Tăng trưởng xanh ngành hàng lúa gạo


Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một vùng sản xuất lúa trọng điểm, quan trọng nhất có những đóng góp to lớn với ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Tại đây, lúa gạo không chỉ cung cấp, đảm bảo an ninh lương thực cho dân cư 13 tỉnh, thành ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ, mà còn cung cấp lượng gạo xuất khẩu hàng năm của nước ta, thu về cho đất nước hàng tỉ USD hàng năm.

Lúa gạo là thế mạnh của ĐBSCL, hàng năm cung ứng lượng lớn lúa gạo cho xuất khẩu. Ảnh: Thanh Trúc
Lúa gạo là thế mạnh của ĐBSCL, hàng năm cung ứng lượng lớn lúa gạo cho xuất khẩu. Ảnh: Thanh Trúc

Hướng mở mới

Mặc dù được biết đến là vựa lúa gạo của cả nước, nhưng chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL còn nhiều hạn chế trong nội tại và khách quan, đó là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, lực lượng lao động trực tiếp chủ yếu là người già, trẻ nhỏ; thiếu chuyên nghiệp, chuỗi giá trị chưa có hiệu quả cao, thương hiệu gạo Việt còn yếu, chuỗi quá dài và liên kết với nhau rất lỏng lẻo, quyền lợi các thành tố còn chưa phù hợp.

Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 được triển khai là một hướng mở phát triển mới cho ngành hàng lúa gạo ĐBSCL.

Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 là một thí điểm đầu tiên ở ĐBSCL, cũng như ở khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực sản xuất lúa. Đề án này sẽ có một số những chính sách thí điểm như về thị trường các-bon, sản xuất tuần hoàn, khai thác đa giá trị trong sản xuất lúa với các chính sách cơ chế về đầu tư hoặc tín dụng với mục tiêu thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lúa gạo.

Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết đã rà soát, củng cố, kiện toàn diện tích 180.000ha thuộc Dự án VnSAT và triển khai trong vụ Đông xuân năm 2023-2024 cũng như các vụ tiếp theo trong năm 2025. Tiếp tục rà soát các diện tích đủ tiêu chí để mở rộng để đạt 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL vào năm 2030.

Sản xuất xanh được ngành nông nghiệp Hậu Giang đẩy mạnh thực hiện. Ảnh: Thanh Trúc
Sản xuất xanh được ngành nông nghiệp Hậu Giang đẩy mạnh thực hiện. Ảnh: Thanh Trúc

Theo đó, áp dụng các gói kỹ thuật về canh tác lúa bền vững, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hoàn thiện các quy trình xử lý rơm rạ; xây dựng các mô hình trình diễn; tập huấn cho các hộ nông dân, hợp tác xã. Xây dựng hệ thống Đo đạc - Báo cáo - Thẩm định làm cơ sở cấp tín chỉ các-bon cho các diện tích đã áp dụng quy trình canh tác lúa phát thải thấp, hướng tới thị trường tín chỉ các-bon trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: Mục tiêu là hình thành 1 triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế. Đề án được triển khai tại 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với diện tích khoảng 1 triệu héc-ta là An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long.

Theo đó, giai đoạn 1 (2024-2025) tập trung vào củng cố các diện tích đã có của Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180.000ha. Giai đoạn 2 (2026-2030), xác định rõ vùng trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới ngoài và trong giai đoạn này sẽ tập trung vào các hoạt động chủ yếu là đầu tư cho những vùng diện tích mới trên cơ sở hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị...

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, tỉnh dự kiến tham gia Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao đến năm 2025 là 28.000ha; đến năm 2030 là 46.000ha. Đồng thời, thực hiện diện tích sản xuất lúa tham gia Đề án 1 triệu héc-ta lúa vụ Đông xuân 2023-2024 là 15.666ha, đáp ứng các mục tiêu theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, xây dựng mô hình điểm về chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh cấp tỉnh và cấp huyện làm cơ sở cấp tín chỉ các-bon cho các diện tích đã áp dụng quy trình canh tác lúa phát thải thấp, hướng đến thị trường các-bon trong và ngoài nước; các mô hình áp dụng triệt để quy trình 1 phải 5 giảm; ứng dụng một số biện pháp cải tạo đất; thu gom rơm rạ sau thu hoạch ra khỏi ruộng kết hợp trồng nấm rơm trong nhà nhằm tăng thu nhập, hạn chế đốt đồng, giảm khí thải CO2; cấp mã số vùng trồng cho diện tích thực hiện. Đầu tư nâng cấp hạ tầng thủy lợi nội đồng đảm bảo cung cấp nước tưới tiêu liên vùng sản xuất, chỉnh trang, xây dựng mới cầu, cống và hạ tầng khác phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa vùng chuyên canh; có chính sách hỗ trợ HTX đầu tư cơ giới hóa đồng bộ trong vùng chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp.

