Tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu

Hà Anh

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024 diễn ra ngày 2/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm chuyển biến tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, tạo đà cho tăng trưởng và phát triển cả năm. Thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.

Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu 2 tháng tăng 18,6%, 19,2% và 18%; ước xuất siêu 4,72 tỷ USD.
Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu 2 tháng tăng 18,6%, 19,2% và 18%; ước xuất siêu 4,72 tỷ USD.

Nêu cụ thể hơn về kết quả tích cực về tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 3,98% so với cùng kỳ, tính chung 2 tháng đầu năm CPI tăng 3,67% so với cùng kỳ; giá các mặt hàng cơ bản ổn định, không có tình trạng khan hiếm, thiếu hàng trong dịp Tết.

Mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm; Ngân hàng Nhà nước thực hiện giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và tập trung thúc đẩy tín dụng ngay từ đầu năm; an toàn hệ thống ngân hàng được bảo đảm.

Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu 2 tháng đầu năm đạt mức tăng lần lượt là 18,6%, 19,2% và 18%; ước xuất siêu đạt 4,72 tỷ USD.

Tổng vốn FDI đăng ký 2 tháng đạt gần 4,3 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước (vốn đăng ký mới đạt 3,6 tỷ USD, tăng 55,2%), trong đó đầu tư vào ngành chế biến, chế tạo đạt 2,54 tỷ USD, chiếm 59,1% tổng số vốn đầu tư đăng ký; vốn thực hiện đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8%.

Những con số "biết nói" này cho thấy, niềm tin của doanh nghiệp FDI vào triển vọng phục hồi tăng trưởng, sự ổn định và hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam.

“Đây là cơ hội để nước ta tiếp tục đẩy mạnh thu hút FDI, khai thác tối đa thời cơ, thuận lợi để thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới, ưu tiên, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Về Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), Người đứng đầu Bộ Kế hoach và Đầu tư cho biết, IIP 2 tháng đầu năm 2024 tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 2,9%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,9% (cùng kỳ giảm 3,1%); chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) tháng 2 đạt 50,4 điểm, số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại, cho thấy tín hiệu tích cực của sản xuất công nghiệp thời gian tới.

Đáng chú ý, trong 2 tháng qua, có hơn 41.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Về đầu tư công, Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 29/2/2024, các bộ, cơ quan và địa phương đã phân bổ, giao chi tiết 631,9 nghìn tỷ đồng, đạt 94,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 33,5 nghìn tỷ đồng.

Ước thanh toán đến 29/2 là khoảng 60 nghìn tỷ đồng, đạt 9,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 6,97%). Có 29 bộ, cơ quan trung ương chưa thực hiện giải ngân kế hoạch năm 2024.

Về triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến ngày 26/2 có 45/48 địa phương đã giao chi tiết 24,37 nghìn tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2024 của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đạt 89,5% kế hoạch (bao gồm: 24,22 nghìn tỷ đồng vốn trong nước, 470,602 tỷ đồng vốn nước ngoài). Ước giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 2 là 3,29 nghìn tỷ đồng (đạt 15% kế hoạch)

Về triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, Người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, yêu cầu các bộ, cơ quan và địa phương tập trung triển khai công việc sau Tết, khẩn trương cụ thể hóa, đưa vào cuộc sống các luật, nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội.

Tiếp tục đẩy mạnh và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; làm tốt công tác an sinh xã hội; thực hiện 3 đột phá chiến lược, các giải pháp trong trung và dài hạn…