Cục Thuế Bình Thuận quyết tâm hoàn thành mục tiêu thu ngân sách 10.000 tỷ đồng trong năm 2024

PV. (t/h)

Trong năm 2024, để hoàn thành nhiệm vụ dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) được giao là 10.000 tỷ đồng, Cục Thuế Bình Thuận tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.

Ông Mai Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế tặng Giấy khen của Tổng cục Thuế cho 04 tập thể và 01 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chính sách pháp luật về thuế. Ảnh: TTHT
Ông Mai Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế tặng Giấy khen của Tổng cục Thuế cho 04 tập thể và 01 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chính sách pháp luật về thuế. Ảnh: TTHT

Theo thông tin của UBND tỉnh Bình Thuận, năm 2023, thu NSNN của tỉnh Bình Thuận đạt 10.424 tỷ đồng, bằng 104,2% dự toán và bằng 92,8% so với cùng kỳ năm 2022. Số thu nội địa đạt 9.362 tỷ đồng, đạt 108,8% dự toán và bằng 92,8% so với cùng kỳ năm 2022; thu thuế xuất nhập khẩu đạt 1.062 tỷ đồng, đạt 75,9% dự toán và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, có 11/18 khu vực, khoản thu, sắc thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán; 10/10 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN năm 2023 (03/10 địa bàn có tăng trưởng thu so với cùng kỳ).

Đóng góp vào kết quả trên, trong năm 2023, Cục Thuế tỉnh Bình Thuận đã triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thuế; thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế theo kế hoạch phê duyệt, tăng cường chống thất thu thuế.

Đặc biệt, để bù đắp kịp thời nguồn thu thiếu hụt từ đất đai do tình hình giao dịch bất động sản tại địa phương bị ngưng trệ, Cục Thuế đã tham mưu UBND Tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thu và chống thất thu NSNN; tham mưu xây dựng Kế hoạch tăng cường công tác quản lý thu và chống thất thu NSNN trên địa bàn Tỉnh năm 2023 và giai đoạn 2023-2025; phối hợp với Sở Tài chính xây dựng Đề án phấn đấu tự cân đối ngân sách tỉnh Bình Thuận đến năm 2025 và giai đoạn 2026-2030..., nhờ đó đã giúp ngành Thuế hoàn thành tốt nhiệm vụ thu NSNN.

Theo bà Trần Thị Diệu Hoàng - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Thuận, nhờ đã triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, nên các doanh nghiệp và người dân đã vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Công tác hiện đại hoá, cung cấp các dịch vụ thuế điện tử cho người nộp thuế tiếp tục được ngành Thuế Tỉnh chú trọng nhằm hướng đến một nền kinh tế số, hành chính hiện đại. Theo thống kê của Cục Thuế tỉnh, trong năm 2023, toàn Tỉnh có 6.625 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc đang hoạt động tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; 99% doanh nghiệp đã thực hiện đăng ký tham gia nộp thuế điện tử.

Đối với cá nhân nộp thuế, đã có 1.750 người nộp thuế sử dụng ứng dụng eTax Mobile với tổng số tiền đã nộp qua ứng dụng này là gần 04 tỷ đồng; hơn 42.400 giao dịch nộp lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy trên toàn tỉnh được thực hiện thông qua các kênh thanh toán của ngân hàng với tổng số tiền nộp là 215,7 tỷ đồng.

Năm 2024, để hoàn thành dự toán thu NSNN là 10.000 tỷ đồng, ngành Thuế tỉnh Bình Thuận tập trung triển khai công tác quản lý thu, thu đúng, thu đủ; tăng cường chống thất thu thuế đối với hoạt động, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản...

Cục Thuế cũng sẽ tiếp tục tăng cường quản lý nợ thuế; kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế, đẩy mạnh và đổi mới phương pháp thanh tra, kiểm tra thuế; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án quản lý thuế đã triển khai thực hiện. Tập trung khai thác tất cả các nguồn có khả năng thu để bù đắp nguồn hụt thu các khoản thu; theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế, tổng hợp báo cáo kịp thời kết quả thu. Qua đó, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả, kiến nghị với UBND Tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp, địa phương cùng phối hợp với cơ quan thuế để quản lý thu...

Đồng thời, ngành Thuế tỉnh Bình Thuận cũng sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa hệ thống thuế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin ở tất cả các khâu trong công tác quản lý thuế, trọng tâm là công tác quản lý thuế dựa trên nền tảng thuế điện tử, số hóa các khâu trong quản lý thuế; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử... hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện nghĩa vụ cũng như được hưởng quyền lợi về thuế. Triển khai hiệu quả hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Đặc biệt là tập trung triển khai hoá đơn điện tử đối với bán lẻ xăng dầu, góp phần tích cực vào công cuộc chuyển đổi số, chống thất thu và tăng thu NSNN.

Cục Thuế cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách thuế mới, giải pháp hỗ trợ về thuế theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như các chỉ thị, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Bình Thuận và UBND tỉnh Bình Thuận về những giải pháp tăng cường ổn định nền kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ vướng mắc, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần tạo nguồn thu ổn định cho NSNN.