Tăng cường liên kết chuỗi giá trị

Ông Bạch Văn Sơn - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, cho rằng: Bên cạnh xây dựng kế hoạch đào tạo cho hộ nông dân, các HTX tham gia đề án, Hậu Giang còn nâng cao năng lực các HTX, tổ hợp tác trong vùng chuyên canh; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đào tạo nâng cao năng lực và hướng dẫn chuyển đổi số và công nghệ cao để nâng cao hiệu quả sản xuất, giám sát chất lượng, kiểm định khí phát thải, quản lý môi trường dịch bệnh, kết nối thị trường tiêu thụ.

Xây dựng thương hiệu gạo Hậu Giang và phát triển thị trường cho sản phẩm gạo chất lượng cao phát thải thấp. Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu gạo phát thải thấp từ lúa sản xuất tại các vùng chuyên canh. Xây dựng hạ tầng đồng bộ phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững gắn với phát triển thị trường các-bon trong và ngoài nước. Phát triển chuỗi sản phẩm từ rơm rạ để làm thức ăn chăn nuôi, trồng nấm rơm, sản xuất sản phẩm đồ gia dụng, làm phân bón hữu cơ phục vụ lại cho chính quá trình sản xuất trồng trọt. Khai thác và phát huy tối đa giá trị từ rơm từng bước khắc phục tình trạng đốt bỏ rơm rạ trên đồng vừa lãng phí, vừa gây tác động xấu cho môi trường.

Theo Cục Trồng trọt, các hộ trồng lúa, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia Đề án phải đăng ký và cam kết thực hiện; các doanh nghiệp tham gia Đề án ký kết hợp đồng liên kết với các hợp tác xã, hộ sản xuất. Thông qua Đề án từng bước hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm logistics gắn với vùng chuyên canh có sự tham gia của các hợp tác xã và doanh nghiệp. Tập huấn, chuyển giao cho hộ trồng lúa và hợp tác xã biện pháp canh tác bền vững, biện pháp xử lý rơm rạ, ứng phó với biến đổi khí hậu, kiến thức quản trị, kinh doanh, thị trường, chuyển đổi số.

Xây dựng chương trình khuyến nông riêng cho phát triển sản xuất lúa phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó ưu tiên nâng cao năng lực cho tổ chức khuyến nông cộng đồng. Nâng cấp các công trình thủy lợi hiện có và hoàn thiện hệ thống kênh mương kết hợp với giao thông nội đồng; rà soát mạng lưới kho, sấy, chế biến trong vùng chuyên canh lúa để tạo điều kiện mở rộng cho doanh nghiệp liên kết sản xuất  tiêu thụ. Hình thành các trung tâm logistics bảo đảm cung cấp tốt các dịch vụ kỹ thuật và bảo quản sau thu hoạch.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Đảng và Nhà nước ta xác định “là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế”. Trong đó, sản xuất lúa gạo là ngành sản xuất trọng điểm, không chỉ giúp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế của đất nước, cũng như thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc đảm bảo hệ thống lương thực, thực phẩm quốc tế.

Việt Nam là một trong số các nước sản xuất lúa gạo và xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Vị thế của ngành lúa gạo Việt Nam đang được củng cố và nâng cao hơn bao giờ hết, không chỉ từ những con số ấn tượng về sản lượng và giá trị xuất khẩu trong những năm gần đây, mà còn thể hiện ở những phản hồi tích cực của người tiêu dùng thế giới về gạo Việt.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, ban hành vào cuối tháng 11-2023, với mục tiêu hình thành được 1 triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

 

Đồng bằng sông Cửu Long luôn là một trong các vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam. Sản lượng lúa sản xuất tại vùng những năm gần đây luôn ổn định ở mức 24-25 triệu tấn, chiếm trên 50% sản lượng lúa sản xuất và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu hộ sản xuất nông nghiệp trong vùng.

Theo Thanh Trúc/ Báo Hậu Giang