Các yếu tố ảnh hưởng đến công bố thông tin môi trường, kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp niêm yết

TS. Huỳnh Lợi - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Phan Thị Ánh Nguyệt - Trường Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ

Những năm gần đây, các học giả, các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc công bố thông tin về môi trường và kinh tế tuần hoàn (CE) trên các báo cáo phát triển bền vững hay báo cáo tích hợp của doanh nghiệp (Tiscini và cộng sự, 2022). Nghiên cứu này sử dụng phương pháp phân tích nội dung các tài liệu về khuôn khổ, các nghiên cứu thực nghiệm nhằm tổng hợp các khuôn khổ có thể cung cấp các nguyên tắc, khái niệm và các yếu tố hỗ trợ việc công bố thông tin về môi trường và kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, nghiên cứu cung cấp các yếu tố bên trong và ngoài doanh nghiệp ảnh hưởng đến việc công bố các thông tin này.

Giới thiệu

Việc công bố thông tin về môi trường và kinh tế tuần hoàn (CE) được định nghĩa là một phương thức quan trọng để bảo vệ môi trường (BVMT), tài nguyên và đạt được sự phát triển bền vững. Cùng với đó, CE còn có thể giúp chuyển đổi một nền kinh tế tăng trưởng tuyến tính truyền thống phụ thuộc vào tiêu thụ tài nguyên thành một nền kinh tế dựa vào sự phát triển tuần hoàn tài nguyên sinh thái.

Việc chuyển đổi này được kỳ vọng sẽ tạo nên những thay đổi trong mô hình tổ chức và kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) như tích hợp tính bền vững vào hoạt động kinh doanh; cập nhật cách thức đo lường, quản lý và công bố các tác động môi trường, xã hội của DN mình. Nhiều tập đoàn tiên phong đã bắt đầu chú trọng vào những yếu tố đảm bảo tính bền vững trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, chuỗi cung ứng và các quyết định đầu tư bằng cách công bố các thông tin về môi trường.

Các DN niêm yết (DNNY) tại Việt Nam bắt buộc phải công bố một số thông tin về môi trường và xã hội trong báo cáo thường niên kể từ năm 2016 (Bộ Tài chính, 2015). Việc công bố thông tin bao gồm quản lý nguyên vật liệu, tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ nước, tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, các chính sách liên quan đến người lao động, trách nhiệm đối với cộng đồng địa phương và hoạt động thị trường vốn xanh.

Bất chấp những lợi ích mong đợi đối với các bên liên quan, những hướng dẫn từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), việc công bố thông tin vẫn còn khá hạn chế, đặc biệt là những thông tin về CE (Nguyen và cộng sự, 2022). Do vậy, bài viết sử dụng phương pháp phân tích nội dung với mục đích cung cấp các khuôn khổ và yếu tố tác động đến việc công bố các thông tin về môi trường và CE của các DN.

Các khuôn khổ tham chiếu cho công bố thông tin môi trường và kinh tế tuần hoàn

Hiện nay, một số khuôn khổ báo cáo chất lượng tốt được triển khai để hướng dẫn DN công bố thông tin liên quan đến môi trường và CE. Tiêu chuẩn toàn cầu tiên phong là khuôn khổ Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu. Một loạt các tiêu chuẩn đặc thù cho từng ngành cũng đã được xây dựng và ngày càng có nhiều nước đang ban hành hướng dẫn cấp quốc gia trong lĩnh vực này. Có thể kể tên các khuôn khổ sau:

- Khung sáng kiến báo cáo toàn cầu (Global Reporting Initiatives-GRI) có thể coi là điểm khởi đầu hữu ích vì được sử dụng và công nhận một cách rộng rãi. Khuôn khổ này đã đề cập đến nhiều khía cạnh hoạt động kinh tế, môi trường và xã hội, với hướng dẫn kỹ thuật (quy ước) về cách thức đo lường và báo cáo các vấn đề này.

- Dự án Công bố Các-bon (Carbon Disclosure Project-CDP) là một tổ chức từ thiện phi lợi nhuận điều hành hệ thống công bố thông tin toàn cầu cho các nhà đầu tư, DN, thành phố, tiểu bang và khu vực để quản lý các tác động môi trường của họ. Phương pháp tính điểm của CDP (CDP Scoring) mô tả về hoạt động và công bố về môi trường của DN, đồng thời cung cấp khả năng so sánh trên thị trường. Thông qua việc báo cáo cho CDP, các DN được liệt kê trong cơ sở dữ liệu và có thể tăng cơ hội được các nhà đầu tư xếp hạng tốt hơn về phát triển bền vững.

- Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc là sáng kiến chính sách chiến lược dành cho DN cam kết điều chỉnh hoạt động và chiến lược phù hợp với 10 nguyên tắc được công nhận toàn cầu trong lĩnh vực nhân quyền, lao động, môi trường và chống tham nhũng. Khi tham gia Hiệp ước Toàn cầu, các DN cam kết hàng năm có Thông cáo Tiến độ (Communication on Progress - COP), đó là một văn bản công bố với các bên liên quan về tiến độ áp dụng 10 nguyên tắc của Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc cũng như hỗ trợ các mục tiêu diện rộng của Liên hợp quốc. Dựa trên mẫu chuẩn, COP phải được đăng tải trên trang web của Hiệp ước Toàn cầu và được công bố rộng rãi với các bên liên quan. Thông tin được cung cấp trong COP có liên quan tới báo cáo phát triển bền vững hoặc báo cáo thường niên.

- Khung Phát triển bền vững của Tổ chức Tài chính quốc tế (International Finance Corporation - IFC - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, là tổ chức đầu tư phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nước đang phát triển) bao gồm Tiêu chuẩn Hoạt động Môi trường và Xã hội được áp dụng đối với DN được IFC đầu tư, nhằm cung cấp thông tin hướng dẫn về cách thức xác định và quản lý rủi ro, tác động đến môi trường, xã hội. Trong vòng đời đầu tư, DN phải cập nhật thông tin cho IFC và các đối tác liên quan về việc tuân thủ Tiêu chuẩn Hoạt động, tất cả Kế hoạch Hành động được thỏa thuận khác, bao gồm cả thông tin về các sự kiện. Thông tin này có thể có liên quan để được tích hợp trong báo cáo bền vững hoặc báo cáo thường niên.

- Hội đồng Báo cáo Tích hợp Quốc tế (International Integrated Reporting Council - IIRC) là nỗ lực quốc tế nhằm xây dựng khuôn khổ toàn cầu đối với Báo cáo Tích hợp (Integrated Report - IR). Thông qua việc tích hợp thông tin tài chính, DN cung cấp bức tranh toàn diện, ý nghĩa hơn về mô hình và hoạt động kinh doanh của mình đối với nhà đầu tư và bên liên quan. IR đã nổi lên không chỉ là một trong những cải tiến mới nhất trong lĩnh vực báo cáo DN và phát triển bền vững mà còn có khả năng phù hợp cho các tổ chức quan tâm đến việc trình bày thông tin liên quan đến CE một cách toàn diện (Barnabè và Nazir, 2021).

- Hệ thống xếp hạng tác động đầu tư toàn cầu (GIIRS) là hệ thống dùng để đánh giá tác động môi trường xã hội (E&S) của các DN và quỹ đầu tư. Việc xếp hạng tạo điều kiện để các DN có thể kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư có cùng định hướng dựa trên tác động của vận hành và hoạt động kinh doanh của DN đối với môi trường và xã hội. GIIRS đưa ra chỉ tiêu xếp hạng tác động môi trường và xã hội của từng DN bao gồm xếp hạng tổng thể, và thang xếp hạng cho 15 tiểu hạng mục và các chỉ số đo hiệu quả hoạt động KPI phù hợp với ngành nghề, vị trí địa lý, quy mô và sứ mạng xã hội của DN.

- BS 8001 là khuôn khổ và hướng dẫn thực tế đầu tiên dành cho các DN thực hiện các nguyên tắc của CE và đã được viết theo cách có thể sử dụng ở bất kỳ đâu trên thế giới. Tiêu chuẩn này nhằm áp dụng cho bất kỳ tổ chức nào, bất kể vị trí, quy mô, lĩnh vực và loại hình. Nó sẽ hữu ích cho những người có trình độ kiến thức, hiểu biết khác nhau về CE và giúp các tổ chức suy nghĩ lại một cách tổng thể về cách quản lý tài nguyên của họ để nâng cao lợi ích tài chính, môi trường và xã hội ,].

- “Hướng dẫn lập báo cáo phát triển bền vững” được phối hợp xuất bản bởi IFC và UBCKNN trên cơ sở dự án hợp tác nhằm thúc đẩy công bố thông tin về môi trường và xã hội của các DN Việt Nam. Hướng dẫn lập báo cáo đưa ra quy trình và các tiêu chí cơ bản nhằm giúp các DN Việt Nam có thể tự xây dựng Báo cáo phát triển bền vững cho DN mình (UBCKNN & IFC, 2013; Bộ Tài chính, 2015).

Các yếu tố ảnh hưởng đến công bố thông tin môi trường và kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp niêm yết

Các lý thuyết liên quan

- Lý thuyết về tính hợp pháp (Legitimacy theory-LT) cho rằng, các DN có thể theo cách tiếp cận chủ động hoặc phản ứng để đạt được tính hợp pháp. Nhiều nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng về cách tiếp cận phản ứng, nghĩa là các công ty công bố thông tin về môi trường và xã hội để phản ứng lại một số sự kiện hoặc khủng hoảng mà công ty hoặc ngành phải đối mặt. Theo Deegan, (2002) nhu cầu chống lại các mối đe dọa đối với tính hợp pháp của một tổ chức là động lực mạnh mẽ của việc công khai thông tin. Trên thực tế, việc công bố báo cáo môi trường và xã hội có thể là câu trả lời cho những tuyên truyền tiêu cực của giới truyền thông, do hậu quả của các sự cố môi trường và xã hội, hoặc cho sự đánh giá tiêu cực của các cơ quan xếp hạng. Ngược lại, cách tiếp cận chủ động, xem xét việc công bố thông tin môi trường và CE giúp tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh, gia tăng lợi thế cạnh tranh và cải thiện hình ảnh của công ty (Deegan, 2002, Armitage và Marston, 2008).

- Lý thuyết về các bên liên quan (Stakeholder Theory-ST) đưa ra một khung hữu ích để hiểu vai trò của việc công bố thông tin môi trường và CE. Theo ST, DN sẽ công khai thông tin xã hội và môi trường tự nguyện, mong muốn được hợp pháp hóa với các bên liên quan có quyền lực đã được chỉ ra. Điều này ngụ ý rằng, các tổ chức thực hiện công bố thông tin tự nguyện để đạt được tính hợp pháp từ hoặc duy trì tính hợp pháp với các bên liên quan hoặc công chúng. Gelb và Strawser (2001) đã chỉ ra rằng các DN có thể cung cấp nhiều thông tin công bố hơn do tinh thần trách nhiệm đối với các bên liên quan của họ. Kết quả là, công bố thông tin là một dạng hành vi có trách nhiệm với xã hội. Do đó, thông tin đại diện cho một trong những cách quan trọng nhất để DN đối phó với các nhóm bên liên quan khác nhau, nhằm nhận được sự ủng hộ và chấp thuận của họ, hoặc ngược lại, để loại bỏ sự phản đối và không tán thành của họ (Deegan, Rankin và Voght, 2000).

- Lý thuyết thể chế (Institutional Theory-IT) gợi ý rằng, các tổ chức sẽ điều chỉnh cấu trúc và hoạt động của họ để phù hợp với những kỳ vọng bên ngoài về những gì được chấp nhận. Công bố thông tin về môi trường và CE có thể không chỉ là kết quả của việc ra quyết định quá trình hợp lý bởi các tổ chức hành động độc lập, thay vào đó nó có thể trở thành thể chế hóa, quyết định ở một mức độ nào đó sự lựa chọn của các tổ chức. Deegan (2006) cho rằng, IT cung cấp một quan điểm bổ sung, cho cả ST và LT, để xem xét các hoạt động báo cáo tự nguyện của DN và để hiểu cách các tổ chức hiểu và phản ứng với những áp lực xã hội và thể chế đang thay đổi và kỳ vọng. Có thể lập luận rằng, trong khi LT hữu ích hơn trong việc xác định trong ngắn hạn lý do tại sao một tổ chức nhất định lại công bố thông tin cụ thể, thì IT lại hữu ích hơn trong việc giải thích tại sao các thông lệ công bố thông tin lại trở nên phổ biến trong một tổ chức cụ thể. IT trung chủ yếu vào các yếu tố bên ngoài có thể khuyến khích DN làm phong phú hệ thống đo lường hiệu quả hoạt động của mình bằng các yếu tố môi trường và CE. Hơn nữa, các yêu cầu thông tin đến từ thị trường tài chính ngày càng trở nên nhạy cảm hơn với hành vi xã hội và môi trường của các DNNY khiến các DN công bố thông tin.

- Lý thuyết kế toán tích cực (Possitive Accounting Theory-PAT), có thể được vận dụng để giải thích lý do tại sao các công ty thực hiện công bố thông tin môi trường và CE. Mục tiêu của lý thuyết kế toán tích cực là mô tả, giải thích và dự đoán hoạt động kế toán của các nhà quản lý. Lý thuyết này là sự thể hiện của lý thuyết kinh tế tân cổ điển, dựa trên niềm tin vào sự lựa chọn hợp lý của con người và hành vi cơ hội làm cơ sở cho mọi hoạt động kinh tế. PAT coi công ty như một mối quan hệ của các hợp đồng cần thiết để thúc đẩy các cá nhân (nhà quản lý, người cho vay vốn và nhân viên) hợp tác và hành động để tối đa hóa giá trị của cổ đông. Tuy nhiên, vì có các chi phí hợp đồng liên quan đến hợp đồng (ví dụ: chi phí đàm phán và giám sát hiệu quả hoạt động của các bên liên quan), PAT cho rằng các công ty sẽ tìm cách giảm thiểu các chi phí này. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các chính sách được áp dụng, bao gồm cả các chính sách kế toán. Để giảm thiểu chi phí hợp đồng, các công ty sẽ được thúc đẩy công bố một số thông tin nhất định như công bố thông tin môi trường và CE của DN.

Các yếu tố ảnh hưởng đến công bố thông tin môi trường và kinh tế tuần hoàn

Các yếu tố ảnh hưởng đến việc các DN công bố thông tin tự nguyện hay bắt buộc về vấn đề Trách nhiệm xã hội, môi trường và CE đã nhận được nhiều quan tâm của các học giả. Tổng hợp các nghiên cứu cho thấy có hai nhóm yếu tố ảnh hưởng đến quyết định này. Các yếu tố quyết định bên trong đề cập đến các đặc điểm nội tại của DN, còn các yếu tố bên ngoài liên quan đến bối cảnh xã hội, chính trị, văn hóa, kinh tế, thể chế, áp lực truyền thông và các bên liên quan.

Theo đề xuất của Pistoni và Songini, (2013), lý thuyết về các bên liên quan và lý thuyết chi phí độc quyền chủ yếu nêu bật các động lực bên trong của việc công bố thông tin, trong khi lý thuyết thể chế, lý thuyết kế toán tích cực và các nghiên cứu về tính hữu ích của quyết định chủ yếu tập trung vào các yếu tố quyết định bên ngoài. Bảng 1 trình bày các yếu tố bên trong và bên ngoài ảnh hưởng đến việc công bố thông tin của các DN.

Bảng 1: Các yếu tố ảnh hưởng đến công bố thông tin môi trường và kinh tế tuần hoàn

 

Các yếu tố

Tham chiếu

Yếu tố bên trong

Giá trị và mục tiêu của công ty, tạo dựng hình ảnh, cải thiện lợi nhuận và uy tín trong tương lai

Mcwilliams, (2016),Adams, (2002),Reverte, 2009), Pistoni và Songini, (2013),Lucrezia Songini, Anna Pistoni, (2020)

Đặc điểm ban quản trị DN (giới tính, tuổi tác, kinh nghiệm chuyên môn…), các yếu tố thuộc quản trị DN

Quyền sở hữu (DN gia đình, DN đại chúng, sở hữu nhà nước, hợp tác xã…)

Quy mô DN (DN lớn, DN nhỏ và vừa)

Ngành, phạm vi hoạt động (quốc gia, khu vực, quốc tế)

Hiệu quả tài chính, khối lượng giao dịch cổ phiếu, giá cổ phiếu và rủi ro

Yếu tố bên ngoài

Môi trường cạnh tranh và chiến lược của đối thủ cạnh tranh

Sự hiện diện và vai trò của các quy tắc ứng xử trong ngành liên quan

Các khuyến nghị pháp lý

Khung pháp lý và quy định của quốc gia, hệ thống kinh doanh quốc gia

Áp lực từ các bên liên quan thứ cấp (tài chính thị trường, nhà đầu tư có trách nhiệm xã hội (SRI) các nhóm quan điểm/quan tâm đặc biệt, giới truyền thông...)

Các bên liên quan nội bộ

Nguồn: Nghiên cứu của tác giả

Tóm lại, việc công bố một cách minh bạch, có độ tin cậy cao về các thông tin môi trường, xã hội và CE của tổ chức có thể đem lại lòng tin của các bên liên quan đối với tổ chức cũng như đối với kinh tế toàn cầu. Thực tế cho thấy xu hướng ngày càng nhiều DN cung cấp báo cáo phát triển bền vững và lồng ghép các thông tin về môi trường, xã hội và quản trị vào báo cáo thường niên của DN nhưng việc công bố các thông tin về CE vẫn còn hạn chế do chưa có các khuôn khổ thống nhất ở cấp độ quốc gia (như ở Việt Nam) và quốc tế. Nhiều chính phủ và sở giao dịch chứng khoán, các liên minh, các nhà đầu tư kêu gọi các nỗ lực cải thiện công bố thông tin của DN ở các nền kinh tế đang phát triển, do vậy cần có thêm những nghiên cứu thực nghiệm nhằm phát hiện ra các khuôn khổ phù hợp và các yếu tố thúc đẩy việc công bố thông tin này.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Tài chính (2015), Thông tư số 155/2015/TT-BTC, Hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán;
  2. SSC&IFC (2013), Hướng dẫn Lập báo cáo phát triển bền vững;
  3. Barnabè, F., & Nazir, S (2021), Investigating the interplays between integrated reporting practices and circular economy disclosure. International Journal of Productivity and Performance Management, 70(8), 2001–2031, https://doi.org/10.1108/IJPPM-03-2020-0128;
  4. Adams, C. A. (2002), Internal organisational factors influencing corporate social and ethical reporting: Beyond current theorising, Accounting, Auditing & Accountability Journal, 15(2), 223–250, https://doi.org/10.1108/09513570210418905;
  5. Deegan, C. (2002), Introduction: The legitimising effect of social and environmental disclosures – a theoretical foundation. Accounting, Auditing & Accountability Journal, 15(3), 282–311,https://doi.org/10.1108/09513570210435852;
  6. Gelb, D. S., & Strawser, J. A. (2001), Corporate social responsibility and financial disclosures: An alternative explanation for increased disclosure. Journal of Business Ethics, 33(1), 1–13, https://doi.org/10.1023/A:1011941212444;
  7. Lucrezia Songini, Anna Pistoni, F. B. and V. M. (2020), INTEGRATED REPORTING QUALITY: AN ANALYSIS OF KEY DETERMINANTS. In Non-financial disclosure and integrated reporting-Practices and Critical Issues (pp. 1–14);
  8. Mcwilliams, A. (2016), Corporate Social Responsibility : A Theory of the Firm Perspective Authors ( s ): Abagail McWilliams and Donald Siegel Source : The Academy of Management Review , Vol . 26 , No . 1 (Jan ., 2001), pp . 117-127 Published by : Academy of Management Stable , 26(1), 117–127;
  9. Nguyen, H. C., Nguyen, P. M. H., Tran, B. H., Nguyen, T. T. N., Hoang, L. T. T., & Do, T. T. H. (2022), Integrated reporting disclosure alignment levels in annual reports by listed firms in Vietnam and influencing factors. Meditari Accountancy Research, 30(6), 1543–1570, https://doi.org/10.1108/MEDAR-02-2020-0710;
  10. Pistoni, A., & Songini, L. (2013), Corporate social responsibility determinants: The relation with CSR disclosure. In Studies in Managerial and Financial Accounting (Vol. 26). Emerald Group Publishing Limited, https://doi.org/10.1108/S1479-3512(2013)0000026001;
  11. Reverte, C. (2009), Determinants of corporate social responsibility disclosure ratings by Spanish listed firms. Journal of Business Ethics, 88(2), 351–366, https://doi.org/10.1007/s10551-008-9968-9.

 

 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 8/2023