"Giữ chân" khối ngoại để thị trường chứng khoán ổn định bền vững


Thanh khoản từ vốn ngoại vừa có tác dụng thúc đẩy khối lượng giao dịch và thanh khoản toàn thị trường chứng khoán, song cũng tiềm ẩn những rủi ro, trong đó có tính dễ đảo chiều của dòng vốn. Do đó, việc giữ "chân" được dòng vốn này lâu dài đang là bài toán khó hiện nay.

2023 là năm bán ròng mạnh thứ hai của khối ngoại, chỉ sau năm 2021.
2023 là năm bán ròng mạnh thứ hai của khối ngoại, chỉ sau năm 2021.

Năm 2023, hoạt động bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trở thành tâm điểm thị trường. Khối ngoại đã mua vào trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM 11,2 tỷ đơn vị cổ phiếu, trị giá gần 330 nghìn tỷ đồng và bán ra 11,9 tỷ đơn vị cổ phiếu, trị giá hơn 352 nghìn tỷ đồng. Tổng cộng, khối ngoại đã bán ròng gần 700 triệu đơn vị cổ phiếu, tương đương giá trị bán ròng gần 22,6 nghìn tỷ đồng (riêng sàn HoSE là hơn 24 nghìn tỷ đồng).

Giao dịch “chập chờn”

Như vậy, năm qua, khối ngoại đã rút ròng giá trị gần bằng giá trị rót ròng trong năm 2022 (hơn 26,7 nghìn tỷ đồng). 2023 là năm bán ròng mạnh thứ hai của khối ngoại, chỉ sau năm 2021 (hơn 57 nghìn tỷ đồng).

Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng liên tiếp trong 9 tháng, từ tháng 4/2023 tới tháng 12/2023. Trong đó, lực bán ròng mạnh nhất ở tháng cuối năm với giá trị bán ròng hơn 360 triệu USD.

Nhìn chung, dòng vốn ngoại tìm tới thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam với kỳ vọng về tỷ suất lợi tức cao, cùng một mức độ rủi ro nhất định. Vì vậy, vốn ngoại thường có tính thanh khoản cao do các nhà đầu tư luôn có xu hướng thay đổi chứng khoán hoặc tài sản nắm giữ. Thanh khoản từ vốn ngoại vừa có tác dụng thúc đẩy khối lượng giao dịch và thanh khoản toàn thị trường, song cũng tiềm ẩn những rủi ro, trong đó có tính dễ đảo chiều của dòng vốn.

Thực tế, vốn ngoại không chiếm tỷ trọng lớn trên TTCK Việt Nam, nhưng tính dẫn dắt của dòng vốn này vẫn thể hiện rõ nét. Ví dụ, giai đoạn từ tháng 10/2022 tới tháng 1/2023, khối này đã mua ròng mạnh mẽ trên TTCK Việt Nam, sau nhịp giảm mạnh của VN-Index, cùng sự xuất hiện một số thông tin hỗ trợ như USD giảm giá, Trung Quốc mở cửa trở lại sau thời gian dài theo đuổi chính sách “Zero-COVID”. Tuy nhiên, khối ngoại đảo chiều bán ròng từ giữa tháng 2/2023, dù có thông tin dự báo về việc tăng tỷ trọng nắm giữ các cổ phiếu trên TTCK Việt Nam của VNM ETF và đợt huy động mới từ Fubon ETF trong tháng 3/2023.

Nhìn rộng hơn, khối ngoại đã bán ròng liên tục trong hơn 3 năm qua với giá trị 3 tỷ USD và chỉ mua ròng ở một vài giai đoạn ngắn, điển hình là thời điểm thị trường rơi xuống đáy dài hạn cuối năm 2022.

Trở lại hiện tại, kết thúc tháng 1/2024, khối ngoại đã chấm dứt đà bán ròng với việc mua ròng 185 tỷ đồng. Đây được cho là tín hiệu tích cực sau đà bán ròng kéo dài của khối ngoại, nhất là sau hàng loạt thông tin khả quan liên quan đến việc nâng hạng thị trường, kỳ vọng khối này thực sự quay trở lại thị trường là rất cao.

Kỳ vọng việc thị trường nâng hạng

Đưa ra dự báo xu hướng dịch chuyển của dòng vốn ngoại năm 2024, giới phân tích cho rằng dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại TTCK Việt Nam theo sau động thái hạ dần lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các yếu tố hỗ trợ như lãi suất thấp, kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng lợi nhuận bắt đầu phục hồi.

“Chu kỳ mới về dòng tiền đã và sẽ tiếp tục diễn ra, tức khi lãi suất của Fed đã chạm đỉnh thì dòng tiền sẽ có xu hướng tìm đến các thị trường có sự tăng trưởng tốt, đặc biệt là các thị trường cận biên như Việt Nam để hưởng mức lãi suất cao hơn thị trường Mỹ”, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc trung tâm phân tích thuộc Chứng khoán Dầu khí (PSI) nhận định.

Theo chuyên gia PSI, những thông số từ WB và IMF cho thấy dòng tiền đã được phân bổ dần dần vào một số quốc gia. Chẳng hạn, dòng tiền bắt đầu quay trở lại TTCK, bất động sản Trung Quốc khi quốc gia này có các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản.

Tại Việt Nam, các chính sách của Chính phủ và các cơ quan quản lý đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Ngoài ra, Chính phủ cũng rất quyết liệt trong việc đưa TTCK Việt Nam nâng hạng. Điều này sẽ thu hút được dòng tiền lớn từ nước ngoài.

Đồng quan điểm, ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường, Chứng khoán VPBankS nhận định rằng, giải quyết được bài toán nâng hạng thì dòng vốn lớn từ quốc tế sẽ quay trở lại mua ròng tại TTCK Việt Nam. Đây sẽ là "cú hích" tích cực, mang đến lợi ích như huy động vốn rẻ và gia tăng quy mô tài sản, từ đó có thể tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp quyết định niêm yết.

Từ góc nhìn đơn vị đang phát triển các quỹ đầu tư và tiếp xúc trực tiếp với các nhà đầu tư tổ chức, bà Phạm Huyền Trang, Giám đốc Phân tích cổ phiếu, SSI Research cho biết, nhà đầu tư ngoại có sự quan tâm rất lớn tới TTCK Việt Nam, nhưng thị trường còn hạn chế về việc thiếu vắng hàng hóa chất lượng, thiếu doanh nghiệp niêm yết mới, trong khi các cổ phiếu đang niêm yết gặp vướng tại quy định trần sở hữu đối với khối ngoại.

“Dòng vốn tiềm năng có thể đổ vào TTCK Việt Nam khi được nâng hạng, nhưng chỉ những cổ phiếu còn room ngoại, cổ phiếu tiềm năng mới có thể thu hút dòng vốn mới. Chúng tôi kỳ vọng có thể hấp dẫn thêm nhà đầu tư nước ngoài vì hiện tại nhà đầu tư trong nước đang chiếm tới 92% giá trị giao dịch toàn thị trường - tỷ lệ không nước nào cao bằng”, bà Trang chia sẻ.

Thực tế, nhà đầu tư nước ngoài luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến TTCK Việt Nam. Họ theo dõi vị thế, vai trò của Việt Nam trong bức tranh kinh tế toàn cầu, cùng sự tăng trưởng và ổn định vĩ mô trong những năm gần đây. Do đó, nhà đầu tư ngoại đang cần một dấu mốc để giải ngân mạnh vào TTCK Việt Nam, và nâng hạng có thể là một trong những sự kiện quan trọng mà các quỹ lớn đang theo dõi rất sát.

“Trong trường hợp nhìn thấy triển vọng và tiến độ rõ ràng, họ sẽ tích cực giải ngân trước (pre-position). Vì vậy, nếu quyết tâm thực hiện mục tiêu nâng hạng trong năm 2025, thì triển vọng thu hút vốn ngoại trong 2 năm tới sẽ khá sáng”, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital (công ty quản lý quỹ hàng đầu tại Việt Nam, góp phần quan trọng trong việc quảng bá cơ hội ở thị trường Việt Nam, cũng như dẫn vốn ngoại vào thị trường) cho hay.

Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (đơn vị top đầu về thị phần khách hàng tổ chức, định kỳ tổ chức Hội nghị đầu tư Emerging Việt Nam với sự tham dự của hàng trăm quỹ đầu tư) thông tin, đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư về mức độ khả thi cũng như tiến trình nâng hạng TTCK Việt Nam. Việc nâng hạng chắc chắn tác động rất tích cực đến dòng vốn nước ngoài vào TTCK Việt Nam.

Tuy nhiên, để hấp thụ được hàng tỷ USD vốn ngoại chảy vào TTCK và doanh nghiệp khi nâng hạng cũng là một bài toán không dễ. Đồng thời, để dòng vốn này gắn bó với TTCK Việt Nam trong dài hạn, các chuyên gia khuyến nghị cơ quan quản lý cần nghiên cứu tầm nhìn của nhà đầu tư nước ngoài về thị trường, các ngành và doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, cần cải thiện chất lượng của doanh nghiệp trên sàn, đồng nhất trong công bố thông tin giúp thu hẹp khoảng cách giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước để vốn ngoại chảy vào mạnh mẽ hơn.

Theo Hải Giang/vnbusiness.vn