Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Dương Bá Đức – Vụ trưởng Vụ Đầu tư

Là một bộ phận quan trọng của chính sách tài khóa, chi đầu tư công đóng vai trò quan trọng góp phần tích cực đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2024, để đạt được mục tiêu tỷ lệ giải ngân đạt tối thiểu 95% kế hoạch, cần nhiều giải pháp quyết liệt từ tất cả các cấp, các ngành, các chủ đầu tư.

Hội nghị thwờng trực chính phủ với các bộ, cơ quan, địa phương đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Hội nghị thwờng trực chính phủ với các bộ, cơ quan, địa phương đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Nhiều giải pháp điều hành, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Năm 2023, Chính phủ đã triển khai rất nhiều giải pháp điều hành nhằm thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này. Chính phủ đã ban hành 13 nghị quyết liên quan đến công tác chỉ đạo điều hành về giải ngân vốn đầu tư công; Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 công điện, 02 chỉ thị về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Chính phủ, đã duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông; 05 tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo Quyết định số 235/QĐ-TTg ngày 14/3/2023 và 26 đoàn công tác do Thành viên Chính phủ làm trưởng đoàn theo Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng tại các địa phương.

Với sự chỉ đạo quyết liệt từ phía Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công đã được tháo gỡ. Theo số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/12/2023 đạt khoảng 579.848,8 tỷ đồng, bằng 81,87% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2022 đạt 75,11% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 72.686 tỷ đồng (đạt 56,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Đây là tỷ lệ giải ngân rất khả quan nếu so với số liệu năm 2022.

Đồng bộ các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư năm 2014

Đối với năm 2024, dự toán toán chi đầu tư ngân sách trung ương đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 104/2023/QH15 năm 2024 là 677.349 tỷ đồng, bằng 95,1% so với dự toán giao năm 2022. Trong đó, phần lớn nguồn vốn tiếp tục được tập trung cho các dự án quan trọng quốc gia, các dự án đường bộ cao tốc, các dự án liên kết vùng của địa phương, đường ven biển, Chương trình mục tiêu quốc gia.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc kiểm tra các dự án đầu tư công tại Đồng Nai, ngày 14/5/2023
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc kiểm tra các dự án đầu tư công tại Đồng Nai, ngày 14/5/2023

Mặc dù tổng vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2024 có giảm so với năm 2023, tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế thế giới nói riêng, tình hình quốc tế nói chung dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức, đối mặt với nhiều rủi ro trong quá trình phục hồi, áp lực về chuỗi cung ứng toàn cầu và lạm phát vẫn còn cao, để đạt được mục tiêu tỷ lệ giải ngân năm 2024 đạt tối thiểu 95% kế hoạch được giao tại Quyết định số 1603/QĐ-TTg ngày 11/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ, cần nhiều giải pháp quyết liệt từ tất cả các cấp, các ngành, địa phương, chủ đầu tư.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 theo mục tiêu, ngay từ đầu năm, các cấp, các ngành, địa phương cần triển khai ngay các giải pháp đồng bộ.

- Về cơ chế chính sách, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế để “khơi thông” dòng vốn đầu tư công, tạo động lan tỏa cho phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Vừa qua, nhiều quy định của pháp luật đã được Quốc hội, Chính phủ ban hành, thay thế, sửa đổi nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các đơn vị trong quá trình thực hiện như: Luật Đấu thầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2024; Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng…

Trong năm 2024, Chính phủ tiếp tục sửa đổi, bổ sung Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6/4/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công; Tiếp tục rà soát các vướng mắc trong việc thực hiện các luật liên quan đến đầu tư như Luật Đất đai (nội dung thống kê, kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất, giá đất, giá đền bù, thu hồi…); Luật Xây dựng (cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thiết kế cơ sở…); Luật Khoáng sản (làm rõ khái niệm “khoáng sản”, tài nguyên đất…), Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đường bộ mới... Theo đó, tập trung sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng đồng bộ, rõ ràng, thông thoáng, giảm quy trình, thủ tục, tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm tra giám sát.

Trong đó, nghiên cứu tách phần giải phóng mặt bằng triển khai trước, phân cấp chủ quản đầu tư, nghiên cứu thêm trường hợp chủ đầu tư có thể chủ động sử dụng một số khoản kinh phí hợp pháp ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn (kể cả nguồn vốn chi thường xuyên) để lập dự án, chuẩn bị đầu tư trước nhằm chuẩn bị sẵn sàng thủ tục đầu tư thay vì phải đợi tổng hợp hay bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn; tăng chủ động cho việc bố trí vốn thực hiện các nội dung cải tạo dự án đã đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, rà soát các quy trình quản lý hiện hành đảm bảo phân cấp mạnh hơn, toàn diện hơn, giao thẩm quyền đi đôi với cụ thể hóa trách nhiệm và kiểm tra, giám sát, không quy định giữ một vài khâu quản lý ở cấp trên đối với các nội dung đã phân cấp cho cấp dưới.

- Về tổ chức thực hiện, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ quy định tại Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Cùng với đó, thực hiện việc phân bổ chi tiết theo đúng quy định tại Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công.

Theo đó, rà soát kỹ, phân bổ vốn tập trung, không dàn trải, theo đúng thứ tự ưu tiên, đúng đối tượng cho các nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư, có khả năng giải ngân; Tập trung bố trí đủ kế hoạch vốn năm 2024 cho các dự án quan trọng quốc gia, đường bộ cao tốc, đường liên kết vùng, đường ven biển và các dự án trọng điểm, tránh phân bổ dàn trải, không phân bổ vốn cho các dự án không có khả năng giải ngân. Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024 của các bộ, cơ quan trung chưa phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án trước ngày 31/12/2024 sẽ được tổng hợp báo cáo cấp thẩm quyền phương án xử lý theo quy định tại Quyết định số 1603/QĐ-TTg ngày 11/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Các bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế - dự toán công trình, xác định các mốc thời gian hoàn tất các thủ tục lựa chọn nhà thầu, phê duyệt kết quả đấu thầu, đẩy nhanh tiến độ ký kết hợp đồng đối với các dự án, gói thầu mới thực hiện trong năm 2024. Ngay sau khi hợp đồng được ký kết, phối hợp ngay với nhà thầu để triển khai các thủ tục tạm ứng theo quy định để các nhà thầu có vốn chuẩn bị ngay các điều kiện cần thiết, vật tư, vật liệu phục vụ công tác thi công.

Đối với công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, cả hệ thống chính trị cần vào cuộc, chỉ đạo sát sao, giao nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị thực hiện. Chỉ đạo các chủ đầu tư, các Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng khẩn trương kiểm đếm, đền bù... để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, đặc biệt là giải thích rõ các quy định pháp luật về giá đất bồi thường và chính sách bồi thường, hỗ trợ để người dân cùng thực hiện; kịp thời báo cáo cụ thể các khó khăn vướng mắc cản trở làm chậm tiến độ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Không để xảy ra tình trạng chậm trễ hoặc thiếu vốn bố trí cho công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Các bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, đơn vị cung ứng vật tư, vật liệu giải quyết các khó khăn, vướng mắc về nguồn cung nhằm đảm bảo điều kiện thi công, đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói thầu. Trường hợp cần tăng mức tạm ứng vốn để đáp ứng nhu cầu cung ứng vật tư, vật liệu, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án báo cáo người quyết định đầu tư xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Cùng với đó, chỉ đạo, đánh giá thường xuyên tỷ lệ giải ngân của từng dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm, các dự án ODA, các dự án có kế hoạch vốn năm 2024 được bố trí lớn; nhận diện và kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện để có giải pháp xử lý kịp thời, trường hợp vượt thẩm quyền phải báo cáo đề xuất ngay đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý.

Hiện nay, cả nước có 75 dự án, dự án thành phần đường bộ cao tốc và 100 dự án giao thông kết nối liên vùng của các địa phương đang được triển khai với số vốn bố trí năm 2024 khoảng trên 100 ngàn tỷ đồng. Phần lớn các dự án đã hoàn thành việc phê duyệt dự án. Ngày 28/11/2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 106/2023/QH15 thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án giao thông liên vùng, qua nhiều tỉnh, thành phố. Vì vậy, ngay từ đầu năm, các bộ, địa phương cần triển khai quyết liệt các biện pháp hoàn thiện các thủ tục về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, các dự án đã lựa chọn được nhà thầu cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công để sớm có khối lượng thanh toán.

Đặc biệt, cần thống nhất việc kiên quyết điều chuyển số vốn của các dự án chậm giải ngân sang các dự án đã quyết toán, các dự án đã hoàn thành nhưng còn thiếu vốn, các dự có tiến độ giải ngân tốt. Các địa phương chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn điều chuyển từ các dự án trọng điểm, có tính kết nối liên vùng, đường ven biển phải bảo đảm hiệu quả, đúng quy định pháp luật. Công khai kết quả thực hiện của các đơn vị, gắn kết quả giải ngân của từng đơn vị với đánh giá kết quả công tác của cán bộ; kiểm điểm, phê bình đối với các trường hợp không hoàn thành kế hoạch. Đồng thời, khen thưởng, động viên kịp thời đối với các gương điển hình trong tháo gỡ vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm đến công tác tập huấn về chế độ, chính sách cho các ban quản lý dự án, các chủ đầu tư; định kỳ tổ chức hội nghị giao ban hoặc có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chủ đầu tư và phổ biến, quán triệt những chỉ đạo từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về công tác quản lý, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, đơn vị cung ứng vật tư, vật liệu để giải quyết các khó khăn, vướng mắc về nguồn cung nhằm đảm bảo điều kiện thi công, đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói thầu. Trường hợp cần tăng mức tạm ứng vốn để đáp ứng nhu cầu cung ứng vật tư, vật liệu, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án báo cáo người quyết định đầu tư để xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phối hợp với nhà thầu để hoàn thiện hồ sơ tạm ứng, thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi ngay sau khi đủ điều kiện tạm ứng vốn hoặc có khối lượng hoàn thành. Đối với các dự án ODA và vay ưu đãi nước ngoài, các đơn vị khẩn trương gửi hồ sơ rút vốn tới Bộ Tài chính để thực hiện giải ngân theo quy định đối với các khối lượng đã được kiểm soát chi, không để tồn đọng, đặc biệt là các khoản hoàn chứng từ tài khoản đặc biệt. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công, chủ động điều phối, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện dự án của các bên liên quan (tư vấn, nhà thầu) theo các nguồn vốn (vay, viện trợ đồng tài trợ, đối ứng), đảm bảo việc thực hiện thông suốt, kịp thời phát hiện các vướng mắc để xử lý hoặc báo cáo cơ quan chủ quản xử lý theo thẩm quyền, xin ý kiến “không phản đối” của Nhà tài trợ, đặc biệt là các tranh chấp hợp đồng (nếu có) để có khối lượng hoàn thành; chủ động báo cáo cơ quan chủ quản và Bộ, ngành liên quan về các vướng mắc phát sinh trong từng khâu thực hiện dự án để có biện pháp xử lý kịp thời; Tăng cường việc thanh toán theo hình thức trực tuyến trên Trang thông tin dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước nhằm tăng tính chủ động, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.

Phía cơ quan tài chính cũng sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp để đẩy nhanh vốn đầu tư công. Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ có văn bản gửi các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện ngay việc phân bổ chi tiết nguồn vốn cho từng dự án, nhập dự toán, chỉ rõ các nội dung cần đẩy nhanh tiến độ đối với từng đối tượng như dự án thu hồi ứng, dự án đã hoàn thành nhưng còn thiếu vốn, dự án dở dang… để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có cơ sở thực hiện. Bên cạnh đó, khẩn trương thực hiện kiểm tra phân bổ vốn ngay sau khi nhận được phương án phân bổ, điều chỉnh phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 của các bộ, cơ quan trung ương và phê duyệt dự toán cho các dự án đủ điều kiện để có vốn thực hiện và có văn bản gửi từng bộ, cơ quan trung ương đề nghị điều chỉnh lại phương án phân bổ đối với các dự án chưa đúng quy định.

Bộ Tài chính cũng sẽ chủ động thực hiện các giải pháp điều hành, đáp ứng đủ nhu cầu vốn kế hoạch năm theo tiến độ cho các dự án trong phạm vi dự toán đã được Quốc hội giao. Kho bạc Nhà nước đồng bộ triển khai dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách có thể giao dịch với Kho bạc Nhà nước 24/7 kể cả ngày nghỉ/ngày lễ, tại bất cứ địa điểm nào có kết nối internet. Đồng thời, thực hiện thanh toán trước kiểm soát sau theo quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP với thời gian kiểm soát chậm nhất trong 01 ngày làm việc, đối với các khoản chi thực hiện theo nguyên tắc kiểm soát trước, thanh toán sau, tuân thủ đúng thời gian quy định, chậm nhất trong 03 ngày làm việc, Kho bạc Nhà nước trả kết quả kiểm soát chi cho đơn vị.

Năm 2024, Bộ Tài chính đã xây dựng kế hoạch triển khai Hội nghị toàn quốc tại 2 miền Bắc Nam với thành phần là các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, đại diện các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước để quán triệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc giải ngân; cập nhật, phổ biến các cơ chế chính sách liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, thống nhất về nhận thức các quy định về cơ chế, chính sách trong điều hành kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, đồng thời sẽ ghi nhận các vướng mắc trong quá trình giải ngân các dự án để xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Tài chính trực tiếp làm Tổ trưởng, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư năm 2024 tại một số địa phương. Qua đó, trực tiếp tháo gỡ các vướng mắc trong thẩm quyền và đôn đốc tới các địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.

Hàng tháng, Bộ Tài chính sẽ kịp thời tổng hợp tình hình giải ngân vốn đầu tư công của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo Thủ tướng phục vụ công tác điều hành, trong đó ghi nhận, báo cáo rõ các khó khăn vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 1/2024