“Ngày xanh” của Quốc hội Khóa XV


“2024 là năm rất đặc biệt! Mọi cấp ngành, mọi cơ quan, đơn vị đều phải tăng tốc để thực hiện thắng lợi các kế hoạch, mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh như vậy trong cuộc gặp mặt các cơ quan của Quốc hội cùng toàn thể cán bộ, người lao động của Văn phòng Quốc hội vào sáng 15/2.

Với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, khối lượng công việc năm nay thậm chí còn nhiều hơn của các năm trước. Vì vậy, “tinh thần phải rất khẩn trương, thời gian chính là lực lượng", người đứng đầu Quốc hội nói, và mong muốn các cơ quan của Quốc hội triển khai công việc ngay từ những ngày, tháng đầu năm theo chương trình, kế hoạch đã định.

Sau cuộc gặp mặt đầm ấm và gọn nhẹ, tất cả đã bắt tay vào việc với tinh thần mới, khí thế mới. Có thể nói, trong bầu không khí chung của cả nước, năm 2024, Quốc hội bước vào giai đoạn quan trọng của nhiệm kỳ XV với nhiều mục tiêu và nhiệm vụ lớn lao. Chẳng hạn, trong hoạt động lập pháp, dự kiến, Quốc hội sẽ cho ý kiến và thông qua hơn 20 dự án luật và Nghị quyết. Trong đó có những dự luật quan trọng, tác động sâu rộng đến kinh tế - xã hội và người dân như: dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); dự án Luật Việc làm (sửa đổi); hay dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn…

Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đã ghi nhận bước tiến dài trong hoạt động lập pháp, đó là cách làm “chuẩn bị từ sớm, từ xa” cho việc thẩm tra luật; và Quốc hội sẵn sàng họp bất thường để xử lý các vấn đề quan trọng của quốc gia chứ không chờ “hạ, đông nhị kỳ”, “đến hẹn lại lên” mới họp. Vậy nhưng nhìn về tương lai, khi kinh tế số được nhìn nhận như là một động lực tăng trưởng mới quan trọng của đất nước trong một thập kỷ tới, thì giải những bài toán về tài sản số, về thuế, về hợp tác công - tư trong đầu tư hạ tầng kết nối và hạ tầng dữ liệu, về thương mại số xuyên biên giới, về xử lý tranh chấp trên môi trường số… là những công việc nặng nề đặt trên bàn Quốc hội; và khâu chuẩn bị phải ngay từ thời điểm này. 

Tương tự, năm 2024, hoạt động giám sát cũng được cử tri đặc biệt trông đợi và gửi gắm nhiều kỳ vọng khi Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các dự án quan trọng quốc gia; về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Đây đều là những vấn đề quan trọng, có ý nghĩa thiết thực với đất nước và người dân, đồng thời là những chuyên đề giám sát lớn và khó. Những “nút thắt” nếu được tháo gỡ sau các cuộc giám sát sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, hạ tầng cũng như góp phần hiện thực hóa giấc mơ an cư lạc nghiệp, cải thiện đời sống của người dân - đó cũng là mục tiêu cao nhất của Quốc hội. 

Liên tục đổi mới gần dân hơn, hoạt động hiệu quả hơn và phục vụ lợi ích người dân tốt hơn là “kim chỉ nam”, là “sợi chỉ đỏ” của Quốc hội Khóa XV. Lãnh đạo Quốc hội, qua các nhiệm kỳ, cũng luôn nhấn mạnh: hoạt động của Quốc hội còn nhiều dư địa để đổi mới. Nếu như đổi mới, cải tiến là không có giới hạn và khối lượng công việc còn lại là rất lớn thì thời gian của Quốc hội Khóa XV là có giới hạn, sẽ kết thúc vào năm 2026.

“Ngày xanh như ngựa” là một ý thơ của nhà thơ Tản Đà. Ông có lẽ hàm ý rằng tuổi thanh xuân, cái tuổi đẹp nhất của đời người, trôi đi rất, rất nhanh. Vào giữa nhiệm kỳ, Quốc hội Khóa XV đang trong những "ngày xanh" của mình - thời điểm chín muồi để bằng hoạt động, đổi mới của mình, tiếp tục ghi đậm dấu ấn của mình trong lịch sử.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn