Đại hội đồng cổ đông Tập đoàn Hoa Sen: 

Đặt mục tiêu lãi 400 - 500 tỷ đồng, ông Lê Phước Vũ xem xét người kế thừa sự nghiệp

PV.

Kế hoạch lợi nhuận này vừa được Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) thông qua tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm tài chính 2024 (1/10/2023 - 30/9/2024) của Tập đoàn này diễn ra ngày 18/3 tại TP. Hồ Chí Minh. Đại hội có sự tham dự của 187 cổ đông, sở hữu gần 338,8 triệu cổ phần, tương ứng 55% vốn điều lệ.

Quang cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2024 của Tập đoàn Hoa Sen.
Quang cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2024 của Tập đoàn Hoa Sen.

Hai kịch bản lợi nhuận

Kết thúc niên độ tài chính 2022-2023, sản lượng tiêu thụ hợp nhất của HSG đạt hơn 1,4 triệu tấn, hoàn thành 94% kế hoạch; doanh thu hợp nhất đạt 31.651 tỷ đồng, hoàn thành 93% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 30 tỷ đồng.

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) HSG cho biết, trong bối cảnh các doanh nghiệp tìm cách tồn tại, vượt qua khó khăn, Tập đoàn đã nỗ lực đạt lợi nhuận sau thuế 30 tỷ đồng. Hoạt động tái cấu trúc bước đầu đạt được kết quả khi Công ty Cổ phần Nhựa Hoa Sen ghi nhận lợi nhuận thuần trong hai niên độ liên tiếp.

Vị này đánh giá, kịch bản thị trường năm 2024 khó lường và có nhiều biến động. Theo đó, HĐQT HSG xây dựng hai kịch bản kế hoạch kinh doanh cho năm tài chính năm 2024, gồm: Kịch bản thứ nhất, sản lượng tiêu thụ sản phẩm đạt hơn 1,6 triệu tấn; doanh thu thuần 34.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng và Kịch bản thứ hai tích cực hơn, sản lượng tiêu thụ sản phẩm đạt hơn 1,7 triệu tấn; doanh thu thuần 36.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 500 tỷ đồng.

Lãnh đạo Hoa Sen cho biết, để hoàn thành kế hoạch niên độ 2023-2024, Tập đoàn sẽ tập trung vào 4 nhóm giải pháp gồm: Sản xuất cung ứng, kinh doanh, kiểm soát chi phí và quản lý nhân sự. Trong đó, Tập đoàn sẽ cân đối cơ cấu các khoản vay hợp lý để tối ưu hóa chi phí lãi vay và giảm thiểu rủi ro biến động tỷ giá, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu để cân đối nhu cầu ngoại tệ cho hoạt động nhập khẩu nguyên liệu.

Ngoài ra, trong chiến lược phát triển giai đoạn 2024 - 2029, Hoa Sen dự kiến mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh sang các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng; chứng khoán; bảo hiểm; bất động sản; cơ khí (chính xác và chế tạo); công nghệ bán dẫn; bất động sản (văn phòng, nhà ở, khu dân cư, đô thị); giáo dục, đào tạo; chăm sóc sức khỏe; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; đầu tư tài chính; M&A; văn hóa; nghệ thuật, biểu diễn, tổ chức sự kiện… Tổng mức đầu tư tối đa cho các ngành nghề mở rộng không quá 5.000 tỷ đồng.

Đang xem xét IPO mảng nhựa và ống thép

Sau khi hệ thống siêu thị vật liệu xây dựng và nội thất Hoa Sen Home cùng mảng sản xuất, kinh doanh nhựa do CTCP Nhựa Hoa Sen đảm nhận đã hoạt động ổn định, độc lập, Tập đoàn Hoa Sen có định hướng chuyển giao toàn bộ mảng sản xuất, kinh doanh ống thép cho CTCP Ống thép Hoa Sen (được thành lập trên cơ sở chuyển đổi một công ty con do Hoa Sen sở hữu 100% vốn) trong 5 năm tới.

