Tác động của quảng cáo qua mạng xã hội đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng Long Xuyên, An Giang

Lưu Thị Thái Tâm - Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Nghiên cứu phân tích ảnh hưởng của quảng cáo qua mạng xã hội đến hành vi mua sắm của người dân tại TP. Long Xuyên, An Giang. Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ 397 người dân sống tại TP. Long Xuyên. Kết quả phân tích cho thấy, có 4 thành phần của quảng cáo qua mạng xã hội có ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng TP. Long Xuyên, An Giang. Dựa trên kết quả phân tích, một số hàm ý quản trị được tác giả đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả quảng cáo qua mạng xã hội cho các doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đặt vấn đề

Với ưu điểm có tính tương tác cao, mạng xã hội (MXH) không chỉ có khả năng kết nối mà còn là môi trường lý tưởng cho hoạt động quảng cáo và bán hàng. Trước đây, quảng cáo được giới hạn trên các phương tiện truyền thống, tuy nhiên, nhờ vào sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và nhiều người sử dụng MXH đã khiến cho quảng cáo qua MXH trở nên sôi động.

Lượng người dùng Internet trên thế giới lên tới hơn 90% và có đến trên 70% lượng người dùng Internet vào mạng để tìm kiếm thông tin. Việc giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19 càng cho thấy tầm quan trọng của thương mại điện tử đối với doanh nghiệp. Các hoạt động quảng cáo qua MXH trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Vì vậy, nghiên cứu “Phân tích tác động của quảng cáo qua MXH đến hanh vi mua sắm của người tiêu dùng tại TP. Long Xuyên” là cần thiết.

Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu

Khái niệm về hành vi tiêu dùng

Theo Philip Kotler (2000): “Hành vi tiêu dùng là những hành vi cụ thể của một cá nhân khi thực hiện các quyết định mua sắm, sử dụng và vứt bỏ sản phẩm hay dịch”. Hay nói cách khác, hành vi người tiêu dùng là tập hợp các hành vi, phản ứng, suy nghĩ của người tiêu dùng trong suốt quá trình mua hàng. Hành vi này bắt đầu từ khi người tiêu dùng có nhu cầu đến sau khi mua sản phẩm.

Khái niệm về quảng cáo và quảng cáo trực tuyến

Theo Luật Quảng cáo của Việt Nam (2012), “Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm/dịch vụ, hàng hóa có mục đích sinh lợi hoặc không có mục đích sinh lợi”. Quảng cáo trình bày một thông điệp mang tính thương mại theo những chuẩn mực nhất định, trong cùng một lúc đến một số lượng lớn người nhận thông điệp thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, có thể là tivi, báo chí, pano, hay các trang MXH.

Quảng cáo qua MXH (trực tuyến) cung cấp thông tin, đẩy nhanh tiến độ giao dịch giữa người mua và người bán, khách hàng có thể tương tác với quảng cáo, có thể nhấn vào quảng cáo để lấy thông tin cùng với mẫu mã sản phẩm và có thể mua từ các trang quảng cáo trực tuyến. Nó còn cho phép công bố thông tin và nội dung ngay lập tức mà không bị giới hạn bởi vị trí địa lý hay thời gian. Các hình thức quảng cáo trực tuyến gồm email, đa phương tiện, quảng cáo qua MXH (Nguyễn Duy Thanh và cộng sự, 2013). Quảng cáo qua MXH sử dụng hệ thống truyền thông xã hội để tiếp thị, quảng cáo, bán hàng trực tuyến.

Lý thuyết nền

Nhiều lý thuyết được dùng giải thích hành vi của người tiêu dùng nói chung và hành vi mua của người tiêu dùng nói riêng. Trong đó, lý thuyết hành vi hợp lý của Fishbein và Ajzen (1975) và lý thuyết hành vi có kế hoạch của Ajzen (1991) được sử dụng rộng rãi trong việc giải thích về ý định thực hiện hành vi của khách hàng.

Các nghiên cứu liên quan

Noor và cộng sự (2013) tiến hành một nghiên cứu phân tích thái độ của người tiêu dùng Malaysia đối với quảng cáo trên thiết bị di động, vai trò của sự chấp nhận và tác động của nó đối với ý định mua hàng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có mối quan hệ có ý nghĩa giữa thái độ của người tiêu dùng đối với quảng cáo qua di động, nhân tố chủ quan, nhận thức kiểm soát hành vi và ý định mua hàng. Ngô Mỹ Trân và Võ Ngọc Thanh (2017) thực hiện phân tích tác động của quảng cáo qua MXH đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng tại TP. Cần Thơ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các nhân tố quảng cáo qua MXH ảnh hưởng đến ý định mua sắm của người tiêu dùng tại TP. Cần Thơ gồm tính tương tác và tính giải trí, trong khi yếu tố sự phiền nhiễu có tác động ngược chiều với ý định mua sắm của người tiêu dùng. Nguyễn Thị Kim Vân và Quách Thị Khánh Ngọc (2013) thực hiện phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến thái độ và ý định mua hàng trực tuyến tại TP. Nha Trang với cỡ mẫu là 200 người. Kết quả phân tích cho thấy, có 3 nhân tố gồm sự hữu dụng, hệ thống thanh toán và sự tin tưởng ảnh hương đến ý định mua sắm của người tiêu dùng.

Mô hình nghiên cứu đề xuất

Mô hình nghiên cứu được đề xuất với các giả thuyết:

H1: Sự tiện lợi của quảng cáo qua MXH ảnh hưởng cùng chiều đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng.

H2: Sự tin tưởng của quảng cáo qua MXH ảnh hưởng cùng chiều hành vi mua sắm hành vi mua sắm của người tiêu dùng.

H3: Tính hấp dẫn của quảng cáo qua MXH ảnh hưởng cùng chiều đến hành vi mua sắm hành vi mua sắm của người tiêu dùng.

H4: Sự ưu đãi ảnh hưởng cùng chiều đến hành vi mua sắm hành vi mua sắm của người tiêu dùng.

H5: Rủi ro cảm nhận ảnh hưởng ngược chiều đến hành vi mua sắm hành vi mua sắm của người tiêu dùng.

Kết quả phân tích và thảo luận

Bảng 1: Kết quả phân tích hồi quy

Biến độc lập

Hệ số chưa chuẩn hóa

Hệ số chuẩn hóa

t

Sig.

Thống kê đa cộng tuyến

B

Độ lệch chuẩn

Beta

Đa cộng tuyến

VIF

(Hằng số)

0,129

0,112

 

1,857

0,048

   

Sự tiện lợi

0,242

0,083

0,214

4,482

0,013

0,456

1,191

Tin tưởng

0,065

0,014

0,059

2,103

0,036

0,653

1,532

Sự ưu đãi

0,311

0,076

0,397

9,709

0,006

0,461

1,170

Rủi ro cảm nhận

-0,069

0,081

-0,077

1,298

0,047

0,794

1,259

Giá trị R2 điều chỉnh

0,611

           

Nguồn: Nghiên cứu của tác giả

Các biến sự tiện lợi, tin tưởng, ưu đãi và rủi ro cảm nhận có hệ số Sig. < 0,05 nên đều có ý nghĩa trong mô hình. Cụ thể:

Hành vi mua sắm = 0,397 * Sự ưu đãi + 0,214* Sự tiện lợi + 0,059 * Sự tin tưởng-0,077 * Rủi ro cảm nhận

Sự tiện lợi ảnh hưởng cùng chiều đến hành vi mua sắm. Kết quả này thống nhất với các nghiên cứu như Yaras và cộng sự (2017), Nguyễn Thị Hồng Hạnh và cộng sự (2019). Sự tiện lợi giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc.

Sự tin tưởng ảnh hưởng cùng chiều đến hành vi mua sắm. Kết quả này thống nhất với các nghiên cứu trước như Yaras và cộng sự (2017) và Usman và Kumar (2020). Niềm tin là yếu tố quan trọng trong các mối quan hệ trao đổi, đặc biệt kinh doanh trực tuyến, khi mà người mua không thể tiếp xúc trực tiếp với người bán.

Sự ưu đãi ảnh hưởng cùng chiều đến hành vi mua sắm. Kết quả này có sự thống nhất với các nghiên cứu trước như Yaras và cộng sự (2017), Nguyễn Thị Hồng Hạnh và cộng sự (2019). Các sản phẩm được cung cấp từ quảng cáo trực tuyến thường đa dạng về chủng loại, mức giá phù hợp với chất lượng, nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn.

Rủi ro cảm nhận ảnh hưởng ngược chiều đến hành vi mua sắm. Kết quả này có sự phù hợp với các nghiên cứu trước như Ngô Mỹ Trân và Mai Võ Ngọc Thanh (2017) và Nguyễn Đỗ Mai Trang (2019). Điều này cho thấy, mua hàng thông qua quảng cáo qua MXH còn có rủi ro tiềm tàng như tâm lý lo lắng về chất lượng, giá cả, phương thức thanh toán, chi phí vận chuyển, độ bảo mật thông tin cá nhân. Do khách hàng không thể trực tiếp đánh giá sản phẩm nên thường tiềm ẩn rủi ro không giống với sản phẩm thật. Trong một số trường hợp phát sinh tranh chấp, khách hàng không thể liên hệ được với người bán.

