Chuyên gia “hiến kế” nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

Minh Hà

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024 vừa diễn ra sáng nay, các chuyên gia đều có chung đánh giá, trải qua nhiều “thăng trầm”, TTCK Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực và dần trưởng thành, phát triển vượt qua những “cơn sóng ngược”. Tuy nhiên, để nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, các chuyên gia cho rằng, cần tích cực triển khai các giải pháp trong thời gian tới.

Chuyên gia nhận định, khi TTCK Việt Nam được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi sẽ tạo lực đẩy cho các nhà đầu tư tham gia thị trường.
Chuyên gia nhận định, khi TTCK Việt Nam được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi sẽ tạo lực đẩy cho các nhà đầu tư tham gia thị trường.

Phát huy hiệu quả kênh huy động vốn

Đánh giá TTCK Việt Nam, bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) cho biết, năm 2000, TTCK Việt Nam ra đời như một kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.

Trên hành trình phát triển, TTCK không chỉ là nơi "tôi luyện" cho các công ty niêm yết để làm ăn đàng hoàng hơn, minh bạch, có trách nhiệm và nghĩa vụ với các bên liên quan như nhà đầu tư, nhà tài trợ, khách hàng, nhân viên và cả nghĩa vụ thuế với Nhà nước, mà còn gián tiếp đào tạo những nhà quản lý chuyên nghiệp, cần mẫn và trung thực, qua đó họ có thể vươn lên để giữ cho giá trị cổ phần không ngừng được gia tăng.

Làm rõ vai trò quan trọng của TTCK, bà Nguyễn Thị Mai Thanh cho rằng, bên cạnh vốn vay ngân hàng thì kênh huy động vốn qua phát hành cổ phiếu trên TTCK và phát hành trái phiếu doanh nghiệp là hai kênh vô cùng quan trọng và hữu ích cho doanh nghiệp (DN) phục vụ cho phát triển công ty trong trung và dài hạn.

“Nhận thức được tầm quan trọng đó, thông qua TTCK, REE đã 8 lần phát hành cổ phiếu và huy động được 2.800 tỷ đồng để đầu tư mở rộng và tiếp tục phát triển”, Người đứng đầu REE nói.

Ở góc nhìn khác, ông Dominic Scriven - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam cho rằng, hai năm qua, TTCK đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo của Chính phủ, của Bộ Tài chính, TTCK cũng dần phục hồi từ thời điểm cuối năm 2023 khi tăng 12%. Các thành viên thị trường, các nhà đầu tư, các công ty niêm yết bắt đầu có sự phấn khởi.

Phân tích về chức năng cung cấp vốn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam cho biết, nguồn cung cấp vốn huyết mạch thông suốt giữa tài chính và DN. Đối với Chính phủ, Chính phủ không chỉ phát hành trái phiếu chính phủ mà còn mua lại để điều tiết nguồn vốn của ngân sách nhà nước. Thị trường vốn cung cấp nguồn vốn dài hạn, trung hạn mà các ngân hàng thương mại có khi nguồn vốn của họ chỉ có thể ngắn hạn và cung cấp nguồn vốn cho thành phần tư nhân.

Tuy nhiên, “soi chiếu” với các TTCK khác, ông Johan Nyvene - Giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán TP. Hồ Chí Minh cho biết, TTCK Việt Nam so với các TTCK khác, như: Thái Lan được vốn hóa khoảng 475 tỷ USD, Indonesia là hơn 700 tỷ USD, Malaysia là khoảng 390 tỷ USD, Việt Nam được vốn hóa khoảng hơn 200 tỷ USD.

Về thanh khoản giao dịch, TTCK Việt Nam đã từng đạt thanh khoản trung bình giao động trên dưới 1 tỷ USD, năm 2023 cũng đạt khoảng mức 600 - 700 triệu USD.

“TTCK Việt Nam đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI (Morgan Stanley Capital International) và FTSE Russell (Financial Times Stock Exchange) xếp vào nhóm 3 - thị trường cận biên và đang xếp trong danh sách nhóm chờ nâng hạng thị trường mới nổi”, ông Johan Nyvene thông tin.

Nâng hạng TTCK để đón nhận dòng vốn lớn từ các quỹ đầu tư

Theo các chuyên gia, để nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi cần tích cực triển khai các giải pháp trong thời gian tới.

Ở khía cạnh pháp lý, bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT REE cho rằng, khuôn khổ pháp luật và chính sách cần phải duy trì đảm bảo tính ổn định lâu dài.

“Chúng tôi kiến nghị Chính phủ tiếp tục kiến tạo một môi trường luật pháp trong kinh doanh cởi mở, minh bạch hơn nữa hướng tới dịch vụ một cửa, chuyển dần sang cơ chế đăng ký và doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trong khuôn khổ pháp luật.

Đưa ra một số kiến nghị khác, ông Dominic Scriven cho rằng, các chủ thể cần kiểm soát vấn đề biến động là không ngừng củng cố niềm tin trên TTCK, đặc biệt là niềm tin của các nhà đầu tư; đồng thời, nghiên cứu, thúc đẩy phát triển Trung tâm tài chính của Việt Nam.

Hiến kế về lộ trình cụ thể để nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên thị trường mới nổi, ông Johan Nyvene - Giám đốc Công ty Cổ phần chứng khoán TP. Hồ Chí Minh cho rằng, TTCK Việt Nam cần mở rộng không hạn chế tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài vào các công ty Việt Nam.

Cùng với đó, điều chỉnh hoặc gỡ bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, nhất là đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài; loại bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch sẽ làm tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.

Ngoài ra, cần cải thiện, tăng cường công bố thông tin bằng tiếng Anh từ các cơ quan chức năng và các công ty niêm yết, cũng như các thành viên thị trường. Đây là nhóm công việc có thể triển khai sớm với điều kiện phải truyền thông tốt cho các DN niêm yết để họ hiểu được lợi ích của việc công bố thông tin bằng tiếng Anh và chủ động cập nhật thông tin.

“Khi thị trường vốn được nâng hạng, các DN sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với dòng vốn đầu tư. TTCK Việt Nam sẽ tăng tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và đón nhận dòng vốn lớn từ các quỹ đầu tư trên thế giới. Việc nâng hạng TTCK còn gắn với câu chuyện Việt Nam đang định hướng thành lập một Trung tâm tài chính quốc tế”,  ông Johan Nyvene nhận định.