Theo đó, Công ty TNHH MTV Hoa Sen Phú Mỹ sẽ được xem xét chuyển đổi thành CTCP Ống thép Hoa Sen do Tập đoàn Hoa Sen sở hữu 99% vốn điều lệ. Phương án chi tiết về việc chuyển đổi này được giao cho HĐQT xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện.

CTCP Ống thép Hoa Sen sẽ tiếp nhận toàn bộ hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh ống thép (đất đai, nhà xưởng, máy móc thiết bị, dây chuyền...) và trở thành đơn vị chủ quản trong mảng sản xuất, kinh doanh ống thép. Nếu điều kiện thuận lợi, Tập đoàn sẽ xây dựng phương án IPO và niêm yết cổ phiếu của CTCP Nhựa Hoa Sen và CTCP Ống thép Hoa Sen.

Dời lại kế hoạch "xuất gia"

Trong phần thảo luận, cổ đông cho rằng khoảng 6 năm gần đây, Công ty không chia cổ tức tiền mặt. Với việc ghi nhận lãi 30 tỷ đồng năm vừa qua, các cổ đông đề nghị HĐQT cân nhắc chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ nhiều hơn 5%.

Trả lời cổ đông về vấn đề này, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT cho biết, ba quý cuối năm ngoái tình hình giá cả biến động, đặc biệt suy yếu nhu cầu trong nước và cả xuất khẩu. Năm 2023, Tập đoàn lãi 30 tỷ đồng là nỗ lực tột bậc, không còn nợ trung - dài hạn, khấu hao xấp xỉ 1.100 tỷ đồng, dòng tiền dương tương ứng. Nhờ dòng tiền và năng lực tài chính, hiện Tập đoàn đang vay một ngân hàng toàn cầu top 5 thế giới bằng tiền đồng với lãi suất 2,3%/năm và kỳ hạn 4 tháng.

Theo vị này, tình hình địa chính trị hiện rất phức tạp, vấn đề hiện nay không nên chủ quan mà "nên ở thế phòng thủ nhiều hơn". Nếu chia cổ tức nhiều hơn 5%, tương đương khoảng 300 tỷ đồng, tức là sẽ dùng lợi nhuận tích lũy của các năm trước.

Chia sẻ với cổ đông về khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh, lãnh đạo HSG cho biết, năm nay doanh thu bình quân 3.000 tỷ đồng/tháng tháng, khấu hao gần 100 tỷ đồng/tháng. Mục tiêu lãi năm nay ít nhất đạt 400 tỷ đồng.

Chủ tịch Hoa Sen cũng đề cập tới việc chuyển giao thế hệ để lui về "xuất gia". Ở đại hội trước, vị này đã thông báo với cổ đông khoảng 2026-2027 sẽ xuất gia. Tuy nhiên, ông Vũ cho rằng mình là người sáng lập, là cổ đông lớn nhất, còn có nhiều công trình chưa thể nghỉ sớm được, sau khi thảo luận ông Vũ quyết định dời lại kế hoạch.

Ông Lê Phước Vũ cũng chia sẻ về việc chọn một “đại gia” để giao lại Tập đoàn và đã gặp vị này 3-4 lần nhưng không đạt được kế hoạch. Trước đó, ông Vũ có ý định thành lập một quỹ nhận cổ phần của mình nhưng quỹ này vẫn hoạt động theo mô hình công ty chỉ khác tên gọi nên không đạt yêu cầu.

Theo đó, HĐQT Tập đoàn đang xem xét phương hướng khác, một trong số đó là đề xuất ông Lê Phước Vũ giao cổ phần cho con gái út sinh năm 2001 kế thừa. Tuy nhiên, người con gái đang học song song hai bằng đại học bên Australia này của Chủ tịch HSG cũng chưa muốn nhận trọng trách lãnh đạo Tập đoàn.