Đảng ủy Bộ Tài chính tham dự Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết về phát triển vùng Tây Nguyên

Văn Trường

Sáng 14/10/2022, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đảng ủy Bộ Tài chính tham dự Hội nghị này theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu trụ sở cơ quan Bộ Tài chính.

Tại điểm cầu trụ sở Trung ương Đảng, tham dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nước; Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Dự hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, các Tỉnh ủy, Thành ủy khu vực Tây Nguyên.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chủ trì hội nghị.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu trụ sở cơ quan Bộ Tài chính, tham dự hội nghị có các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tài chính; các đồng chí là thủ trưởng cấp vụ, cục và tương đương trực thuộc Bộ Tài chính.

Hội nghị nhằm quán triệt triển khai, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đến các Ban, Bộ, Ngành liên quan ở Trung ương và các tỉnh vùng Tây Nguyên. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên nhằm triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Đây là hội nghị thứ 3 về phát triển vùng. Trước đó, vào tháng 4/2022, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị, Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh đối với cả nước và khu vực Đông Dương; đất rộng, tiềm năng lớn, với diện tích 54.508 km2 (16,5% diện tích cả nước), dân số trên 5,9 triệu người (chiếm 5,1% dân số cả nước).

Thống kê cho thấy, GRDP bình quân vùng giai đoạn 2002-2020 là 7,98%, tốc độ tăng GRDP và của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ của Tây Nguyên đều cao nhất trong các vùng. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 48,08 triệu đồng/người/năm, gấp 10,6 lần năm 2002. Chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm tỉ trọng nông nghiệp, tăng tỉ trọng dịch vụ. Công nghiệp phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt 12,79%, cao hơn bình quân cả nước (11,54%).

Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất nông sản lớn (cà phê, cao su, chè, tiêu, bông, dược liệu, cây ăn quả, nguyên liệu giấy), nhiều mặt hàng chiếm tỉ trọng cao trong xuất khẩu của cả nước. Dịch vụ, du lịch có bước phát triển khá, hình thành các chuỗi phát triển du lịch liên vùng, đang trở thành vùng du lịch sinh thái - văn hóa có sức hấp dẫn. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2002 - 2020 đạt 19%/năm, cao hơn bình quân cả nước và cao nhất các vùng…

Hội nghị được nghe các đại biểu trình bày tham luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Tây Nguyên; những tiềm tăng, thế mạnh của vùng Tây Nguyên cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai phát triển; những định hướng lớn phát triển vùng Tây Nguyên trong giai đoạn tới...

Qua các bài tham luận trình bày tại Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng, những ý kiến của các đồng chí đã thể hiện sự tâm huyết, sâu sắc và là cơ sở quan trọng để triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW vào thực tiễn cuộc sống.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, tháng 4/2022, Bộ Chính trị đã tổ chức rất thành công 2 hội nghị toàn quốc về phổ biến, quán triển những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Toàn cảnh Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại điểm cầu trụ sở Trung ương Đảng.
Toàn cảnh Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại điểm cầu trụ sở Trung ương Đảng.

Nêu bật điểm mới, điểm nhấn của Nghị quyết số 23-NQ/TW, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt câu hỏi: “Vậy thì chúng ta phải làm gì và làm như thế nào để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này?”. Trả lời câu hỏi này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho hay, vấn đề rất quan trọng có ý nghĩa quyết định vẫn là làm thế nào để tổ chức triển khai thực hiện thật tốt, có kết quả cụ thể, rõ rệt và thiết thực Nghị quyết của Bộ Chính trị gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Từ kinh nghiệm, bài học thành công, cũng như chưa thành công trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, các nghị quyết của Trung ương và nhất là các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng thời gian qua và để có sự thống nhất cao hơn nữa về nhận thức và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này, Tổng Bí thư lưu ý một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, về nhận thức. Phải quán triệt thật đầy đủ, đúng đắn, sâu sắc ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị. Nắm vững các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, để tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành, của người dân và cộng đồng các doanh nghiệp về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng. Đổi mới tư duy phát triển nhất là về liên kết vùng, tiểu vùng, về cơ chế chính sách đặc thù, về phân bổ nguồn lực, về nguồn nhân lực nhằm khai thác tối đa những tiềm năng, lợi thế của vùng, các tiểu vùng và từng tỉnh trong vùng, tiểu vùng để giải quyết các vấn đề trọng điểm quốc gia tại vùng; các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tiểu vùng.

