Bộ Tài chính ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực

Trần Huyền

Để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các giải pháp phòng, chống trong mọi lĩnh vực. Từ đó, tạo chuyển biến tích cực trong hành động và nhận thức của cán bộ, công chức, từng bước đẩy lùi các hành vi này.

Công tác thanh, kiểm tra được ngành Tài chính chú trọng thực hiện nhằm phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: internet
Công tác thanh, kiểm tra được ngành Tài chính chú trọng thực hiện nhằm phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: internet

Công khai, minh bạch trong hoạt động

Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Bộ Tài chính đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong quý I/2024, Bộ Tài chính đã tổ chức 111 cuộc họp, hội nghị, lớp học tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng với hơn 13,276 nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Để phòng, chống tham nhũng thực sự hiệu quả, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị thuộc Bộ Tài chính được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng theo kế hoạch và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo. Trong đó, tập trung thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội; những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín, bí mật.

Song song với đó, Bộ Tài chính luôn đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, tập trung vào lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng như: Thuế, Hải quan; công tác tổ chức cán bộ; mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; dự toán, quyết toán ngân sách hàng năm; công khai số liệu về nợ công; công tác thanh tra, kiểm tra… trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính và các hình thức công khai khác theo quy định của Luật phòng chống tham nhũng.

Việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ cũng được Bộ Tài chính thực hiện nghiêm nhằm phòng chống tham nhũng, lãng phí. Cụ thể, Bộ Tài chính tăng cường hoàn thiện các quy chế đảm bảo thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, quản lý mua sắm sử dụng tài sản công, công tác đầu tư xây dựng cơ bản, chế độ hội họp, chi tiêu nội bộ nhằm ngăn chặn, phòng ngừa và chống tham nhũng trong hoạt động quản lý tài chính ngân sách và quản lý nội ngành. Trong quý I/2024, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 05 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 01 quyết định và ban hành theo thẩm quyền 23 thông tư trong lĩnh vực quản lý tài chính - ngân sách.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đã thực hiện nghiêm quy định về chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn. Chỉ riêng quý I/2024, Bộ Tài chính đã thực hiện luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với 1.163 người. Việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức được các đơn vị thực hiện theo quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, đúng quy trình nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Tài chính cũng đã xây dựng và triển khai thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp nhằm giúp cho cán bộ, công chức chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Trong quý I/2024, toàn ngành Tài chính đã tiến hành kiểm tra 140 cơ quan, tổ chức, đơn vị về việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức. Kết quả hầu hết các cán bộ, công chức đều nghiêm túc chấp hành đúng quy định trong thực thi công vụ, không có thái độ cửa quyền, hách dịch gây phiền hà cho đơn vị.

Tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực sự ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn tham nhũng, Bộ Tài chính đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm để quyết liệt triển khai thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, điều tra, truy tố xét xử, thi hành án; thanh tra, kiểm tra; tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh việc rà soát để đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội có liên quan đến các lĩnh vực, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ. Đồng thời, tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng; Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra công vụ để kịp thời chấn chỉnh các vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với công chức, viên chức vi phạm.

Để ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà, Bộ Tài chính sẽ tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm soát nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân. Đặc biệt là công bố công khai địa chỉ thư điện tử, số điện thoại tiếp nhận thông tin, phản ánh về hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý.

Nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này, Bộ Tài chính sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát người đứng đầu đơn vị trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, việc thực hiện các kết luận, chấn chỉnh sau thanh tra, kiểm tra, việc thực hiện các quy định, quy chế về công tác tổ chức cán bộ, nhất là trong việc tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ. Từ đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với Thủ trưởng các đơn vị để xảy ra sai phạm, cá nhân công chức có biểu hiện chuyên quyền, độc đoán, thiếu dân chủ và có sai phạm trong công tác quản lý cán bộ.

Cùng với đó, kịp thời biểu dương, khen thưởng người đứng đầu làm tốt công tác phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, quy định của Đảng đối với người đứng đầu để xảy ra tham nhũng nhưng phát hiện không kịp thời, để xảy ra hậu quả hoặc không tự phát hiện mà do các cơ quan chức năng phát hiện, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng.