Dòng vốn khối ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam còn “khiêm tốn”

Bảo Ngọc

Ông Dominic Scriven - Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam đánh giá dòng vốn của nhà đầu tư ngoại rót vào chứng khoán Việt Nam vẫn chưa đáng kể trong khi thị trường đang sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi.

Cần nghiên cứu tầm nhìn nhà đầu tư nước ngoài

Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam nhận định Việt Nam là quốc gia có nhiều yếu tố thuận lợi, từ kinh tế, dân số, địa chính trị. Việt Nam có dân số  hơn 100 triệu người, tốc độ tăng trưởng rất tốt trong khi nhiều quốc gia châu Á khác hầu hết đang có dân số già.

Hiện nay, xét về yếu tố vị trí địa chính trị, địa lý về kinh tế, không có nước nào có kênh đối thoại cùng lúc với các nước lớn gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ như Việt Nam.

Dòng vốn từ các quỹ chủ động vào Việt Nam (Triệu USD). Nguồn: SSI Research
Dòng vốn từ các quỹ chủ động vào Việt Nam (Triệu USD). Nguồn: SSI Research

 

“Tôi cho rằng, vốn quốc tế đầu tư vào Việt Nam hiện vẫn rất nhỏ. Tại hội nghị của 50 quỹ hưu trí Mỹ tôi vừa tham dự mới chỉ có 3 quỹ đầu tư vào Việt Nam. Lý do là họ còn thận trọng, hơn nữa tổng vốn của các quỹ này rất lớn lên đến 500 tỷ USD nên phải phân bổ tại nhiều quốc gia. Với những yếu tố trên, các nhà đầu tư ngoại không chỉ quan tâm, tìm hiểu mà là phải đầu tư vào Việt Nam”, ông Dominic Scriven nhận định.

Về việc Việt Nam và Mỹ nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đây là sự kiện gây bất ngờ lớn, ảnh hưởng tích cực đến GDP Việt Nam. Theo ông Dominic Scriven có được, phía các doanh nghiệp Mỹ sẽ càng có sự quan tâm lớn tới mở rộng đầu tư tại Việt Nam. 

Phát huy vai trò của nhà đầu tư tổ chức

Một yếu tố mà Dragon Capital cũng quan tâm là bên cạnh vai trò của nhà đầu tư cá nhân, vốn chiếm phần lớn giao dịch trên thị trường, cần phải phát huy vai trò của nhà đầu tư tổ chức.

“Làm sao Việt Nam phát huy được vai trò của nhà đầu tư tổ chức, dù là quỹ, quỹ hưu trí, hay là các khoản đầu tư của Nhà nước hay địa phương hoặc nhà đầu tư nước ngoài. Đó là nhiệm vụ của các thành viên thị trường, chúng ta cần nỗ lực thêm. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang nhìn rất nhiều vào điều đó”, ông Dominic Scriven chia sẻ.

Ở góc nhìn vĩ mô, đại diện Dragon Capital cho rằng, giai đoạn nóng nhất của lạm phát đã qua. Nếu như các nền kinh tế lớn như Mỹ, tốc độ tăng trưởng kinh tế  giảm nhiệt, dĩ nhiên lạm phát sẽ giảm nhiệt theo, và lãi suất có thể giảm hơn nữa. Tuy nhiên, lạm suất được đánh giá khó hạ nhiều, việc phải sống với lạm phát còn kéo dài khá lâu nữa.

Nhìn lại 10 năm trước đây, các ngân hàng trung ương cố đẩy lạm phát lên 2% nhưng không nước nào đạt được. Tuy nhiên, 5 - 7 năm sau, các ngân hàng trung ương phải nỗ lực đẩy lạm phát xuống 2% nhưng không biết có khả thi hay không.

Trong khi đó, xuất hiện khá nhiều lý do khiến nền kinh tế toàn cầu chịu áp lực mới như chuỗi cung ứng bị nghẽn làm hiệu quả sản xuất bị đình trệ, khó khăn, mất hiệu quả. Các vấn đề liên quan đến chính trị gây ảnh hưởng tới các mặt hàng liên quan đến sống còn như dầu thô.

“Sức nóng của lạm phát đã sau lưng nhưng chúng ta không chủ quan.”, ông Dominic Scriven cảnh báo.