Tiếp cận vốn của các doanh nghiệp khởi nghiệp

Việt Nga - Hà Linh

Với các doanh nghiệp khởi nghiệp, khó khăn không chỉ là công nghệ lạc hậu, trình độ lao động thấp, mà còn là năng lực tài chính, tài sản, khả năng tiếp cận với nguồn vốn vay phục vụ cho hoạt động...

 Hiện nay, doanh nghiệp khởi nghiệp thường sử dụng vốn từ tích lũy tự có hoặc vay từ người thân
Hiện nay, doanh nghiệp khởi nghiệp thường sử dụng vốn từ tích lũy tự có hoặc vay từ người thân

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) phần lớn quy mô nhỏ, thậm chí rất nhỏ, cá biệt chỉ là một nhóm cá nhân tập hợp để xây dựng ý tưởng sáng tạo. Do vậy, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính đều hạn chế, thiếu hoặc không có tài sản bảo đảm, quyền sở hữu đối với tài sản lại có thể không rõ ràng. Vì vậy, thông thường, các DNKN rất khó đáp ứng được các điều kiện để tiếp cận với nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng.

Việc tiếp cận vốn lần đầu đã khó, các lần tiếp cận vốn tiếp theo lại thêm phần khó khăn hơn, do khó duy trì tình trạng sử dụng vốn và chứng minh năng lực tài chính cho lần tiếp theo.

Chẳng hạn, về điều kiện phương án sử dụng vốn khả thi, được xác định thông qua công tác thẩm định tính khả thi của phương án sử dụng vốn, thể hiện các nội dung: Tính pháp lý của dự án, phương án; tổng nguồn vốn cần sử dụng, chi tiết các loại nguồn vốn trong tổng nguồn vốn cần sử dụng; doanh thu, chi phí, lợi nhuận của phương án sử dụng vốn; nguồn trả nợ của khách hàng: nguồn thu từ phương án, dự án kinh doanh hoặc các nguồn thu hợp pháp khác của khách hàng đảm bảo khả năng trả nợ; thị trường sản phẩm…

Đối với các chủ thể mới gia nhập thị trường, việc phân tích và đánh giá khả năng sử dụng vốn khả thi với những “công thức” cho trước của các tổ chức tín dụng hầu như dẫn đến sự bế tắc về cơ hội vốn cho DNKN, bởi tất cả các yếu tố được xem xét đều ở mức độ “khởi đầu”, không dễ dàng cho việc nhận được nguồn vốn.

Hay như trong việc phân tích, đánh giá về khả năng tài chính của khách hàng, người được đánh giá là có khả năng tài chính để trả nợ thể hiện qua các tiêu chí cơ bản sau: Kinh doanh có hiệu quả, năm trước liền kề có lãi, trường hợp năm trước liền kề lỗ và/hoặc có lỗ lũy kế thì phải có phương án khắc phục lỗ khả thi và có khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn trong thời hạn cam kết.

Đối với pháp nhân mới thành lập, chưa có số liệu về tình hình hoạt động kinh doanh, đánh giá khả năng tài chính của khách hàng thông qua phần vốn thực góp của các thành viên/cổ đông thể hiện trên cân đối kế toán của DN so với vốn điều lệ đã đăng ký trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/giấy chứng nhận đầu tư.

Thực tế hiện nay, DNKN thường sử dụng vốn từ tích lũy tự có và/hoặc từ người thân, sau đó tiếp cận nguồn vốn của các quỹ đầu tư quan tâm đến lĩnh vực hoạt động của DNKN. Đây thường là những tổ chức, cá nhân chấp nhận rủi ro, yêu thích công nghệ, có thể đầu tư ngay từ giai đoạn xây dựng ý tưởng, tham gia ý kiến, sáng kiến cho hệ sinh thái mà ý tưởng khởi nghiệp hướng tới.

Dù có nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, nhưng đầu tư vào hoạt động khởi nghiệp và ĐMST chưa trở thành kênh thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư dù có nhiều lợi thế như tạo cơ hội việc làm, tạo động lực cho nền kinh tế thông qua dịch chuyển cơ cấu kinh tế ngành và chuyển động mạnh mẽ theo cơ chế thị trường.

Nguyên nhân của tình trạng này do yếu thế mới gia nhập thị trường, chưa có nhiều uy tín (đối với DNKN) và kết quả đổi mới sáng tạo mới được thể hiện “trên giấy”, chưa có trên thị trường hoặc tạo ra một giá trị tốt hơn so với những thứ đang có sẵn nên cần phải có thời gian để kiểm chứng nên DNKN chưa trở thành lựa chọn cho phần lớn nhà đầu tư.

Nói cách khác, đầu tư cho DNKN không phù hợp với nhà đầu tư chú trọng an toàn mà dành cho nhà đầu tư mạo hiểm; do đó, các dự án khởi nghiệp thường được bắt đầu bằng nguồn vốn tự có hạn hẹp của các thành viên sáng lập, trong khi khả năng vay vốn ngân hàng hoặc kêu gọi các quỹ đầu tư lại rất thấp. 

Thực tiễn thực hiện pháp luật về tiếp cận nguồn vốn cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (ĐMST) ở Việt Nam cũng đã phát sinh nhiều bất cập, hạn chế đối với từng nguồn vốn mà DNKN và ĐMST có thể tiếp cận.

Về nguồn tài chính từ NSNN cho thấy, để tiếp cận nguồn vốn từ các chính sách hỗ trợ, DNKN và ĐMST phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính với nhiều bước, công đoạn xét duyệt với nhiều loại hồ sơ, giấy tờ. Điều này làm nản chí không ít các ý tưởng sáng tạo hoặc cản trở các mô hình khởi nghiệp được “ươm mầm” từ bầu sữa NSNN. 

Về nguồn vốn tín dụng, DNKN và ĐMST rất khó có thể dùng mô hình khởi nghiệp hay ý tưởng ĐMST để làm tài sản bảo đảm khi vay vốn ở ngân hàng. Mặc dù, pháp luật hiện hành đã cho phép chủ sở hữu quyền tài sản phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ được dùng quyền tài sản đối với đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng; quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ; quyền khác trị giá được bằng tiền phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Mặt khác, để nguồn vốn tự có phát sinh từ dự án khởi nghiệp và ĐMST trở thành tài sản bảo đảm đòi hỏi phải có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho việc nhận tài sản bảo đảm làquyền tài sản phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ không chỉ từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà còn cả các ngân hàng thương mại.

Đặc biệt là vấn đề định giá tài sản bảo đảm là quyền tài sản phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ; tính thanh khoản của tài sản bảo đảm là quyền tài sản phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ trong mối tương quan với việc xây dựng và vận hành thị trường khoa học và công nghệ ở Việt Nam.

Đối với huy động vốn trên thị trường chứng khoán tập trung là tương đối khó khăn do các DNKN đa phần có quy mô vừa và nhỏ, chưa phải là công ty đại chúng, đồng thời để trở thành công ty đại chúng và niêm yết trên thị trường chứng khoán tập trung, các DNKN và đổi mới sáng tạo hầu tư như không đáp ứng được.

Ngoài ra, Nghị định số 38/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo quy định quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân, do tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập trên cơ sở điều lệ quỹ; quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không được góp vốn vào quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo khác là rào cản đáng kể trong thu hút nguồn vốn từ cộng đồng cho hoạt động khởi nghiệp, ĐMST ở Việt Nam.

Ở Việt Nam, hình thức gọi vốn từ cộng đồng dựa trên nền tảng Internet còn dè dặt, chưa tạo ra được sự ảnh hưởng đến thị trường khởi nghiệp sáng tạo, nhất là hình thức gọi vốn đổi lấy cổ phần chưa có mặt tại Việt Nam. Đây là khoảng trống pháp lý cản trở DNKN và ĐMST tiếp cận nguồn vốn cộng đồng đa dạng. Do thiếu cơ sở pháp lý cho việc gọi vốn từ cộng đồng nên các dự án khởi nghiệp, ĐMST rất khó có thể đến được với số đông nhà đầu tư có nhu cầu góp vốn, mua cổ phần ở những dự án khởi nghiệp và ĐMST.

Việc gọi vốn từ cộng đồng còn đặc biệt có ý nghĩa đối với các dự án khởi nghiệp và ĐMST ở khu vực nông thôn, gắn với khai thác giá trị văn hoá bản địa trong hoạt động du lịch sinh thái, khai thác, mở rộng giá trị thương mại sản phẩm của các làng nghề.