Mùa Đại hội cổ đông 2024: Phát hành cổ phiếu “nóng” trở lại

Huyền Châm

Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong các nội dung sẽ làm “nóng” mùa đại hội cổ đông năm nay là các phương án phát hành cổ phiếu của các doanh nghiệp, bởi hoạt động này đã im ắng thời gian khá dài do điều kiện thị trường chứng khoán không thuận.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thiên thời đã thuận

Năm 2020, VN-Index tăng trưởng 14,86%, HNX-Index tăng gần gấp đôi trong năm này. Sang năm 2021, chỉ số sàn HOSE bật tăng gần 35,74%, đưa chỉ số chứng khoán Việt nằm Top 7 chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới. Trong năm đó, các mốc kỷ lục về điểm số lẫn thanh khoản được xác lập. Yếu tố thúc đẩy thị trường đến từ dòng tiền giá rẻ “bít” kênh đầu tư do đại dịch COVID-19 khiến tiền từ doanh nghiệp, cá nhân đổ mạnh mẽ vào chứng khoán.

Thị trường chứng khoán, nơi được ví là thị trường của niềm tin, niềm tin giới đầu tư lên cao, dòng tiền đổ vào mạnh sẽ thúc đẩy thị trường đi lên, cùng với đó, doanh nghiệp cũng thu hút được vốn huy động thông qua phát hành cổ phiếu.

Hậu COVID-19, lãi suất tăng, sức khỏe nhiều doanh nghiệp yếu ớt, thị trường trái phiếu, cổ phiếu được rà soát lại với hàng loạt vụ án sai phạm liên quan Tân Hoàng Minh, FLC, Vạn Thịnh Phát… khiến thị trường chứng khoán kết năm 2022 giảm 34%, về sát mốc 1.000 điểm. Niềm tin giới đầu tư suy giảm đáng kể. Kéo theo đó, hoạt động phát hành trái phiếu lẫn cổ phiếu trở nên trầm lắng hơn bao giờ hết.

Khi mọi chuyện tỏ tường, thị trường được củng cố niềm tin, đáy thị trường được xác nhận. VN-Index kết năm 2023 tăng 12,2%. Câu chuyện về KRX, nâng hạng thị trường chứng khoán được quan tâm, được chỉ đạo bởi các cấp, các ngành với quyết tâm lớn đã mở ra kỳ vọng mới cho thị trường chứng khoán. Đồng thời, đây cũng là thời điểm “thiên thời” thuận lợi cho hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp thông qua kênh phát hành cổ phiếu.

Đến hẹn lại lên, thời điểm này, các doanh nghiệp lần lượt công bố thông tin trên các sở Giao dịch Chứng khoán về ngày đăng ký chốt quyền tham dự Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) 2024. Sau giai đoạn gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp được dự báo sẽ trình cổ đông các mục tiêu kinh doanh tăng trưởng ấn tượng. Giới đầu tư theo đó sẽ “đãi cát tìm vàng” thông qua các con số, các dự án, kế hoạch kinh doanh…

“Đại hội cổ đông năm nay, bức tranh kinh tế thực sẽ sáng màu hơn so với năm ngoái, thông tin đề cập trong đại hội thuận lợi hơn cho năm 2024. Theo quan sát của tôi, chủ đề được nói nhiều sẽ là phát hành cổ phiếu. Tôi thấy khá nhiều kế hoạch phát hành cổ phiếu của nhiều ngành nghề, trong đó phải kể đến bất động sản, chứng khoán”, ông Nguyễn Thanh Lâm - Giám đốc Phân tích Khách hàng cá nhân, Maybank Investment Bank (MSVN) cho biết.

Đổ bộ phát hành cổ phiếu

Dễ thấy, khi thị trường theo hướng “up trend”, hàng loạt công ty chứng khoán đã chia sẻ kế hoạch phát hành tăng vốn, nhằm mục đích bổ sung vốn cho các hoạt động trong đó phải kể đến mảng cho vay ký quỹ (margin).

Mới đây, CTCP Chứng khoán SSI (mã SSI) thông báo ngày 19/3 tới sẽ chốt danh sách cổ đông dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 theo hình thức họp trực tiếp ngày 25/4.

Hồi cuối năm ngoái, SSI đã lấy ý kiến cổ đông về kế hoạch phát hành tối đa hơn 453,3 triệu cổ phiếu bao gồm hơn 302,2 triệu cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 20% và hơn 151,1 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, giá chào bán 15.000 đồng/CP; dự kiến huy động thêm 2.267 tỷ đồng nhằm bổ sung vốn cho hoạt động đầu tư và cho vay margin. Nếu thành công, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng lên mức 19.645 tỷ đồng.

Thời điểm đó, SSI dự kiến phát hành trong 2023-2024 hoặc thời gian khác tùy theo quyết định của HĐQT. Với điều kiện thị trường hiện nay, thời điểm cụ thể phát hành sẽ được cổ đông quan tâm tại đại hội tới.

Ngoài SSI, nhiều công ty ngành Chứng khoán có kế hoạch tăng vốn. Như Công ty Cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (mã HCM) có kế hoạch phát hành 297 triệu cổ phiếu thông qua 2 phương án là chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu để trả cổ tức đợt 2 năm 2021, qua đó tăng vốn điều lệ lên 7.552 tỷ đồng. Vốn thu được bổ sung hoạt động cho vay margin, tự doanh, nâng cao năng lực tài chính công ty.

Bên cạnh các “ông lớn”, nhiều công ty cùng ngành chứng khoán ghi nhận kế hoạch tăng vốn như VCI, VND hay ORS, IVS… cùng với mục đích huy động vốn cho vay margin, tự doanh…

Một ngành có kế hoạch rầm rộ về phát hành thời gian qua đó là ngân hàng. Trước áp lực về tăng vốn, tiến tới các chuẩn mực của Basel III, nhiều nhà băng lên kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu và sẽ trình cổ đông thông qua trong kỳ đại hội thường niên năm nay.

Cụ thể, trong năm qua, VietcomBank (mã VCB) đã hoàn thành tăng vốn lên gần 56.000 tỷ đồng. Hay VietinBank (mã CTG) đã tăng vốn lên 53.700 tỷ đồng và sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu, dự kiến số tiền sẽ chia gần 11.648 tỷ đồng. Ngân hàng này dự kiến giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 và lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024 - 2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng…

Loạt ngân hàng khác đã công bố nội dung họp đại hội có đề cập nội dung phát hành cổ phiếu như Bac A Bank, SaigonBank, Techcombank, VPBank, VIB…

Một doanh nghiệp khác trên HOSE có kế hoạch phát hành lượng lớn cổ phiếu dự kiến cũng được đông đảo cổ đông quan tâm là Novaland (mã NVL). Doanh nghiệp bất động sản này có kế hoạch phát hành 1,37 tỷ cổ phiếu trong năm 2024 này. NVL dự kiến dùng số tiền huy động được để tái cơ cấu nợ, thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn, chi phí vận hành doanh nghiệp…

Một doanh nghiệp có kế hoạch phát hành rầm rộ được chú ý hiện nay phải kể đến Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) với kế hoạch phát hành 130 triệu cổ phiếu, huy động 1.300 tỷ đồng. Sau thời gian dài ngập trong nợ nần, lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng, HAG đang nỗ lực tái cơ cấu. Với những khởi sắc từ sản xuất kinh doanh, “bầu” Đức mới đây tự tin sẽ xóa lỗ lũy kế của HAG trong năm 2024, tất toán mọi khoản nợ để trở thành công ty đầu tiên trên sàn chứng khoán không có nợ, kể cả vay vốn lưu động vào năm 2026…

Theo đánh giá của chuyên gia MSVN, các kế hoạch phát hành của doanh nghiệp là chủ đề đặc biệt hơn sau một giai đoạn khá dài 2-3 năm gần như bị lắng xuống do điều kiện thị trường không thuận lợi cho phát hành cổ phiếu. “Doanh nghiệp nào có câu chuyện về vấn đề tăng vốn sẽ tạo được sự quan tâm nhất định với giới đầu tư, với cổ đông”, ông Nguyễn Thanh Lâm nhận định.