Kinh doanh vận tải theo tuyến cố định thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng

PV. (t/h)

Bộ Tài chính khẳng định, kiến nghị sửa Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo hướng quy định vận tải theo tuyến cố định khác thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT là không phù hợp.

Kiến nghị sửa Luật thuế GTGT theo hướng quy định vận tải theo tuyến cố định khác thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT là không phù hợp với Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.
Kiến nghị sửa Luật thuế GTGT theo hướng quy định vận tải theo tuyến cố định khác thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT là không phù hợp với Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

Gửi kiến nghị đến Bộ Tài chính, cử tri tỉnh Lâm đồng cho biết, kinh doanh vận tải theo hợp đồng và kinh doanh vận tải theo tuyến cố định cùng chịu thuế suất GTGT như nhau. 

Tuy nhiên, kinh doanh vận tải theo hợp đồng thì giá cả do 2 bên thỏa thuận và không tốn chi phí bến bãi nên lợi nhuận hợp đồng sẽ cao hơn kinh doanh vận tải theo tuyến cố định khi cùng vận chuyển một lượng khách và hành trình như nhau. Như vậy, chạy theo lợi nhuận cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng “bến cóc, xe dù”, xe hợp đồng trá hình xe tuyến cố định.

Để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh vận tải theo tuyến cố định mang lại hiệu quả và góp phần ngăn chặn tình trạng “bến cóc, xe dù”, xe hợp đồng trá hình xe tuyến cố định, cử tri đề nghị Bộ Tài chính trình Quốc hội sửa Luật thuế GTGT theo hướng miễn, giảm thuế GTGT cho kinh doanh vận tải theo tuyến cố định vì loại hình này tính chất hoạt động và phục vụ cũng như kinh doanh vận tải khách công cộng bằng xe buýt. Đồng thời, đề nghị sửa quy định về quản lý giá cước vận tải khách theo hợp đồng như vận tải khách tuyến cố định để đảm bảo bình đẳng giữa các loại hình vận tải.

Trả lời cử tri, Bộ Tài chính cho biết, tại Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thuế gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; bảo đảm tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng giữa thuế gián thu và thuế trực thu ở mức hợp lý, khai thác tốt thuế, phí và lệ phí thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong pháp luật thuế và chính sách miễn, giảm, bảo đảm tính trung lập của thuế, hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước, đồng thời, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập hợp lý, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế.

Khoản 16, Điều 5, Luật thuế GTGT số 13/2008/QH13 ngày 03/6/2008 của Quốc hội quy định vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, xe điện thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nhằm khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng.

Việc xác định thế nào là hoạt động vận tải công cộng thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành về giao thông vận tải. Do đó, hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định thuộc hoạt động vận tải công cộng thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định tại Luật thuế GTGT hiện hành. Do vậy, kiến nghị sửa Luật thuế GTGT theo hướng quy định vận tải theo tuyến cố định khác thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT là không phù hợp với Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 nêu trên.

Đối với kiến nghị quản lý giá cước vận tải khách theo hợp đồng như vận tải khách theo tuyến cố định để đảm bảo bình đẳng giữa các loại hình vận tải, Bộ Tài chính đề nghị đoàn Đại biểu tỉnh Lâm Đồng có ý kiến với cơ quan quản lý chuyên ngành để xử lý theo quy định.