Thúc đẩy tín dụng, hướng vào sản xuất kinh doanh


Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, tín dụng trong tháng 1/2024 trên địa bàn giảm 0,93% so với cuối năm 2023. Nguyên nhân tín dụng giảm trong tháng đầu năm, bên cạnh các yếu tố liên quan đến nhu cầu vốn của khách hàn

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, khuyến khích tiêu dùng để kích thích sản xuất kinh doanh phát triển, qua đó có thể mở rộng tín dụng
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, khuyến khích tiêu dùng để kích thích sản xuất kinh doanh phát triển, qua đó có thể mở rộng tín dụng

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, tín dụng trong tháng 1/2024 trên địa bàn giảm 0,93% so với cuối năm 2023. Nguyên nhân tín dụng giảm trong tháng đầu năm, bên cạnh các yếu tố liên quan đến nhu cầu vốn của khách hàng, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, của doanh nghiệp vẫn yếu, thì tháng 1 còn gắn với kỳ nghỉ Tết cổ truyền dài ngày. Điều này được phản ánh rõ nét qua cơ cấu tín dụng trên địa bàn, khi dư nợ tín dụng ngắn hạn giảm 2,32%, trong khi dư nợ trung dài hạn tăng 0,35% so với tháng trước.

Chủ động các giải pháp để mở rộng tín dụng

Với diễn biến đó, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo định hướng của Chính phủ, đại diện NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho rằng, các TCTD cần thực hiện các giải pháp mở rộng và tăng trưởng tín dụng trên cơ sở khai thác và sử dụng vốn hiệu quả. Theo đó, tạo điều kiện cho khách hàng hiện hữu sử dụng vốn vay hiệu quả, hỗ trợ khách hàng thông qua việc đáp ứng nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng. Tiếp tục xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hợp lý, phù hợp với khả năng tài chính và xu hướng giảm lãi suất bình quân đầu vào của mỗi TCTD, với tinh thần chia sẻ, đồng hành để cùng phát triển.

Đặc biệt cần tập trung và thực hiện giải pháp tăng trưởng tín dụng vào nhóm ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, nhóm ngành đang có xu hướng tăng trưởng tích cực, tìm kiếm khách hàng tốt để hoạt động tốt hơn, tạo hiệu ứng tăng trưởng tích cực và củng cố quan hệ ngân hàng với khách hàng.

Ông Lệnh cho biết, số liệu thống kê của các cơ quan nhà nước cho thấy những tín hiệu tích cực về sản xuất kinh doanh của một số ngành,lĩnh vực trong những ngày đầu năm mới do có đơn hàng sản xuất, công nhân trở lại làm việc đạt tỷ lệ cao, nhu cầu tuyển dụng lao động lớn, xuất khẩu và đầu tư công tiếp tục có những tín hiệu tích cực... Đó là những yếu tố thuận lợi, các TCTD cần quan tâm, tiếp cận và hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, dịch vụ ngân hàng để duy trì và thúc đẩy đà tăng trưởng.

Theo ông Lệnh, kích thích nhu cầu vay vốn cần dựa trên cơ sở thực hiện các giải pháp liên quan đến kích thích sản xuất kinh doanh. Bên cạnh những thuận lợi về lãi suất, về thị trường tiền tệ, về hạn mức tín dụng… cần tổ chức thực hiện các gói tín dụng ưu đãi, các sản phẩm tín dụng linh hoạt, hấp dẫn và thuận lợi cho khách hàng, doanh nghiệp để kích thích doanh nghiệp đầu tư, vay vốn mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh. Trong quá trình đó, cần tiếp tục cải cách thủ tục, mang lại tiện ích, tiện lợi và sự hài lòng cho khách hàng. Điều này không chỉ giúp khách hàng thuận tiện giao dịch với ngân hàng mà còn hỗ trợ, tư vấn, thông tin cho khách hàng củng cố và phát triển quan hệ ngân hàng - khách hàng bền vững. Đó là cơ sở mở rộng và tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả.

Cho vay tiêu dùng còn nhiều tiềm năng

Bên cạnh việc kích thích nhu cầu vay vốn trên cơ sở kích thích sản xuất kinh doanh, cần lưu ý rằng mảng tiêu dùng nội địa trong các năm gần đây trở thành một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế và đây cũng là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng để mở rộng cho vay.

Bộ phận nghiên cứu phân tích của Maybank Investment Bank (MSVN) cho biết, tình hình tài chính của người tiêu dùng Việt Nam lành mạnh hơn, một kết quả khảo sát của Kantar trong quý III năm 2023 cho thấy khu vực hộ gia đình không còn gặp khó khăn về tài chính so với cuối năm 2022 và tình hình đã khả quan trở lại. Bên cạnh đó, về thu nhập của người lao động thông qua các khoản nộp thuế thu nhập cá nhân cũng cho thấy không có thay đổi lớn nào trong xu hướng thu nhập cá nhân dài hạn. Việc tiết kiệm tăng trong thời gian qua cho thấy đây sẽ là nền tảng để hỗ trợ người tiêu dùng chuẩn bị sẵn sàng cho những rủi ro nếu có xảy ra.

Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra nhận định, tài sản của người Việt đang trong thời kỳ gia tăng, nhưng gần 80% dân số vẫn chưa hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các dịch vụ ngân hàng. Minh chứng cho điều này, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, Việt Nam sở hữu tiềm năng đáng kể để phát triển các kênh cho vay tiêu dùng chính thống, vốn vẫn đang trong giai đoạn mới phát triển. Thực tế thị trường thời gian gần đây cho thấy, các nhà đầu tư châu Á tham gia thị trường Việt Nam nhiều hơn qua các thương vụ mua bán sáp nhập trong mảng tài chính tiêu dùng nhằm khai thác thị trường 100 triệu dân.

Bên cạnh đó, Ngân hàng HSBC kỳ vọng du lịch quốc tế trong năm 2024 có khả năng sẽ đóng góp khoảng 4% GDP của Việt Nam, khi du lịch tăng nhu cầu tiêu dùng sẽ được thúc đẩy các ngành nghề sản xuất kinh doanh phát triển. Theo dữ liệu của HSBC, ước tính thông qua phân tích báo cáo tài chính của 4 ngân hàng lớn, vốn có thể bao gồm những khoản vay cho hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

Trong giai đoạn 2013-2022, nợ của hộ gia đình tăng mạnh từ 28% GDP lên 50% GDP. Nhìn ở góc độ tích cực, một chuyên gia tài chính cho rằng, nhu cầu vay tiêu dùng của hộ gia đình ở Việt Nam gia tăng trong những năm qua nếu được tận dụng và khai thác có kiểm soát sẽ là cơ hội cho mở rộng tín dụng.

Theo Thời Báo Ngân Hàng