Hai là, phải khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý thức tự lực, tự cường và ý chí vươn lên mạnh mẽ của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong vùng.

Ba là, trên cơ sở đổi mới về tư duy, về nhận thức cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển vùng. Các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường phối hợp với hội đồng vùng và các địa phương trong vùng khẩn trương xây dựng, hoàn thiện ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên có tính đặc thù cho phát triển vùng. Xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt Quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện phù hơp với Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho dầu tư phát triển; ưu tiên bố trí nguồn lực, nguồn vốn ngân sách nhà nước kết hợp với huy động nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển các công trình trọng điểm có sức lan tỏa, giải quyết các vấn đề phát triển vùng, liên vùng toàn diện cả về kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên.

Bốn là, phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện và coi đây là nhân tố hàng đầu có tính quyết định. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng hiệu lực, hiệu quả của các cấp trình quyền; kiện toàn bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Phấn đấu ở các thôn, bản đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi đều có đảng viên và chi bộ đảng, thường xuyên giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ. Xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý bảo đảm chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý, có sự chuyển giao, kế thừa chặt chẽ giữa các thế hệ...

Năm là, ngay sau hội nghị này, căn cứ vào Nghị quyết, kế hoạch của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan Đảng và các cơ quan nhà nước, các cấp ủy và tổ chức đảng Trung ương và các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị trong toàn hệ thống chính trị của các địa phương trong vùng cần khẩn trường xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội các tỉnh.

“Sau hội nghị này, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh Tây Nguyên sẽ cùng với các ban, bộ, ngành trung ương và cấp ủy chính quyền các cấp trên cả nước, nhất là vùng duyên hải miền Trung, vùng Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh đã quyết tâm rồi càng quyết tâm cao hơn nữa, đã đổi mới nỗ lực phấn đấu rồi càng tiếp tục đổi mới, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, vượt qua mọi khó khăn thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết lần này... ”,Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trân trọng cảm ơn đồng chí Tổng Bí thư đã có bài phát biểu rất quan trọng, sâu sắc, toàn diện thể hiện tình cảm đặc biệt của đồng chí Tổng Bí thư, của Trung ương dành cho đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên, dành cho các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và đội ngũ các cán bộ, đảng viên của vùng.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu trụ sở cơ quan Bộ Tài chính.
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu trụ sở cơ quan Bộ Tài chính.

Đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị, các cơ quan Trung ương và các địa phương tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết và ngay sau hội nghị này tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết và nội dung bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư đến các tổ chức đảng, đảng viên và nhân dân trong vùng để không ngừng nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí chiến lược và tầm quan trọng của vùng với cả nước. Sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với vùng, bối cảnh mới, tình hình mới và những yêu cầu đặt ra đối với vùng, với từng địa phương trong vùng để cùng đồng tâm, hiệp lực hành động, xây dựng và phát triển vùng.

Thứ hai, quán triệt, nhận thức đầy đủ sâu sắc các nội dung chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, những điểm mới trọng tâm của Nghị quyết nhất là về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để bổ sung, điều chỉnh các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp với những giải pháp mạnh mẽ, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, đơn vị để đảm bảo Nghị quyết được triển khai đồng bộ, toàn diện đạt kết quả cao.

Thứ ba, các cơ quan trung ương sớm ban hành Chương trình, kế hoạch hành động, ban hành và điều chỉnh các cơ chế, chính sách thu hút và phân bổ ngân sách phù hợp để thực hiện Nghị quyết. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra.