Ảnh hưởng của nhân tố nội tại và nhân tố vĩ mô đến khả năng sinh lời của ngân hàng thương mại

Nguyễn Duy Sữu - Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Nguyễn Minh Đức - Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh

Bài viết cung cấp bằng chứng thực nghiệm về các yếu tố nội tại và các yếu tố vĩ mô tác động đến khả năng sinh lời của ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Dữ liệu thu thập được từ 27 ngân hàng từ 2009 - 2022, với 364 quan sát. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các biến nội tại như: Vốn huy động/Vốn vay (LDR), Chi phí hoạt động/Tổng tài sản (OC) và Thu nhập ngoài lãi/Tổng thu nhập (NOIR) tác động cùng chiều đến khả năng sinh lời của cả 3 mô hình (Mức sinh lời trên tổng tài sản (ROA), mức sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và thu nhập lãi cận biên- NIM), biến SIZE, biến Dự phòng rủi ro tín dụng/Tổng tài sản (LIQ) tác động cùng chiều đến ROA, ROE nhưng ngược với NIM... Kết quả này giúp cho nhà quản trị ngân hàng xem xét đưa ra các chiến lược phù hợp với các yếu tố nhằm ổn định hoạt động kinh doanh của ngân hàng và gia tăng khả sinh lời.

Cơ sở lý luận

Khả năng sinh lời và đo lường khả năng sinh lời của ngân hàng thương mại

Khả năng sinh lời của ngân hàng thương mại (NHTM) đo lường giống với doanh nghiệp (DN) thông thường và được do lường dựa trên lợi nhuận và phương tiện tạo ra lợi nhuận (Kohlscheen, 2018). Mặc khác, do là loại hình DN đặc thù nên khả năng sinh lời còn được đo lường bằng các chỉ tiêu khác như NIM… Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả sử dụng 3 chỉ tiêu đo lường khả năng sinh lời: ROA và ROE là hai chỉ số dùng để đo lường khả năng sinh lời (Yüksel và cộng sự, 2018).

Cách tính toán ROA và ROE như sau:

ROA = Lợi nhuận sau thuế (Net income)/Tài sản (Assets)

ROE = Lợi nhuận sau thuế (Net income)/Vốn chủ sở hữu (Equity)

Thu nhập lãi cận biên được một số tác giả nghiên cứu như (Brock and Franken, 2003, Claeys và Vande, 2008). Thu nhập lãi cận biên (Net Income Margin - NIM) phản ánh biên độ trong hoạt động kinh doanh truyền thống và vay và cho vay của ngân hàng. NIM được tính toán bằng cách lấy thu nhập lãi thuần chia cho tài sản sinh lãi trong bảng cân đối kế toán. NIM được tính toán như sau:

NIM = Thu nhập lãi thuần/Tổng tài sản sinh lãi bình quân

Trong đó: Tổng tài sản sinh lãi = Tiền gửi tại NHNN Việt Nam + Tiền gửi tại các tổ chức tín dụng (TCTD) khác (không bao gồm dự phòng rủi ro) + Chứng khoán đầu tư (không bao gồm dự phòng giảm giá) + Cho vay khách hàng (không bao gồm dự phòng rủi ro); Mua nợ (không bao gồm dự phòng rủi ro) (Long và Suu, 2022).

Có nhiều nghiên cứu sử dụng ROA như nghiên cứu của Duong và cộng sự (2020), O’Connell (2022), Kohlscheen (2018). Bên cạnh đó, các nghiên cứu sử dụng ROE như nghiên cứu của Yuksel và cộng sự (2018). Tuy nhiên, các nghiên cứu về khả năng sinh lời của ngân hàng cũng thường sử dụng NIM như nghiên cứu của Suu và cộng sự (2020). Các nghiên cứu tổng hợp ROA và ROE như nghiên cứu của Koroleva và cộng sự (2021), Vijay và cộng sự (2020), Wang và Wang (2015).

Cơ sở lý thuyết

Lý thuyết nguồn lực: Lý thuyết này cho rằng, tất cả nguồn lực bên trong mô hình DN đều có khả năng trở thành lợi thế cạnh tranh. Lý thuyết này cho rằng, khi các nguồn lực được DN sử dụng hiệu quả thì kết quả được thể hiện qua lợi nhuận thu được. Lợi nhuận được định nghĩa là mức chênh lệch giữa giá bán và chi phí khi DN đưa sản phẩm dịch vụ bán ra thị trường (Rumelt, 1987).

Lý thuyết sức mạnh thị trường: Lý thuyết này cho rằng, việc chiếm lĩnh thị trường cần có nguồn lực đủ mạnh (đầu tư chi phí). Tuy nhiên, gia tăng chiếm lĩnh càng nhiều thị phần càng tốt khiến thị trường trở nên lệ thuộc vào DN hoặc nhóm DN nếu xảy ra thông đồng. Chiếm lĩnh thị trường nhằm nâng cao khả năng hấp thụ doanh số hàng hóa, do công ty cung cấp, cũng như giảm doanh số sản phẩm chung thị trường của công ty đối thủ.

Lý thuyết đánh đổi: Được phát triển và xây dựng bởi Kraus và Litzenberger (1973) cho rằng, nhà quản trị của DN có thể tạo ra một cấu trúc vốn tối ưu nhằm tối đa hóa giá trị công ty dựa trên sự đánh đổi giữa lợi ích và chi phí của việc sử dụng nợ. Trong đó, lợi ích từ nợ là lợi ích từ lá chắn thuế nhờ chi phí lãi vay (Miller và Modigliani 1963). Còn chi phí của việc sử dụng nợ chính là chi phí kiệt quệ tài chính.

Các yếu tố tác động đến khả năng sinh lời

Các yếu tố tác động đến khả năng sinh lời của ngân hàng thường rất đa dạng. Tuy vậy, có thể khu biệt các yếu tố này thành 2 nhóm lớn dựa trên yếu tố nội sinh và ngoại sinh (O’Connell 2022; Kohlscheen 2018; Yuksel và cộng sự 2018). Yếu tố nội sinh bao gồm các yếu tố vi mô bên trong ngân hàng như quy mô ngân hàng, vấn đề tối ưu chi phí đầu vào và tối ưu doanh số đầu ra, vấn đề tối ưu cơ cấu nguồn vốn… Yếu tố ngoại sinh bao gồm các yếu tố vĩ mô như: Tổng thu nhập quốc gia - GDP; lạm phát tự nhiên – CPI; các công cụ tài chính tiền tệ như công cụ lãi suất, trái phiếu chính phủ…

Phương pháp nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu

Bài viết này dựa trên nghiên cứu của tác giả Koroleva và các cộng sự (2021). Nghiên cứu này kế thừa đồng thời cải tiến thể hiện bằng mô hình hồi quy tuyến tính như sau:

Profitability (ROAi,t, ROEit, NIMit) = β0 + β1SIZEi,t + β2LDRi,t +β3LIQi,t +β4OCi,t + β5NPLi,t + β6NOIRi,t + t+ β7Rdepositt + β8Rbondt + β9GDPt + β10INFt + β11CPINt + ui,t.

Biến phụ thuộc: Biến tỷ suất sinh lời trên tài sản ROA; Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu ROE; Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM).

Biến độc lập: SIZE là quy mô của các ngân hàng; OC là chi phí hoạt động trên tổng tài sản; LIQUID là tài sản ngắn hạn trên tổng tài sản; LDR là tỷ lệ tổng huy động trên tổng cho vay; NPL là nợ xấu trên tổng dư nợ; NOIR là tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập; Rdeposit lãi suất tiết kiệm cơ sở; Rbond lãi suất trái phiếu chính phủ mười năm; INF tỷ lệ lạm phát hàng năm; GDP tỷ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội; CPIN thang đo CPI về nhận thức tham nhũng do tổ chức Minh Bạch Quốc Tế (TI) công bố hàng năm.

Ui,t = ni + vit, uit là một biến thời gian cố định quan sát được, và vit là phần dư; t = 1,...., T là dãy thứ tự thời gian (đơn vị: năm) của nghiên cứu; i = 1,..., là thứ tự ngân hàng được nghiên cứu quan sát.

