Gỡ bài toán về điện để thu hút FDI


Hai tháng đầu năm nay tiếp tục ghi nhận sự bứt tốc trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với mức tăng 38,6% so với cùng kỳ 2023. Để duy trì đà tăng này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) Nguyễn Văn Toàn cho rằng, cùng với vấn đề thể chế, nhân lực, cần giải quyết bài toán về điện, đặc biệt với ngành công nghiệp bán dẫn.

Việt Nam được đánh giá có nhiều triển vọng để phát triển công nghiệp bán dẫn. Ảnh minh họa: Vneconomy
Việt Nam được đánh giá có nhiều triển vọng để phát triển công nghiệp bán dẫn. Ảnh minh họa: Vneconomy

Thu hút FDI tiếp tục khởi sắc

Hai tuần trước, tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái, tỉnh Thái Bình, dự án xây dựng Nhà máy Good Way Việt Nam (Đài Loan) được khởi công với tổng vốn đầu tư 45 triệu USD. Mặc dù số vốn chưa phải là lớn, song với mục tiêu chuyên sản xuất các sản phẩm thiết bị kết nối, thiết bị ngoại vi của máy tính, dự án được đánh giá là một khởi đầu thuận lợi cho Thái Bình - “ngôi sao đang lên” trong thu hút FDI khi năm 2023, tỉnh này lọt nhóm 5 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước với gần 3 tỷ USD.

Cũng trong thời gian này, Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh trao giấy chứng nhận đầu tư cho hai dự án FDI với tổng mức đầu tư trên 330 triệu USD, gồm dự án tấm silic đơn tinh thể và thanh silic đơn tinh thể quang điện Gokin Solar Hải Hà Việt Nam và dự án sản xuất vòng bi, thiết bị chuyển động tuyến tính tại Khu công nghiệp Sông Khoai (Amata). Hai dự án này thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, công nghệ cao, qua đó đóng góp tích cực vào kết quả thu hút FDI của địa phương. Dự kiến, trong quý I này, Quảng Ninh sẽ thu hút khoảng 1 tỷ USD vốn FDI, hoàn thành 1/3 chặng đường của mục tiêu thu hút ít nhất 3 tỷ USD trong năm nay.

Câu chuyện của Thái Bình hay Quảng Ninh phần nào phác họa bức tranh lạc quan về triển vọng thu hút FDI của cả nước những tháng đầu năm 2024. Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến 20/2, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023; vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Trong đó, đáng chú ý, có 405 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tăng 55,2% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt gần 3,6 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ. Những con số này đã chứng tỏ sức hút của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Phó Chủ tịch VAFIE Nguyễn Văn Toàn cho rằng, có được kết quả này là nhờ chính trị và vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế là điểm sáng với mức 5,05% trong năm 2023 và dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong năm nay. Cùng với đó, môi trường đầu tư luôn được cải thiện, hấp dẫn với nhiều ưu thế vượt trội. Quan hệ ngoại giao có những kết quả nổi bật khi Việt Nam đã nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, Nhật Bản, qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa tới dòng vốn FDI, nhất là dòng vốn từ Hoa Kỳ, châu Âu vào Việt Nam.

Đặc biệt, công nghiệp bán dẫn đang nổi lên là ngành công nghệ cao và kỳ vọng Việt Nam sẽ hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi giá trị của ngành này. Chính phủ cũng đã thể hiện quyết tâm phát triển ngành công nghiệp này với việc xây dựng Chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn cùng đề án đào tạo 50.000 nhân lực đến năm 2030. Nhiều tập đoàn lớn về bán dẫn đang hiện diện ở Việt Nam hoặc đang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam như Intel, Qualcom, Nvidia... “Rõ ràng, cơ hội thu hút FDI trong năm 2024 đang mở ra như thời điểm 2008 khi Việt Nam vừa tham gia WTO. Song, nếu như 2008 chủ yếu thu hút về số lượng thì giờ chuyển sang nâng cao về chất lượng, với công nghệ lõi, công nghệ chip, công nghệ của tương lai, tức thu hút FDI công nghệ cao”, ông Nguyễn Văn Toàn nhấn mạnh.

Tập trung 3 đột phá để thu hút dự án lớn

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam quan tâm tới 3 lĩnh vực về hạ tầng - đất đai, nhân lực và thể chế. Do đó, để tạo đột phá trong thu hút FDI, cần tập trung cho ba lĩnh vực này.

Cụ thể, về hạ tầng - đất đai, các dự án lớn có nhu cầu về đất đai rất lớn và đặt ra yêu cầu về hạ tầng rất cao. Vì vậy, cần tập trung tiếp tục hoàn thiện, đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng quy mô lớn như đã đặt ra, đặc biệt là triển khai ngay những văn bản hướng dẫn để thực hiện sớm Luật Đất đai khi có hiệu lực.

Về nhân lực, để thu hút các dự án FDI công nghệ cao như bán dẫn, nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng. Hiện, chúng ta có lợi thế nhân lực dồi dào, vẫn trong thời kỳ dân số vàng. Song, điều cần tập trung là nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động. Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang gấp rút hoàn thiện đề án đào tạo 50.000 nhân lực cho chip bán dẫn để trình Thủ tướng nhằm sớm đào tạo nguồn nhân lực này.

Về thể chế, thời gian qua, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua rất nhiều chính sách đột phá mới và có tác động tích cực đến tăng trưởng, thu hút đầu tư như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu và các luật khác. Bên cạnh đó, các quy định về xuất nhập cảnh hay các thủ tục, nội quy visa cũng tác động rất tốt đến tâm lý của nhà đầu tư khi đến Việt Nam. Ông Trần Quốc Phương chỉ rõ, điều quan trọng hơn là cần nghiên cứu những chính sách mang tính khích lệ, động viên cũng như tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư có quy mô lớn, đủ mức độ hấp dẫn và tối ưu để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong đó, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách về thủ tục hành chính thông qua triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 một cách mạnh mẽ hơn.

Đồng tình với các giải pháp đột phá cần tập trung ở trên, theo ông Nguyễn Văn Toàn, để thu hút FDI cho ngành công nghệ cao như bán dẫn, cùng với bài toán thể chế, nhân lực, cần quan tâm tới phát triển năng lượng bởi mỗi nhà máy bán dẫn cần khoảng 100MW điện.

Song song với đó, cần chú trọng tạo hệ sinh thái cho ngành công nghiệp bán dẫn, xây dựng hạ tầng xã hội để bảo đảm cho cán bộ, kỹ sư Việt Nam cũng như chuyên gia, lao động nước ngoài yên tâm làm việc. Việc khai thác đất hiếm cũng cần tính đến để triển khai sớm, qua đó tạo sản phẩm đầu vào cho sản xuất chip bán dẫn.

“Việc tiếp cận công nghiệp bán dẫn phải có lộ trình và cần được đẩy sớm, đẩy nhanh thực hiện. Nếu thiếu quyết liệt, thiếu đồng bộ sẽ vụt mất cơ hội thu hút FDI chất lượng cao”,  Phó Chủ tịch VAFIE lưu ý.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn