Nâng cao tính chủ động, trách nhiệm xử lý dứt điểm các vướng mắc giúp địa phương phát triển

Gia Hân

Sáng 19/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà về thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn theo Quyết định số 435/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì Hội nghị trực tuyến. Ảnh: Gia Hân
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì Hội nghị trực tuyến. Ảnh: Gia Hân

Tìm mọi giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tăng sức sống cho doanh nghiệp

Phát biểu mở đầu Hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, 2023 là năm rất khó khăn, đến nay những khó khăn, thách thức vẫn còn hiện hữu. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,72%, quý III đạt hơn 5%, trong khi đó, tăng trưởng bình quân cả năm đặt ra mục tiêu từ 6-6,5%. Trong 12 năm qua, 2023 là năm tăng trưởng thấp (trừ năm 2021 do tác động của đại dịch COVID-19).

Bộ trưởng nêu, thu ngân sách nhà nước đến nay mới đạt được 75% dự toán, về nhịp độ càng ngày càng giảm, cho thấy sức sản xuất ngày một thấp dần. Trong đó, tháng 8, 9 thu ngân sách chỉ bằng 60% của 9 tháng cộng lại chia bình quân, điều này để thấy rằng có rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, đến hết tháng 9/2023 thì 52 tỉnh thu ngân sách giảm so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, hiện nay, khó khăn thể hiện ở tổng cầu, từ đầu tư tư nhân cho đến tiêu dùng xã hội, đầu tư công, xuất nhập khẩu. Đầu tư công đến nay mới giải ngân được 51% số vốn Chính phủ giao; thị trường bất động sản là động lực để phát triển thì hiện nay thu từ tiền sử dụng đất suy giảm 48% so với cùng kỳ năm trước, so với dự toán năm nay mới thu được hơn 50%. Trong khi dự toán thu ngân sách năm 2024 sẽ tăng 5% so với năm 2023, chưa kể số giảm thu từ giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu.

“Điều đó có nghĩa, dự toán thu ngân sách năm 2024 đặt ra là khoảng 1,7 triệu tỷ đồng là mục tiêu rất khó khăn trong điều kiện tinh tế suy giảm hiện nay. Vì vậy, cần tìm mọi giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tăng sức sống cho các doanh nghiệp”, Bộ trưởng nêu rõ.

Bộ trưởng lưu ý, thu ngân sách từ hai khu vực trọng điểm được coi là động lực tăng trưởng, bao gồm: doanh nghiệp FDI và khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh đều suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái… Trên cơ sở những khó khăn chung nêu trên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị các địa phương nhận định và chỉ rõ hơn các vướng mắc thực tế, qua đó kiến nghị các giải pháp tháo gỡ.

Nhìn rõ những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ

Tại điểm cầu tỉnh Khánh Hoà, ông Lê Hữu Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà cho biết, trong 9 tháng năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn Tỉnh tăng 9,17% so với cùng kỳ năm 2022, xếp vị thứ 5/63 của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. 

Về kết quả giải ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà cho biết, đến hết tháng 9, kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, giải ngân thực tế đạt 54,9% dự toán; so với kế hoạch vốn được UBND tỉnh Khánh Hòa giao đạt 61,2% dự toán. Thu ngân sách đạt 11.661,9 tỷ đồng, đạt 75,5% dự toán và bằng 95,3% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, ông Lê Hữu Hoàng cho hay, nhằm phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đề ra cho năm 2023, Tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề, trực tiếp lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển địa phương. Song song với đó, Khánh Hòa sẽ tiếp tục chủ động theo dõi, nắm tình hình để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho giải ngân vốn đầu tư công…

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Gia Hân
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Gia Hân

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hồ Thị Nguyên Thảo cho biết, trong 9 tháng, tuy gặp nhiều khó khăn chung nhưng tỉnh Phú Yên đã rất nỗ lực, cố gắng triển khai các nhiệm vụ đề ra, nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn Tỉnh cơ bản ổn định. Ước tăng trưởng 9 tháng năm 2023 đạt khoảng 8,8%, còn những tháng cuối năm, do vào thời điểm mùa mưa bão nên dự kiến cả năm, Phú Yên đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8%.

Về thu ngân sách, bà Hồ Thị Nguyên Thảo cho biết, năm 2023, tình hình thu ngân sách rất khó khăn, đến nay, Tỉnh mới thu được khoảng 55% dự toán Trung ương giao, khoảng 35% dự toán địa phương, các khoản thu trong cân đối cơ bản đạt được. Cụ thể hơn về những khó khăn trong thu ngân sách, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, khó nhất là thu từ bán quyền sử dụng đất, chiếm khoảng 60% trong cơ cấu thu của Tỉnh.

Theo bà Hồ Thị Nguyên Thảo, về giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đến nay, Phú yên giải ngân được khoảng 31% kế hoạch vốn Trung ương giao, đối với Tỉnh thì thấp hơn do nguồn thu của Tỉnh để bố trí cho đầu tư công chủ yếu là từ quyền sử dụng đất nên mới chỉ đạt 24,6%.

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên cho hay, lĩnh vực xây dựng có khởi sắc do thực hiện được dự án đường cao tốc đi qua tỉnh Phú Yên. Đối với dự án này, Tỉnh đã có nỗ lực rất lớn, hiện đã giải phóng mặt bằng và giao các đơn vị thi công khoảng 96%, đồng thời, bám tiến độ thi công để tập trung triển khai thực hiện.

Bà Hồ Thị Nguyên Thảo chia sẻ, thời gian qua, Tổ công tác do Bộ trưởng Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng đã rất quan tâm đến ý kiến kiến nghị của các địa phương. Tổ đã tổng hợp chi tiết các nội dung của địa phương gửi các bộ, ngành trung ương cùng tháo gỡ, xử lý. Cùng với đó, tỉnh Phú Yên cũng đã chủ động làm việc trực tiếp với các bộ, ngành nên một số vướng mắc đã được hướng dẫn giải quyết.

Tại Hội nghị này, Lãnh đạo tỉnh Phú Yên kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc sớm sửa đổi bổ sung các văn bản luật liên quan đến xác định giá đất nhằm đảm bảo sự đồng bộ giữa các luật liên quan, qua đó giúp giải quyết các khó khăn trong triển khai các dự án.

Ở điểm cầu tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Tự Công Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay, thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương, sự vào cuộc của các đơn vị trong Tỉnh, tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng trên địa bàn Tỉnh 9 tháng năm 2023 ghi nhận một số kết quả khả quan. Tốc độ tăng trưởng đạt 6,92%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng từ nay đến cuối năm đạt khoảng 7,2% , đạt chỉ tiêu đề ra của Tỉnh.

Về thu ngân sách đạt 61,6% dự toán, Phó Chủ tịch Nguyễn Tự Công Hoàng cho hay, khó khăn của tỉnh Bình Định nằm ở thu tiền sử dụng đất, đạt thấp, do đó Tỉnh đang rất quyết liệt trong chỉ đạo điều hành để thu khoản này đảm bảo cho chi xây dựng cơ bản. Đến nay, giải ngân vốn đầu tư công đạt 81,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội nghị liên quan đến những vướng mắc của địa phương. Ảnh: Gia Hân
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội nghị liên quan đến những vướng mắc của địa phương. Ảnh: Gia Hân

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Định, khó khăn, vướng mắc của địa phương liên quan đến một số vấn đề như dự án nhà ở xã hội, chính sách tín dụng… Thời gian tới, Tỉnh sẽ nhanh chóng hoàn thiện trình Chính phủ phê duyệt đề án quy hoạch Tỉnh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh; tăng cường đôn đốc các dự án lớn để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào tăng thu ngân sách những tháng cuối năm…

Tỉnh Bình Định kiến nghị Chính phủ quan tâm phân cấp, phân quyền cho địa phương thực hiện các dự án có sử dụng đất trồng lúa từ 10 héc ta đất trồng lúa trở lên, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng từ 20 héc ta trở lên vào các mục đích khác theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai năm 2013.  

Bình Định kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét việc đơn giản hoá các thủ tục liên quan đến việc cho vay của các ngân hàng thương mại tham gia Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ và thủ tục liên quan đến hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ…

Tháo gỡ khó khăn cho địa phương vì sự phát triển của Đất nước

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị, Tổ thư ký sẽ tổng hợp ý kiến, phân loại ý kiến và lập báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/10 để Chính phủ chỉ đạo giải quyết chung.

Liên quan đến việc giải quyết những vướng mắc, khó khăn, kiến nghị của địa phương, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành giải quyết những nội dung thuộc thẩm quyền các bộ, những việc thuộc thẩm quyền của các bộ nhưng có liên quan các bộ khác thì các bộ cần chủ động làm việc để giải quyết một cách hợp lý nhất.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Bộ Tài chính. Ảnh: Gia Hân
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Bộ Tài chính. Ảnh: Gia Hân

“Chúng ta cần xác định đây là việc chung, vì sự phát triển của Đất nước, vì uy tín của Chính phủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đề nghị các bộ, ngành nâng cao tính chủ động, trách nhiệm để giải quyết dứt điểm, giúp địa phương phát triển”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng lưu ý, những gì vướng luật thì báo cáo Quốc hội, những gì không vướng luật, thuộc thẩm quyền của Chính phủ, nằm trong nghị định, thông tư và vướng mắc tại nghị định, thông tư thì cần chủ động trình Chính phủ để kịp thời sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ.