Kiên quyết tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

Minh Hà

Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023 ngày 9/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần kiên quyết không lùi bước trước khó khăn; kiên quyết tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế tốt hơn, nâng cao đời sống người dân.

Ngày 9/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023.

Nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp

Đánh giá kết quả đạt được trong tháng 8 và 8 tháng năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, kết quả quan trọng nhất mà chúng ta đạt được là kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cần kiên quyết, kiên trì, quyết tâm thực hiện mục tiêu tổng quát đã đề ra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cần kiên quyết, kiên trì, quyết tâm thực hiện mục tiêu tổng quát đã đề ra.

Các cân đối lớn, an sinh xã hội, đời sống nhân dân được bảo đảm; chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.

Nêu rõ nguyên nhân đạt được những kết quả trên, Thủ tướng cho rằng, đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó là sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế; sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Tuy nhiên, nêu những hạn chế, yếu kém do nguyên nhân khách quan, Thủ tướng chỉ rõ là do tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường và những vấn đề tồn đọng nội tại kéo dài nhiều năm. Trong khi nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, có độ mở lớn, quy mô khiêm tốn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh hạn chế.

Về nguyên nhân chủ quan, Thủ tướng cho rằng, là do việc tổ chức thực hiện của một số bộ, ngành, địa phương còn thiếu chủ động, quyết liệt, phối hợp chưa chặt chẽ, hiệu quả; còn một bộ phận cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh; thủ tục hành chính còn rườm rà; giải quyết khó khăn, vướng mắc chưa thật sự rốt ráo, kịp thời, hiệu quả.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Thủ tướng nêu một số bài học kinh nghiệm: Bám sát và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ; Nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, địa phương; đề cao trách nhiệm người đứng đầu gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Một bài học kinh nghiệm khác là các cấp có thẩm quyền cần cầu thị, lắng nghe ý người dân, doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Kiên trì, quyết tâm thực hiện mục tiêu đã đề ra

Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2023 và thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần kiên quyết, kiên trì, quyết tâm thực hiện mục tiêu tổng quát đã đề ra.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương tập trung thúc đẩy có trọng tâm, trọng điểm 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); trong đó tiếp tục củng cố, phát huy lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, vực dậy lĩnh vực công nghiệp, tập trung cho lĩnh vực chế biến, chế tạo, tháo gỡ khó khăn thị trường, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng...

Trong điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa, Thủ tướng nêu rõ, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung tháo gỡ nút thắt vốn tín dụng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung tháo gỡ nút thắt vốn tín dụng.

Về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06, Thủ tướng yêu cầu, tập trung rà soát quy định pháp luật, cơ chế, chính sách, kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc để chủ động sửa đổi, hoàn thiện hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền theo quy định.

Tập trung chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số; nâng cao hiệu quả các dịch vụ công quốc gia.

Kiên quyết cắt bỏ và tuyệt đối không ban hành thêm các thủ tục hành chính không cần thiết, làm tăng chí phí, thời gian thực hiện của người dân, doanh nghiệp…

Ngân hàng và doanh nghiệp cần chia sẻ và thấu hiểu

Bên cạnh cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung tháo gỡ nút thắt vốn tín dụng; khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định, điều kiện, thủ tục cho vay, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp vào các lĩnh vực ưu tiên.

“Ngân hàng và doanh nghiệp cần chia sẻ và thấu hiểu, đặt mình vào địa vị người khác, "trong tôi có anh, trong anh có tôi" để xử lý công việc; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư để cho vay tín chấp với giá trị phù hợp, góp phần giảm tín dụng đen. Tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Về triển khai các gói tín dụng, Thủ tướng nêu rõ, cần tập trung thực hiện hiệu quả các gói tín dụng chính sách (trong đó có 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, 15.000 tỷ đồng cho ngành hàng đồ gỗ, thuỷ sản…).

Đẩy mạnh xử lý các ngân hàng yếu kém, mua bắt buộc theo chủ trương được cấp có thẩm quyền đồng ý, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2023.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Tài chính, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính cần thực hiện hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí; chủ động nghiên cứu, kịp thời đề xuất các giải pháp phù hợp để hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh thời gian tới. Tiếp tục đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng; sớm hoàn thiện dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2022. Tiếp tục tăng cường kỷ luật tài chính- ngân sách nhà nước, quản lý chặt chẽ các khoản thu và triệt để tiết kiệm chi, cắt giảm các khoản chi không cần thiết.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng đề nghị Bộ này cần khẩn trương đôn đốc, hướng dẫn đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân, thu hút vốn FDI và các dự án đối tác công - tư (PPP). Khẩn trương thẩm định các quy hoạch, các dự án cao tốc theo phương thức PPP (Nam Định-Thái Bình; Gia Nghĩa-Chơn Thành).

Bộ Công Thương xử lý các vấn đề liên quan năng lượng tái tạo một cách kịp thời, hiệu quả; thúc đẩy phát triển công nghiệp.

Bộ Xây dựng tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của thị trường, các dự án bất động sản.

Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo triển khai các công trình, dự án giao thông chiến lược, có tính liên vùng, nhất là Sân bay Long Thành và các dự án cao tốc…