Dữ liệu

Dữ liệu thu thập gồm 27 ngân hàng cổ phần do Nhà nước quản lý trong thời gian từ 2009 đến 2022 với 364 quan sát. Dữ liệu nghiên cứu là dữ liệu bảng thứ cấp từ các báo cáo tài chính được công bố, niêm yết trên sàn chứng khoán, biến vĩ mô được lấy từ Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF, Tổng cục Thống kê Việt Nam.

Phương pháp ước lượng

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu bảng được hồi quy theo 3 phương pháp: Pool OLS, FEM, REM. Để lựa chọn giữa OLS và FEM, nhóm tác giả sử dụng kiểm định F, sau đó sử dụng kiểm định Hausman để chọn giữa FEM và REM. Nhóm tác giả kiểm tra các vấn đề của mô hình như hiện tượng đa cộng tuyến và phương sai sai số thay đổi. Khi mô hình xuất hiện hiện tượng phương sai sai số thay đổi, nhóm tác giả sử dụng phương pháp ước lượng GLS.

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Phân tích thống kê mô tả

Khả năng sinh lời trên tổng tài sản (ROA) có giá trị bình quân 10,90%, giá trị lớn nhất 30,33% nhỏ nhất là -56,33%, độ lệch chuẩn là 8,57%. Khả năng sinh lời trên tổng vốn chủ sở hữu (ROE) có giá trị bình quân 1,01%, giá trị lớn nhất 5,57%, nhỏ nhất -5,99%, độ lệch chuẩn là 0,89%.

Cũng giống ROA, tại Việt Nam, các ngân hàng nói chung đều có lợi nhuận tốt, trường hợp ROE hiện nay luôn rơi trong mức trung bình 1,8%/năm.

Thu nhập lãi cận biên (NIM) về mặt thống kê có giá trị bình quân là 3,26%, giá trị lớn nhất 9,41%, nhỏ nhất -0,88)%. Việt Nam luôn quản lý sát hệ thống tài chính ngân hàng, vì vậy NIM giữa các ngân hàng luôn nằm trong tình trạng ổn định trung bình khoảng 3,26 đơn vị.

Bảng 1: Thống kê mô tả các biến

Variables

Mean

Median

Standard Deviation

Minimum

Maximum

Obs

ROA

10.905

10.090

8.573

-56.330

30.330

364

ROE

1.010

0.840

0.892

-5.990

5.570

364

NIM

3.263

3.100

1.370

-0.880

9.410

364

SIZE

25.426

25.453

1.265

21.926

28.383

364

LDR

0.637

0.648

0.152

0.167

1.060

364

LIQ

0.205

0.186

0.099

0.045

0.611

364

OC

0.023

0.014

0.043

0.004

0.319

364

NPL

0.029

0.018

0.043

0.000

0.458

364

NOIR

0.092

0.082

0.066

0.007

0.442

364

RDEPOSIT

0.061

0.048

0.032

0.034

0.140

364

RBOND

0.062

0.056

0.030

0.022

0.112

364

GDP

0.057

0.062

0.017

0.026

0.080

364

INF

0.051

0.034

0.045

0.006

0.187

364

CPIN

33.357

32.000

4.034

29.000

43.000

364

Nguồn: Nghiên cứu của tác giả

Dựa vào bảng thống kê mô tả cho thấy, các biến độc lập có giá trị độ lệch chuẩn thấp hơn giá trị trung bình. Kết quả phân tích cho thấy, các biến không có hiện tượng bất thường, dữ liệu đáng tin cậy và thỏa mãn điều kiện để kiểm định các bước tiếp theo.

Kiểm định tương quan giữa các biến độc lập cho kết quả thấp nhất là 0,015, giá trị lớn nhất chỉ là 0.599. Các tương quan giữa các biến độc lập trên là có thể chấp nhận được, cho nên khả năng đa cộng tuyến cho mô hình là thấp. Bên cạnh đó, bài viết xem xét phương pháp VIF (Variance inflating factor) để kiểm tra khả năng đa cộng tuyến của các biến độc lập, VIF dưới 2.654<10. Kết quả trên chứng minh, hiện tượng đa cộng tuyến và tự tương quan khó có thể xảy ra trong mô hình.

Kết quả phân tích được thực hiện qua các phương pháp hồi quy như Pool OLS, REM, FEM và cuối cùng kết quả phù hợp nhất là GLS. Tác giả sử dụng kết quả này để phân tích và thảo luận, từ đó đưa ra các kiến nghị phù hợp.

Các yếu tố nội tại

Biến (SIZE) tác động cùng chiều đến khả năng sinh lời (ROA), đạt như kỳ vọng của mô hình và phù hợp với Antoun và cộng sự (2018), Kozminski (2018), Kohlscheen (2018), Wang và Wang 2015, Long và Suu (2022). Trong khi đó, tác động ngược ngược chiều đến (NIM), có nghĩa tài sản ngân hàng tăng trong khi ngân hàng chưa điều tiết được chênh lệch lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi theo hướng có lợi cho ngân hàng.

Biến (LDR) tác động cùng chiều đến khả năng sinh lời của ngân hàng. Kết quả này đồng nhất với kết quả nhiều nghiên cứu Ebenezer và cộng sự (2019), Long và Suu (2022) Yuksel và các đồng sự (2021), Kozminski (2018), Ven (2023), Binh và cộng sự (2021). Tỷ lệ dư nợ trên huy động càng cao thì sinh ra lợi nhuận càng cao, tuy vậy sẽ kèm theo rủi ro thanh khoản của ngân hàng.

Biến (LIQ) cùng chiều đến khả năng sinh lời ROA, ROE, đạt như kỳ vọng và trùng khớp với kết quả của Kroleva và cộng sự (2022), Michael (2021). Trong khi đó ngược chiều đến NIM và trái ngược với kỳ vọng, điếu này có thể giải thích khi ngân hàng hàng quản trị tính htnha khoản tốt bằng cách cho vay rủi ro thấp, chính vì vậy mà lãi suất cho vay thấp nên NIM thấp.

Biến (OC) tác động cùng chiều, tác động đến khả năng sinh lời ROA, ROE và NIM và đạt như kỳ vọng. Kết quả này trùng khớp với Suu và cộng sự (2020), Michael (2021).

Biến (NPL) tác động ngược chiều đến khả năng sinh lời của ngân hàng ở mô hình ROE và NIM, phù hợp với giả thuyết. Kết quả này cũng trùng khớp với kết quả của Abd Karim và cộng sự (2010), Long và Suu (2022).

Biến (NOIR) tác động cùng chiều đến ROA và ROE, đạt như kỳ vọng. Kết quả này trùng khớp với nghiên cứu của Roger (2018), Yuksel và các đồng sự (2021), Wang và Wang (2015). Việc hướng đến các cách kinh doanh khác để có được lợi nhuận ngoài việc kinh doanh vốn khiến phát triển của ngân hàng trở nên bền vững, giảm thiểu rủi ro tín dụng.

Biến (Rdeposit) tác động cùng chiều đến ROA và ROE, kết quả này đạt như kỳ vọng khi tăng. Kh9 tăng lãi suất tiền gửi, ngân hàng kích thích cá nhân và doanh nghiệp gửi tiền, từ đó gia tăng nguồn vốn kinh doanh và cuối cùng là tăng lợi nhuận. Kết quả này phù hợp với Vijay (2020).

Các yếu tố vĩ mô

Biến (RBOND) có tác động cùng chiều đến NIM. Kết quả này mang lại chiều hướng tích cực cho các ngân hàng khi Chính phủ gia tăng lãi suất, tuy nhiên nó sẽ tác động tích cực đến lãi suất thị trường và làm cho lãi suất thị trường tăng, tác động chi phí tài chính đối với DN (Vijay, 2020).

Biến (GDP) có tác động ngược chiều đến ROE và NIM phù hợp với kỳ vọng. Điều này có nghĩa khi nền kinh tế tăng trưởng, các DN kinh doanh có hiệu quả, chính vì vậy mà tích lũy được nguồn vốn. Khi DN kinh doanh có hiệu quả, việc huy động từ nguồn vốn khác như vốn chủ sở hữu dễ dàng hơn, chính vì vậy mà nhu cầu vay thấp hơn dẫn đến lợi nhuận ngân hàng có khả năng giảm, tác động ngược đến khả năng sinh lời của ngân hàng. Kết quả này tương đồng với Suu và cộng sự (2020), Koroleva (2021).

