Đầu tư công là động lực quan trọng để hỗ trợ phục hồi kinh tế

Huyền Châm

Trao đổi với Tạp chí Tài chính, ông Quản Trọng Thành - Giám đốc Khối Phân tích, Maybank Investment Bank (MSVN) nhận định, bên cạnh xuất khẩu và chính sách tiền tệ linh hoạt thì đầu tư công trở thành động lực quan trọng cho phục hồi kinh tế.

Ông Quản Trọng Thành - Giám đốc Khối Phân tích, Maybank Investment Bank.
Ông Quản Trọng Thành - Giám đốc Khối Phân tích, Maybank Investment Bank.

Phóng viên: Sau kết quả tăng trưởng quý I/2024 là 5,7%, ông nhận định ra sao về kịch bản tăng trưởng kinh tế cho cả năm 2024?

Ông Quản Trọng Thành: Sau kết quả tăng trưởng GDP quý I, Chính phủ đã họp và đề ra hai kịch bản tăng trưởng gồm 6% và 6,5%. Quan điểm của tôi nghiêng theo kịch bản tăng trưởng 6% trong năm nay. Các yếu tố chính cho kỳ vọng này là động lực cho tăng trưởng ở mức này đến từ đầu tư (quan trọng) và xuất khẩu phục hồi.

Thứ nhất, xuất khẩu đang phục hồi tốt hơn dự kiến với tăng trưởng quý I đạt 17%, sát với kỳ vọng tăng trưởng cả năm 11-12%. Thặng dư thương mại 10-12 tỷ USD.

Thứ hai, trong đầu tư gồm đầu tư công, đầu tư tư nhân và FDI. Với đầu tư công, từ năm 2023 được đẩy mạnh và 3 tháng đầu năm quyết liệt giải ngân. Chúng ta thấy sự xuất hiện và chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng trong nhiều cuộc họp đẩy mạnh đầu tư công. Khác với những năm trước, những tháng đầu năm thường chậm, 3 tháng đầu năm nay đã đạt khoảng 13% kế hoạch, tăng trưởng 25% so với cùng kỳ.

Thông thường khi vận hành nền kinh tế, nếu đầu tư tư nhân yếu thì Chính phủ sẽ đẩy mạnh kênh đầu tư công. Việt Nam có thiên thời địa lợi là đang ở giai đoạn đầu tư công đẩy mạnh thì hiệu ứng lan tỏa rất cao cho nền kinh tế. Hạ tầng giao thông gồm đường sá, cầu cảng, sân bay… chỉ cần cần kích hoạt sẽ tác động tích cực tới các ngành, kích thích tăng trưởng kinh tế.

Lí do quan trọng mà Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công còn là chiến lược dài hạn khi chúng nâng cấp nền kinh tế về hiệu suất đầu tư liên quan hiệu quả về logistics, liên quan thu hút FDI. Vì thời kỳ này chúng ta muốn thu hút FDI công nghệ cao, quy mô lớn thì cần yếu tố liên quan đảm bảo logistics, kết nối chuỗi cung ứng, các nguồn lực.

Còn đầu tư khu vực tư nhân trong nước, theo quan sát từ con số tăng trưởng tín dụng, bắt đầu phục hồi nhẹ từ cuối tháng 3. Trong quý I, đơn hàng mới xuất khẩu tăng lên đáng kể nhưng hoạt động sản xuất chưa mở rộng nhiều vì các doanh nghiệp chọn sử dụng hàng tồn kho để trả đơn hàng. Theo góc độ này, tỷ lệ hàng tồn kho bắt đầu giảm.

Dự báo, qua quý II/2024 cũng như các quý tiếp theo, khi xuất khẩu tiếp tục phục hồi, đơn hàng có, tồn kho giảm, lúc này bắt buộc doanh nghiệp phải mở rộng sản xuất để đáp ứng các đơn hàng. Khi đó, nhu cầu đầu tư khu vực tư nhân trong nước sẽ tăng, hoạt động sản xuất trong nước sẽ tăng. Kênh đầu tư tư nhân sẽ có dấu hiệu phục hồi rõ hơn từ cuối quý II này trở đi, trong bối cảnh đơn hàng phục hồi, lãi suất cho vay đã mềm đi hơn nhiều.

Phóng viên: Một động lực cho tăng trưởng nữa là tiêu dùng. Ông đánh giá ra sao về yếu tố này?

Ông Quản Trọng Thành: Về tiêu dùng, nếu lạc quan về cầu tiêu dùng phục hồi nhanh thì tăng trưởng kinh tế sẽ đạt được mức 6,5%. Tuy nhiên, MSVN dự báo theo hướng thận trọng, tiêu dùng chưa phục hồi mạnh ngay lập tức. Trong tiêu dùng sẽ có những khác biệt ở các phân khúc.

Với phân khúc tầng lớp thu nhập khá trở lên thì có sự phục hồi tiêu dùng trước, thể hiện trong hoạt động tiêu dùng đặc biệt liên quan mua bán bất động sản. Đây là đối tượng vẫn còn phần tích lũy, hồ sơ tín dụng vẫn đẹp khi tiếp cận vốn ngân hàng.

Còn tầng lớp thu nhập trung bình và thấp thì phải mất thêm tầm 1 năm nữa để thu nhập phục hồi, tích lũy trở lại, hồ sơ tín dụng khả dụng, chỉ số tài chính tốt mới tiếp cận được vốn để tiêu dùng, mua nhà đất…

Hiện tại con số tăng trưởng doanh thu bán lẻ quý I đạt chỉ khoảng hơn 8%, chưa phải con số tốt đối với nền kinh tế như Việt Nam. Tôi kỳ vọng quý I phục hồi hai con số.

Đó là kịch bản thận trọng. Yếu tố có thể giúp cho tăng trưởng kinh tế thực tế cao hơn đó là tốc độ phục hồi tiêu dùng nhanh hơn dự kiến. Mà cầu tiêu dùng phục hồi cũng đến từ 3 động lực nêu trên liên quan hoạt động đầu tư FDI tốt lên, xuất khẩu mạnh hơn, tạo công ăn việc làm cho người dân trong nước, theo đó cầu tiêu dùng cải thiện.

Phóng viên: Ngoài đầu tư công và xuất khẩu, ông có nhận định gì về chính sách tiền tệ trong duy trì phục hồi tăng trưởng trong 2024, thưa ông?

Ông Quản Trọng Thành: Chúng ta rơi vào trạng thái chính sách thắt chặt từ quý IV/2022 khi mặt bằng lãi suất tăng mạnh. Có thời điểm lãi suất huy động lên tới 9-10%, cho vay đặc biệt là mua nhà lên tới 14-15%, kéo dài hết quý I/2023. Lãi suất cao ảnh hưởng tới từng ngóc ngách nền kinh tế, từ cá nhân tới doanh nghiệp.

Từ tháng 4,5 năm ngoái, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng thay đổi chính sách, đảo chiều cắt giảm mạnh lãi suất. Việc cắt giảm này tạo hiệu ứng đáng kể từ cuối năm 2023, hiện lãi suất cho vay thực tế đã rất mềm, lãi suất cho vay cá nhân có thể tìm được tầm 6%.

Giảm lãi suất có tác động tích cực nhiều đến sản xuất. Như phân tích ở trên, khi tồn kho giảm, doanh nghiệp sẽ vay vốn mở rộng sản xuất nhằm đáp ứng đơn hàng mới. Nếu trước đây lãi suất vay cao, chi phí hàng tháng phải trích ra trả lãi suất ngân hàng mua nhà chiếm 60-70% thu nhập hộ gia đình, hiện lãi giảm thì tiền cho khoản vay giảm đáng kể. Điều này giúp cho tiêu dùng phục hồi, thậm chí khi lãi suất thấp thì nhu cầu mua nhà được kích hoạt trở lại.

NHNN đã điều chỉnh chính sách tiền tệ kịp thời. Tôi tin rằng năm nay lãi suất cho vay giữ được mức ổn định, có thể biến động chút nhưng vẫn hỗ trợ hoạt động tiêu dùng, đầu tư tư nhân.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông chia sẻ!