Nhiều doanh nhân trẻ Trung Quốc "đổ bộ" vào Đông Nam Á


Nhiều doanh nhân trẻ của Trung Quốc có trình độ học vấn tốt hơn và đầy tham vọng khi đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, trong đó có Đông Nam Á.

Các doanh nghiệp Trung đang “ồ ạt” chuyển hướng sang Đông Nam Á
Các doanh nghiệp Trung đang “ồ ạt” chuyển hướng sang Đông Nam Á

Vào năm 2021, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã cân nhắc việc mở rộng sang Châu Mỹ Latinh, Trung Đông hoặc Nga trước khi đổ bộ vào Đông Nam Á. Khó có con số chính xác về các công ty Trung Quốc ở Đông Nam Á, nhưng giới quan sát cho rằng có tới hàng nghìn công ty đang hiện diện trong khu vực này do những yếu tố địa chính trị cùng với nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, buộc các doanh nghiệp phải tìm kiếm cơ hội ở nơi khác.

Cộng đồng doanh nhân trẻ Trung Quốc khác với những thế hệ trước, họ giàu có hơn, có trình độ học vấn cao và có tham vọng vượt ra ngoài biên giới. Trong vài năm qua, họ nhận thấy rằng hoạt động của doanh nghiệp trong khu vực Đông Nam Á đang tiến triển tốt hơn ở Trung Quốc khi nhiều quốc gia trong khu vực đang có sự tăng trưởng ổn định. 

Indonesia là thị trường quan trọng nhất đối với các công ty Trung Quốc. Một số công ty lớn có liên kết với Trung Quốc đã đặt trụ sở ở đó. J&T Express, một công ty chuyển phát nhanh có trụ sở tại Jakarta, thủ đô của Indonesia, đã nhận được sự hỗ trợ bởi các nhà đầu tư Trung Quốc bao gồm Tencent, một công ty công nghệ Trung Quốc. Trong khi đó, Tsingshan, nhà sản xuất thép không gỉ và niken lớn nhất thế giới, thống trị hoạt động chế biến niken ở nước này.

Ngoài những gã khổng lồ, vô số công ty nhỏ hơn đã xuất hiện trên khắp khu vực. Năm 2022, khoản đầu tư hàng năm của Trung Quốc vào lĩnh vực y tế ở Đông Nam Á ước tính khoảng 1,6 tỷ USD, gấp ba lần so với năm 2015.

Theo Angus Mackintosh, nhà sáng lập CrossASEAN Research, một công ty nghiên cứu độc lập, có rất nhiều yếu tố thúc đẩy sự dịch chuyển của các doanh nghiệp Trung Quốc. Cụ thể, ông chỉ ra chi phí sản xuất, đặc biệt là chi phí lao động, đã tăng đáng kể ở Trung Quốc, khiến các công ty phải di dời đến các địa điểm sản xuất có chi phí thấp hơn để sản xuất những mặt hàng thâm dụng lao động hơn, bao gồm Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc ngừng hoạt động hoàn toàn trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19 đã tác động đáng kể đến chuỗi cung ứng và tạo thêm động lực cho nhiều doanh nghiệp chuyển dịch sang Đông Nam Á trong các lĩnh vực sản xuất ô tô, dược phẩm...

Việc phụ thuộc quá nhiều vào sản xuất của Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng thương mại Trung-Mỹ, đã khiến các công ty đa dạng hóa sản xuất sang các nước khác, bao gồm Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia và Việt Nam.

Sự dịch chuyển của các doanh nghiệp Trung Quốc thế hệ mới sang Đông Nam Á đang giúp các quốc gia trong khu vực nâng cao chất lượng sản phẩm và tiến xa hơn trong chuỗi giá trị. Cụ thể, tăng việc làm tại chỗ, đồng nghĩa với việc đào tạo nhiều hơn sẽ giúp cải thiện nguồn nhân lực của khu vực.

Tuy nhiên, bà Liu Yuan, nhà tư vấn kinh doanh giúp các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng sang Việt Nam, cho biết hầu hết khách hàng của bà không có kế hoạch định cư lâu dài tại khu vực này. Điều này hoàn toàn trái ngược với nhiều thế hệ cộng đồng người Hoa trước đây. "Các doanh nhân thế hệ trẻ của Trung Quốc kỳ vọng thông qua việc phát triển thị trường tại Đông Nam Á, họ có thể tận dụng lợi thế thị trường mở để tiến sang phía Tây".

Việc thu hút các dự án công nghệ cao từ Trung Quốc đang thực sự là cơ hội để các nước Đông Nam Á nói chung nâng cao hiệu quả thu hút FDI, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài.

Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) Nguyễn Văn Toàn lưu ý, để thu hút hiệu quả các dự án FDI từ các quốc gia nói chung và Trung Quốc nói riêng, Việt Nam cần tạo lập hệ sinh thái cho thu hút và phát triển công nghệ; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp...

Theo Cẩm Anh/Diendandoanhnghiep.vn