Biến (INF) có tác động ngược chiều đến khả năng sinh lời ROA và ROE, ngược với kỳ vọng. Có nghĩa khi lạm phát tăng tác động mạnh tới chi phí đầu vào và cuối cùng là tác động tiêu cực đến khả năng sinh lời.

Biến (CPIN) có tác động cùng chiều đến khả năng sinh lời phù hợp với kỳ vọng. Điều này chứng minh rằng khi chỉ số nhận thức tham nhũng càng cao, khả năng quản trị ngân hàng càng hiệu quả.

Kết luận và hàm ý chính sách

Bảng 3: Kết quả hồi quy GLS

Variable

ROA

ROE

NIM

SIZE

0.0306***

0.0001

-0.0013***

LDR

0.0975***

0.0125***

0.0303***

LIQ

0.1440***

0.0132***

-0.0102*

OC

0.3250***

0.0220**

0.0951***

NPL

-0.108

-0.0187***

-0.0290***

NOIR

0.1584***

0.0370***

0.0217***

RDEPOSIT

2.0980***

0.1864***

0.0111

RBOND

-0.2007

0.0269

0.1872***

GDP

-0.2802

-0.0499***

-0.1184***

INF

-0.4388**

-0.0492***

-0.0133

CPIN

0.0054***

0.0007***

0.0006***

C

-1.0446***

-0.04119158

0.0204*

R-squared

0.524575

0.498188

0.349777

Adjusted R-squared

0.509718

0.482507

0.329457

F-statistic

35.30822

31.76894

17.21388

Durbin-Watson stat

0.685237

0.823349

0.657063

Obs

364

364

364

Ghi chú: (***), **, * tương ứng mức ý nghĩa thống kê 1%, 5% và 10%

Nguồn: Nghiên cứu của tác giả

Bài viết nghiên cứu tác động của các yếu tố nội tại và các yếu tố vĩ mô đến khả năng sinh lời của NHTM Việt Nam. Dữ liệu thu thập từ 27 ngân hàng trong thời kỳ từ năm 2009 - 2022 với 364 quan sát. Bài viết sử dụng mô hình hồi quy đa biến, ước lượng mô hình bằng các phương pháp như Pool OLS, REM, FEM và cuối cùng là GLS.

Kết quả cho thấy, các biến nội tại như LDR, OC và NOIR tác động cùng chiều đến khả năng sinh lời cả 3 mô hình (ROA, ROE và NIM), biến SIZE, LIQ tác động cùng chiều đến ROA, ROE nhưng ngược với NIM. Biến NPL tác động ngược chiều đến ROE và NIM.

Tăng trưởng kinh tế (GDP) và chỉ số nhận thức tham nhũng (CPIN) tác động cùng chiều đến khả năng sinh lời, trong khi đó lãi suất trái phiếu chính phủ (Rbond) và lạm phát (INF) tác động cùng chiều đến khả năng sinh lời. Kết quả này giúp cho nhà quản trị ngân hàng xem xét đưa ra các chiến lược phù hợp với các yếu tố trên, nhằm ổn định hoạt động kinh doanh của ngân hàng và gia tăng khả sinh lời.

Tài liệu tham khảo:

  1. Võ Minh Long và Nguyễn Duy Sữu (2022), Tác động của sở hữu nước ngoài và sự hiện diện của ngân hàng nước ngoài đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng thương mại tại Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Ngân hàng châu Á, số 193, tr 46-64;
  2. Nguyễn Đ.T. (2022), Cơ chế hoạt động của lạm phát, https://tapchinganhang.gov.vn/co-che-hoat-dong-cua-lam-phat.htm;
  3. Nguyệt Đ.T.M, Trang P.T.T., Ngọc N.B. (2021), Các yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại nhà nước ở Việt Nam hiện nay, https://tapchinganhang.gov.vn/cac-yeu-to-anh-huong-toi-hieu-qua-kinh-doanh-cua-cac-ngan-hang-thuong-mai-nha-nuoc-o-viet-nam-hien-n.htm;
  4. Abd Karim, M. Z., Chan, S. G., & Hassan, S. (2010), Bank efficiency and non-performing loans: Evidence from Malaysia and Singapore. Prague Economic Papers, 2(1).
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2023