Hàm ý quản trị

Các doanh nghiệp quảng cáo và bán hàng trực tuyến cần tăng thêm sự ưu đãi cho khách hàng khi mua sắm như tặng mã giảm giá, chính sách tích lũy điểm, miễn phí vận chuyển, giảm giá theo mùa hoặc dịp Lễ hội, giảm giá dựa trên số lượng hoặc giá trị đơn hàng. Các sàn thương mại điện tử nên đa dạng hóa các sản phẩm từ nhiều thương hiệu, ngành hàng, nhãn hiệu khác nhau với mức giá phù hợp nhằm cung cấp sự lựa chọn phong phú cho khách hàng.

Một trong những lý do khiến nhiều người ngại ra ngoài mua sắm đó là sợ gặp phải cảnh tắc đường, khói bụi, nắng nóng, trộm cướp hay phải chen lấn và xếp hàng giờ cao điểm. Do vậy, các doanh nghiệp cần chú trọng tăng sự tiện lợi trong mua sắm thông qua quảng cáo MXH như dễ dàng xem sản phẩm, thoải mái lựa chọn, tiết kiệm và chủ động về thời gian, so sánh giá cả dễ dàng, an toàn trong mọi tình huống. các sàn thương mai điện tử cần hoàn thiện và làm phong phú nội dung website quảng cáo. Đầu tiên là đa dạng nhiều ngôn ngữ quảng cáo trên websites. Tiếp đó, hoàn thiện phần chăm sóc khách hàng và tích hợp hệ thống thanh toán trực tuyến trên website.

Khách hàng mua sắm thông qua quảng cáo trên MXH phải chịu một số rủi ro nhất định về hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng vì không được trực tiếp xem sản phẩm. Do đó các doanh nghiệp cố gắng dầy dựng lòng tin của khách hàng sẽ là chìa khoá thành công. Song song với đó, doanh nghiệp cần xây dựng chức năng bình luận, phản hồi công khai dành cho khách hàng đã mua sản phẩm nhằm tạo thêm sự an tâm về chất lượng sản phẩm.

Khi nội dung quảng cáo qua MXH bị khách hàng đánh giá phiền nhiễu, mang lại cảm giác khó chịu thì khách hàng sẽ giảm mức độ mua sắm từ quảng cáo qua MXH do vậy doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư về hình thức lẫn nội dung, về chất lượng âm thanh, hình ảnh sinh động, người đại diện quảng cáo. Bên cạnh đó, điều chỉnh thời gian và kiểm soát việc xuất hiện quảng cáo trên MXH bởi có thể khách hàng không thích và cảm thấy bị làm phiền. Song song đó, doanh nghiệp nên phân loại quảng cáo nhắm vào đúng nhóm đối tượng mục tiêu để gia tăng hiệu quả quảng cáo, tránh được việc làm phiền những người dùng không thuộc nhóm đối tượng này, họ không có nhu cầu nên sẽ xem là quảng cáo rác.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Duy Thanh, Trần Đình Nghĩa & Phạm Mạnh Cường (2013), Đề xuất mô hình chấp nhận quảng cáo trực tuyến trên MXH ở Việt Nam, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, 18, Q3, 5-18;
  2. Ngô Mỹ Trân, & Mai Võ Ngọc Thanh (2017), Phân tích tác động của quảng cáo qua MXH đến ý định mua sắm của người tiêu dùng tại TP. Cần Thơ. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 48, D, 66-76;
  3. Nguyễn Thị Kim Vân và Quách Thị Khánh Ngọc (2013), Các nhân tố ảnh hưởng đến thái độ và ý định mua hàng trực tuyến tại Thành phố Nha Trang. Tạp chí Khoa học - Công nghệ Thủy sản Số 2/2013;
  4. Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Dương Minh Hùng, Vũ Duy Phương Trinh, Cao Trương Tường Vy, La Thị Như Ý (2019), Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng ứng dụng di động để mua sắm trực tuyến tại TP. Hồ Chí Minh, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ – Kinh tế-Luật và Quản lý, 3(4):390-401;
  5. Nguyễn Đỗ Mai Trang (2019), Phân tích các yếu tố của quảng cáo trên MXH Facebook ảnh hưởng đến ý định mua sắm của người dùng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, (Luận văn Thạc sĩ không xuất bản), Trường Đại học Ngoại Thương, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
  6. Nguyễn Lê Phương Thanh (2013), Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định mua sắm trực tuyến của khách hàng tại Việt Nam;
  7. Noor, M.N.M., Sreenivasan, J., & Ismail, H. (2013). Malaysia Consumers
  8. Attitude towards Mobile Advertising, the Role of Permission and Its Impact on Purchase Intention: A Structural Equation Modeling Approach. Asian Social Science, 5, 135-153;
  9. Kotler, P. (2000) Marketing Management: The Millennium Edition. Person Prentice Hall, Upper Saddle River.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2023