Ổn định thị trường vàng tránh “chảy máu ngoại tệ”

Bảo Ngọc

Giá vàng trong nước và thế giới vênh quá lớn khiến dẫn đến nạn nhập lậu vàng, gây ra hậu quả thất thu ngân sách và “chảy máu ngoại tệ”.

Theo ông Michael Kokalari - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường, Tập đoàn VinaCapital, Việt Nam đã hạn chế nhập khẩu vàng trong hơn một thập kỷ, dẫn đến giá vàng miếng độc quyền của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) thuộc sở hữu nhà nước phát hành luôn giao dịch ở mức cao hơn đáng kể so với giá vàng thế giới.

Giá vàng thế giới đã tăng gần 16% so với đầu năm. Nguồn: VinaCapital.
Giá vàng thế giới đã tăng gần 16% so với đầu năm. Nguồn: VinaCapital.

Giá vàng thế giới đã tăng tới 16% trong những tháng đầu năm 2024 và tăng 30% kể từ cuối năm 2022, điều này cũng đang gây áp lực lên tỷ giá USD-VND do nhà đầu tư Việt Nam đẩy mạnh việc mua vàng, từ đó dẫn đến việc tăng lượng mua USD.

Giá vàng tăng cao ở Việt Nam là nguyên nhân gây ra việc nhập lậu vàng qua đường biên giới của Việt Nam với Campuchia. Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ buôn lậu vàng qua biên giới, đặc biệt là đấu tranh triệt phá nhiều đường dây buôn lậu vàng với quy mô rất lớn, thu giữ hàng chục tấn vàng và nhiều tài sản, tiền USD.

Gần đây nhất, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 24 bị can trong đường dây buôn lậu 6.150kg vàng 9999, có tổng tổng giá trị hơn 8.400 tỷ đồng, từ Campuchia về Việt Nam.

Tình trạng xuất, nhập lậu vàng qua biên giới để thu lợi, ảnh hưởng lớn đến tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá chính thức, từ đó ảnh hưởng bất lợi tới việc điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, cũng như ổn định kinh tế vĩ mô; gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.

Trong tháng 4/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mở phiên bán đấu giá vàng và cho tín hiệu rằng có thể tiếp tục chính thức nhập khẩu vàng vào Việt Nam lần đầu tiên sau 11 năm. Những thông báo này, cùng với một số biện pháp khác, ít tác động hơn, đã giúp giảm chênh lệch giá vàng SJC trở lại mức khoảng 15% (tuy vẫn còn khá cao, so với mức trước đây).

“Chúng tôi thấu hiểu trước tình thế hiện tại của NHNN. Lượng vàng cần nhập khẩu để giảm mức chênh lệch giá vàng Việt Nam cũng sẽ tác động đáng kể đến dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, khi giá vàng ở Việt Nam cao hơn đáng kể so với giá vàng thế giới, việc nhập lậu vàng sẽ diễn ra và gián tiếp rút USD ra khỏi nền kinh tế Việt Nam”, ông Michael Kokalari khẳng định.