải Báo chí quốc gia và Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Trần Hải
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Trần Hải

Tham dự hội nghị có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; Ủy viên dự khuyến Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi; Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình Bùi Đức Hinh; Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các Phó Chủ tịch và Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình; đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan; cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí, hội nhà báo, liên chi hội và chi hội trực thuộc trên cả nước.

Đề xuất, giải pháp đổi mới hoạt động phù hợp với xu thế chuyển đổi số

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nêu rõ, Hội Nhà báo Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập tại Chiến khu Việt Bắc vào ngày 21/4/1950, đến nay đã có 73 năm trưởng thành và phát triển. Trải qua 11 kỳ Đại hội, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, sự quản lý và quan tâm của Nhà nước, tổ chức Hội không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng với gần 25.000 hội viên - nhà báo sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 Liên Chi hội và 218 Chi hội trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Trần Hải
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Trần Hải

Hội Nhà báo Việt Nam đã thực sự trở thành “ngôi nhà chung” tập hợp, đoàn kết rộng rãi những người làm báo cả nước, tạo môi trường sinh hoạt nghề nghiệp bổ ích, thiết thực cho các cấp Hội, thúc đẩy phong trào nghiệp vụ, gìn giữ ngọn lửa say nghề, phát huy tinh thần cống hiến của hội viên, động viên đội ngũ người làm báo tuyên truyền thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh kịp thời những thành tựu to lớn, toàn diện của đất nước trên tất cả các lĩnh vực, góp phần xây dựng nền báo chí giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại vì lợi ích của đất nước và nhân dân.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện cho Hội Nhà báo Việt Nam phát triển về chuyên môn, nghiệp vụ. Ngày 1/6/1999, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 583/QĐ-TTg dành khoản kinh phí 10 tỷ đồng/năm, tài trợ trong 2 năm 1999 - 2000 để thực hiện một số mục tiêu hỗ trợ hoạt động sáng tạo, nâng cao chất lượng tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí. Ngày 25/4/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 650/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2016 – 2020”. Đề án đã hoàn thành trọn vẹn, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tiếp nối những thành công đó, ngày 8/4/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 558/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021 - 2025”. Chương trình tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ báo chí với nguồn kinh phí lớn hơn, tập trung vào việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, định hướng tuyên truyền, khai thác các mảng đề tài quan trọng như: đề tài về Đảng, về Bác Hồ, về tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XII, XIII của Đảng, về các ngày kỷ niệm lớn của dân tộc tại địa phương; về công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, giữ gìn an ninh, chính trị; đề tài về lịch sử cách mạng, kháng chiến, về xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đề tài về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, xóa đói giảm nghèo, về miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số...

Trải qua 17 năm tổ chức, Giải Báo chí Quốc gia đã thu hút khoảng hơn 20.000 tác phẩm tham dự trong cả nước gửi tham dự cho thấy sức hút của Giải ngày càng lớn, thu hút được sự quan tâm và tham gia của đông đảo giới báo chí và công chúng. Các tác phẩm đoạt giải cao là những tác phẩm có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, nhiều cách thức thể hiện sáng tạo, sinh động, hấp dẫn bạn đọc, thể hiện rõ năng lực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo báo chí. Tuy nhiên, trong bối cảnh khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, công nghệ làm báo ngày càng đổi mới đặt ra những yêu cầu, thách thức mới trong quá trình tổ chức Giải.

Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam Đỗ Thị Thu Hằng trình bày tham luận. Ảnh: Trần Hải
Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam Đỗ Thị Thu Hằng trình bày tham luận. Ảnh: Trần Hải

Ông Lê Quốc Minh cũng nêu rõ, hội nghị nhằm phân tích, đánh giá kết quả đạt được qua 17 năm tổ chức Giải Báo chí Quốc gia, cũng như những khó khăn, vướng mắc và những bất cập hiện nay trong quá trình tổ chức Giải, để từ đó đặt ra những đề xuất, giải pháp nhằm đổi mới hoạt động của Giải nhằm phù hợp với xu thế chuyển đổi số, nâng cao hơn nữa vị thế của Giải chuyên ngành lớn nhất cả nước. Hội nghị cũng nhằm đánh giá kết quả một năm thực hiện Chương trình hỗ trợ chất lượng cao giai đoạn mới, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả Chương trình hỗ trợ các tác phẩm báo chí chất lượng cao trong các năm 2023, 2024.

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã tập trung đánh giá kết quả của Giải Báo chí Quốc gia qua 17 năm triển khai, những vấn đề vướng mắc và bất cập hiện nay cùng các giải pháp, kiến nghị nhằm đổi mới chất lượng của Giải; phạm vi đề tài được khuyến khích và sự phù hợp với môi trường tác nghiệp, tạo không gian sáng tạo thoải mái cho báo chí, phục vụ tốt công tác tuyên truyền của Đảng bộ, chính quyền địa phương; những đóng góp của Chương trình đối với việc củng cố chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ cho các nhà báo trong quá trình tác nghiệp, tăng cường chất lượng sản phẩm của cơ quan báo chí, phục vụ hiệu quả các kế hoạch công tác của đơn vị và nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Các đại biểu cũng đã tập trung phân tích, đánh giá việc tuyển chọn các tác phẩm báo chí chất lượng cao tham gia Giải Báo chí Quốc gia, giải báo chí tỉnh và các giải báo chí chuyên ngành khác; các quy trình, quy định trong thẩm định tác phẩm; thủ tục ký hợp đồng, thanh quyết toán và các vấn đề tài chính - kế toán...

Cần mở rộng cơ cấu Giải, đáp ứng thực tiễn đời sống báo chí

Trình bày tham luận về 17 năm Giải Báo chí quốc gia - kết quả đạt được và những vấn đề đặt ra trong thời kỳ chuyển đổi số hiện nay, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam Đỗ Thị Thu Hằng nêu rõ, trải qua 17 mùa giải, đến nay trung bình mỗi năm Giải Báo chí Quốc gia thu hút được sự tham dự của gần 2.000 tác phẩm báo chí, được sàng lọc, tuyển chọn trong số hàng vạn tác phẩm báo chí đã phát hành, phát sóng gửi về dự thi…

Có thể khẳng định, Giải báo chí Quốc gia đã và đang có tác dụng to lớn, cổ vũ tinh thần thi đua giữa các nhà báo, giữa các cơ quan báo chí, qua đó đã phát hiện và tôn vinh những tài năng, sự tâm huyết của những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, theo đúng tinh thần của Chỉ thị 37-CT/TW ngày 13/8/2004 của Ban Bí thư “về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới”. Tiếp đó là Chỉ thị 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”.

Thành công là cơ bản, song bà Đỗ Thị Thu Hằng cũng nêu rõ, so với thực tế phát triển mạnh mẽ của báo chí và khoa học công nghệ, so với yêu cầu cao hơn đối với báo chí trong tình hình mới, thì Giải báo chí Quốc gia, với tư cách là một động lực thúc đẩy sự phát triển của báo chí nước ta, vẫn còn tồn tại những hạn chế. Đó là, cơ cấu giải cần có sự mở rộng để đáp ứng thực tiễn đời sống báo chí. Cơ cấu giải cần hướng đến dung nạp thêm nhiều sản phẩm báo chí với phương thức thể hiện mới, đang được công chúng đón nhận rộng rãi, như sản phẩm báo chí chuyên đề, đa phương tiện, đa loại hình, đa nền tảng…

Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam Phan Toàn Thắng trình bày báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Trần Hải 
Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam Phan Toàn Thắng trình bày báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Trần Hải 

Cùng với việc mở rộng cơ cấu giải, số lượng giải cũng cần được tăng lên tương ứng. Mức giải thưởng cần được tăng lên để kịp thời cổ vũ, động viên, tôn vinh lao động sáng tạo của các nhà báo. “Đó cũng là động lực quan trọng thu hút thêm các loại hình báo chí và động viên những người làm báo tham gia, đáp ứng yêu cầu phát triển và nhiệm vụ ngày càng cao của báo chí nước nhà trong sự nghiệp đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế, phục vụ tích cực, có hiệu quả hơn nữa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN”, bà Đỗ Thị Thu Hằng nêu rõ. 

Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cũng cho rằng, tùy theo nhu cầu thực tế, Hội đồng Giải báo chí Quốc gia có thể xem xét thành lập Ban Thẩm định gồm các gồm các chuyên gia báo chí có uy tín, thẩm định, phản biện kín các tác phẩm vào chung khảo trước khi trình Hội đồng chung khảo nhằm góp phần nâng cao chất lượng và uy tín của Giải. Giải báo chí Quốc gia cần cải tiến quy trình, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa trong quá trình tổ chức và phát triển.

Hỗ trợ báo chí chất lượng cao - luồng sinh khí mới trong hoạt động báo chí

Trình bày Báo cáo tổng kết Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao, Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam Phan Toàn Thắng khẳng định, việc Chính phủ tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đã động viên, khích lệ lớn đối với hội viên, nhà báo. Một số cấp Hội Nhà báo khó khăn về tài chính đã có thêm kinh phí để đầu tư vào hoạt động sáng tạo tác phẩm chất lượng cao, đánh giá cao ý nghĩa của Chương trình.

Các tác phẩm báo chí được hỗ trợ là những tác phẩm tiêu biểu, từ các cấp Hội, thuộc mảng đề tài ưu tiên theo Chương trình. Nội dung tác phẩm phản ánh kịp thời, sâu sát, có tính phát hiện những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm ở Trung ương và địa phương, phục vụ thiết thực sự nghiệp đổi mới, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chương trình đã có tác dụng động viên, khích lệ lớn đối với hội viên, nhà báo. Nhờ có kinh phí hỗ trợ của Nhà nước đối với hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao, các cấp Hội có thêm điều kiện, động lực mới để tập hợp, đoàn kết, động viên hội viên hoạt động báo chí. “Đây thực sự là luồng sinh khí mới trong hoạt động báo chí cả nước”, Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam nói.

Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, để bảo đảm thực hiện tốt Chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2025, hàng năm Hội Nhà báo Việt Nam có văn bản hướng dẫn thực hiện gửi các cấp Hội cùng với định mức số lượng tác phẩm đặt hàng theo mức kinh phí được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Năm 2023, ngân sách nhà nước đã cấp kinh phí hỗ trợ báo chí chất lượng cao.

Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị, Hội Nhà báo các địa phương sớm làm báo cáo quyết toán kinh phí thực hiện công tác hỗ trợ báo chí chất lượng cao các năm 2021-2023 để Trung ương Hội tổng hợp trình cấp thẩm quyền, làm cơ sở để Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí 2024.

* Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã tham gia Toạ đàm “Đổi mới chất lượng Giải Báo chí quốc gia trong bối cảnh chuyển đổi số và nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí, sự tham gia của báo chí Trung ương và khu vực phía Bắc đối với Giải Báo chí quốc gia”. Trao đổi tại toạ đàm, có ý kiến khẳng định, Giải Báo chí quốc gia đã hướng đến các tiêu chí: tính phát hiện, cách thể hiện, hiệu ứng xã hội. Đây cũng là những tiêu chí mà các cơ quan thông tấn, báo chí cần hướng đến. Để đổi mới chất lượng Giải Báo chí quốc gia, ý kiến này cũng đề xuất, Giải Báo chí quốc gia cần đổi mới từ bộ nhận diện thương hiệu của Giải; cùng với đó, cần đổi mới cách thức tổ chức trao giải theo hướng hấp dẫn hơn, nâng mức giải thưởng hơn và có cơ chế lan toả các tác phẩm được trao giải.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nêu rõ, hội nghị đã tiếp tục khẳng định Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao đã được cơ quan chuyên môn nghiệp vụ các cơ quan trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam triển khai thành công. Hội nhà báo Việt Nam ghi nhận các ý kiến và sẽ ban hành các quy định một cách khoa học, hiệu quả đến các cấp Hội. Hội Nhà báo Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho công tác hỗ trợ báo chí chất lượng cao trong giai đoạn tiếp theo.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn