Yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm tại TP. Hồ Chí Minh

Lê Thị Thanh Kiều - Trường Đại học Ngân hàng, TP. Hồ Chí Minh

Nghiên cứu này xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Từ lý thuyết về năng lực cạnh tranh và nghiên cứu định tính, nghiên cứu này đã xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm, bao gồm: Nguồn nhân lực; Năng lực tài chính; năng lực quản trị; năng lực marketing; trình độ công nghệ và mối quan hệ. Nghiên cứu được thực hiện dựa trên bảng câu hỏi khảo sát được gửi tới 250 người là các nhân viên và các cá nhân giữ các chức vụ quản lý ở các doanh nghiệp bảo hiểm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Kết quả phân tích cho thấy, các yếu tố đều tác động theo các mức độ khác nhau đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bảo hiểm.

Tổng quan nghiên cứu

Theo Luật Bảo hiểm năm 2014: bảo hiểm là hoạt động kinh doanh, trong đó tổ chức bảo hiểm hoặc cá nhân, tổ chức kinh doanh có giấy phép kinh doanh bảo hiểm cam kết trả cho bên được bảo hiểm tiền bảo hiểm khi xảy ra một trong các trường hợp đối với rủi ro đã được thỏa thuận, trừ các trường hợp pháp luật cấm. Như vậy, bảo hiểm là một hình thức tài chính mà một tổ chức bảo hiểm hoặc một cá nhân chấp nhận rủi ro và chịu trách nhiệm chi trả một khoản tiền bồi thường hoặc một lợi ích khác cho người được bảo hiểm trong trường hợp có sự cố xảy ra.

"Năng lực cạnh tranh" là thuật ngữ kinh tế phổ biến và được diễn giải theo nhiều cách khác nhau. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), năng lực cạnh tranh đề cập đến khả năng nâng cao năng suất sản xuất của doanh nghiệp (DN), ngành, quốc gia hoặc khu vực, tạo ra việc làm và thu nhập cao hơn. Theo Porter (1996), năng lực cạnh tranh được đánh giá thông qua các chỉ số như năng suất lao động, khả năng duy trì và mở rộng thị trường bằng cách tiêu thụ các sản phẩm cùng loại hoặc sản phẩm thay thế để đạt lợi nhuận cao hơn.

Tóm lại, năng lực cạnh tranh là khả năng kinh doanh hiệu quả để trở thành điểm mạnh của DN. Để thành công trong cạnh tranh, DN phải tập trung vào tối ưu hóa nguồn lực lao động và vật chất để đạt được chi phí sản xuất thấp hơn và giá cả đầu ra cao hơn.

Đã có nhiều nhiên cứu trong và ngoài nước sử dụng các mô hình trong phân tích năng lực cạnh tranh DN. Prahalad và Hamel (2003) khi nghiên cứu về năng lực cạnh tranh của DN đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các yếu tố thuộc về năng lực nội sinh của DN. Đó là: Chiến lược kinh doanh của DN; Các cấu trúc, năng lực, khả năng sáng tạo; Các nguồn lực vô hình và hữu hình. Tác giả đã chỉ ra rằng, năng lực cạnh tranh của DN là khả năng phát triển và tận dụng tốt các nguồn lực của mình hơn đối thủ cạnh tranh, tức là cần dựa vào nguồn lực của DN. D'Cruz (1992) cho rằng, năng lực cạnh tranh của DN là khả năng thiết kế, sản xuất cung cấp sản phẩm ra thị trường với giá cả và chất lượng vượt trội. Từ đó cho thấy, việc phân tích năng lực cạnh tranh DN có thể dựa trên nhiều góc độ khác nhau tùy thuộc vào quan điểm và mức độ quan tâm của nhà nghiên cứu.

Trong nghiên cứu về chiến lược cạnh tranh, Porter (1980) cho rằng, sự thành công bền vững của DN sẽ không được đảm bảo lâu dài nếu DN chỉ tập trung vào 2 mục tiêu tăng trưởng và đa dạng hóa sản phẩm. Do đó, việc xây dựng một lợi thế cạnh tranh bền vững là điều vô cùng quan trọng. Điểm trọng tâm trong lý thuyết cạnh tranh của Porter (1980) đó là mô hình 5 áp lực cạnh tranh, bao gồm: Các đối thủ cạnh tranh trong ngành; Nhà cung ứng; Khách hàng; Sản phẩm thay thế; Các đối thủ tiềm năng. Mô hình này được sử dụng phổ biến trong giảng dạy, nghiên cứu về năng lực cạnh tranh DN ở nhiều quốc gia và Việt Nam.

Tại Việt Nam, Son và Nga (2014) đã thiết kế về năng lực cạnh tranh dựa trên việc phân tích chi tiết các đặc trưng của ngành may mô phỏng theo mô hình kim cương của Porter (1990) để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các DN may ở miền trung Việt Nam. Long (2017) nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của DN du lịch Bến Tre. Nghiên cứu cho thấy, có 8 yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của DN du lịch gồm: nguồn nhân lực; chất lượng sản phẩm, dịch vụ; điều kiện môi trường điểm đến; cạnh tranh về giá; năng lực tổ chức, quản lý; năng lực tiếp thị; thương hiệu; trách nhiệm xã hội.

Mô hình nghiên cứu đề xuất

Dựa vào nghiên cứu về chiến lược cạnh tranh của (Porter, 1980), các nghiên cứu của tác giả trên và điều kiện thực tế của các DN bảo hiểm (DNBH) đang hoạt tại TP. Hồ Chí Minh, tác giả đề xuất mô hình các yếu tố tác động đến năng lực cạnh tranh của các DNBH tại TP. Hồ Chí Minh gồm: Nguồn nhân lực; Năng lực tài chính; Năng lực quản trị; Năng lực marketing; Trình độ công nghệ và Mối quan hệ.

Mô hình nghiên cứu đề xuất như Hình 1.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này được thực hiện bằng cách sử dụng kết hợp 2 phương pháp: định tính và định lượng.

- Nghiên cứu định tính nhằm đánh giá việc sử dụng các thuật ngữ trong bảng câu hỏi và làm rõ nghĩa của từng câu; Kiểm tra xem các thang đo được sử dụng trong khảo sát có phù hợp để đánh giá năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm hay không.

- Để nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các DNBH, tác giả tiến hành nghiên cứu định lượng chính thức sau khi đã thực hiện nghiên cứu định lượng sơ bộ. Nghiên cứu được thực hiện bằng phương pháp khảo sát 250 nhân viên và các nhân sự là lãnh đạo cấp phòng ban của các DNBH tại TP. Hồ Chí Minh. Nghiên cứu sử dụng bảng câu hỏi khảo sát dựa trên thang đo Likert 5 để thu thập dữ liệu. Sau khi thu thập dữ liệu, tác giả đã tổng hợp, xem xét và làm sạch các câu trả lời không hợp lệ có thể làm ảnh hưởng đến kết quả khảo sát tổng thể và mã hóa chúng để đưa vào phần mền xử lý. Phần mềm xử lý số liệu thống kê SPSS phiên bản 26 được sử dụng để phân tích dữ liệu. Các phân tích bao gồm: phân tích độ tin cậy thang đo bằng hệ số Cronbach's Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA), phân tích tương quan Pearson và phân tích hồi quy đa biến để kiểm định các giả thuyết nghiên cứu trong mô hình.

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Kết quả kiểm định thang đo

Giá trị hệ số Cronbach’s Alpha từ 0.7 trở lên được coi là có độ tin cậy tốt để sử dụng trong nghiên cứu (Nunnally, 1978). Tuy nhiên, nếu giá trị này quá thấp (< 0.6), thì thang đo cần được đánh giá lại và có thể cần phải loại bỏ một số quan sát cải thiện độ tin cậy của thang đo. Hệ số Cronbach's Alpha càng cao thể hiện độ tin cậy của thang đo càng cao. Bảng 1 cho thấy, các thang đo có hệ số Cronbach's Alphai khá cao. Điều đó cho thấy, các quan sát của một biến độc lập có sự tương quan chặt chẽ với nhau và đạt yêu cầu kiểm định.

 

Bảng 1: Cronbach’s Alpha của các biến độc lập

Thang đo

Số biến quan sát

Hệ số Cronbach's Alpha

Hệ số tương quan biến tổng nhỏ nhất

Nguồn nhân lực

5

0.871

0.666

Năng lực tài chính

5

0.893

0.708

Năng lực quản trị

5

0.838

0.592

Năng lực marketing

5

0.851

0.613

Trình độ công nghệ

4

0.912

0.758

Mối quan hệ

4

0.932

0.742

Năng lực cạnh tranh

3

0.724

0.501

Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ kết quả phân tích bằng SPSS, 2023

Kết quả phân tích nhân tố

Phân tích nhân tố khám phá (EFA) để xác định các nhân tố ẩn trong một tập dữ liệu. Phân tích EFA được sử dụng để khám phá cấu trúc của dữ liệu và giảm số lượng biến ban đầu hay nói cách khác, là đánh giá độ tin cậy của các yếu tố.

Biến độc lập:

- Kết quả phân tích EFA cho thấy, hệ số KMO = 0.905. Điều này khẳng định rằng, phân tích nhân tố là phù hợp.

- Kiểm định Barlett’s là 4999.807 với mức ý nghĩa nhỏ hơn < 0.05, chứng tỏ các biến quan sát có tương quan với nhau trong cùng yếu tố.

- Trị số Eigenvalue nhỏ nhất = 1.431, thỏa mãn điều kiện Kaiser lớn hơn 1 và đảm bảo hình thành yếu tố mới.

- Tổng phương sai trích là 70,103% (> 50%) cùng với số nhân tố được rút là 6 nhóm đạt khả năng giải thích 70,103% sự biến thiên của dữ liệu.

- Tất cả các biến đều có hệ số tải nhân tố lớn hơn 0.5.

Biến phụ thuộc:

Kết quả phân tích EFA biến phụ thuộc cho thấy, 3 quan sát của thang đo năng lực cạnh tranh được nhóm thành 1 nhân tố. Các biến quan sát đều phù hợp với hệ số KMO = 0.670, tổng phương sai trích là 64,476%; Hệ số tải nhân tố của các biến quan sát đều lớn hơn 0.5 và kiểm định Bartlett’s có mức ý nghĩa là 0.000.

Tương quan Pearson:

Trước khi phân tích hồi quy tuyến tính bội cần xem xét các mối quan hệ tương quan tuyến tính giữa biến phụ thuộc và các biến độc lập cũng như giữa các biến độc lập với nhau. Nếu hệ số tương quan giữa biến phụ thuộc và biến độc lập lớn chứng tỏ giữa chúng có mối quan hệ với nhau và phân tích hồi quy là có thể phù hợp.

Tương quan giữa biến độc lập và biến phụ thuộc:

Trọng và Ngọc (2010) cho rằng, hệ số tương quan giữa các biến độc lập với biến phụ thuộc có giá trị từ 0.3 trở lên là phù hợp và có thể thực hiện phân tích hồi quy bội. Kết quả phân tích được tổng hợp ở bảng 2 cho thấy, hệ số tương quan giữa biến độc lập và biến phụ thuộc đều lớn hơn 0.3. Với mức ý nghĩa 1%, sơ bộ nhận thấy có thể đưa các biến độc lập vào mô hình để giải thích cho biến phụ thuộc – năng lực cạnh tranh của các DNBH tại TP. Hồ Chí Minh.

Bảng 2: Hệ số tương quan Pearson giữa biến độc lập và biến phụ thuộc

   

Nguồn nhân lực

Năng lực tài chính

Năng lực quản trị

Năng lực marketing

Trình độ công nghệ

Mối quan hệ

Năng lực cạnh tranh

Tương quan Pearson

0.491**

0.526**

0.592**

0.516**

0.560**

0.689**

Mức ý nghĩa

0.000

0.000

0.000

0.000

0.000

0.000

N

250

250

250

250

250

250

** Tương quan ở mức ý nghĩa 1%

Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ kết quả phân tích bằng SPSS (2023)

Tương quan giữa các biến độc lập:

Kết quả phân tích như trình bày ở Bảng 3 cho thấy, các biến độc lập: Nguồn nhân lực; năng lực tài chính; năng lực quản trị; năng lực marketing, trình độ công nghệ và mối quan có mối tương quan khá cao (nhỏ nhất là 0.310) như vậy, mô hình có khả năng xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến.

Bảng 3: Hệ số tương quan Pearson giữa biến độc lập

Nguồn nhân lực

Năng lực tài chính

Năng lực quản trị

Năng lực marketing

Trình độ công nghệ

Mối quan hệ

1

0.318**

0.424**

0.341**

0.310**

0.375**

 

1

0.473**

0.340**

0.416**

0.466**

   

1

0.386**

0.508**

0.551**

     

1

0.387**

0.359**

       

1

0.574**

         

1

** Tương quan ở mức ý nghĩa 1%

Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ kết quả phân tích bằng SPSS (2023)

Phân tích hồi quy:

Hồi quy tuyến tính nhiều biến có các chức năng chính như một công cụ mô tả và khẳng định/bác bỏ các giả thuyết nghiên cứu đã nêu cũng như dự báo các mức độ liên hệ giữa các biến ở mức độ tổng thể chứ không chỉ dừng lại ở mẫu. Bằng phương pháp Enter, 6 biến độc lập được đưa vào cùng một thời điểm để xác định biến nào được chấp nhận. Kết quả ở Bảng 4 cho thấy mô hình hồi quy đưa ra tương đối phù hợp với mức ý nghĩa 1%. Hệ số R2 hiệu chỉnh = 0.627, tức là có khoảng 62,7% phương sai năng lực cạnh tranh được giả thích bởi 6 biến độc lập là: nguồn nhân lực; năng lực tài chính; năng lực marketing; trình độ công nghệ; mối quan hệ. Còn lại 37,3% năng lực cạnh tranh của các DNBH tại TP.Hồ Chí Minh được giải thích bằng các yếu tố khác.

Bảng 4: Kết quả phân tích hồi quy bội

Mô hình

R

R2

R2 hiệu chỉnh

Ước lượng sai số chuẩn

Durbin

-Watson

1

0.798a

0.636

0.627

0.34228

1.931

Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ kết quả phân tích bằng SPSS, 2023

Thông qua hệ số Durbin - Watson để kiểm định hiện tượng tự tương quan của mô hình hồi quy. Kết quả phân tích cho thấy, hệ số Durbin - Watson (1 < 1.931 < 3). Theo Trọng và Ngọc (2010), có thể kết luận mô hình hồi quy không xảy ra hiện tượng tự tương quan. Như vậy, dữ liệu thu được phù hợp với mô hình kiểm định.

Tất cả 6 yếu tố tác động đến năng lực cạnh tranh của các DNBH tại TP. Hồ Chí Minh đều có ý nghĩa thống kê, với mức ý nghĩa nhỏ hơn 5% khi mỗi hệ số hồi quy được xác thực bằng kiểm định t. Hiện tượng đa cộng tuyến cũng được kiểm tra bằng hệ số VIF để khẳng định không có hiện tượng đa cộng tuyến (Trọng và Ngọc, 2010).

Từ kết quả trên, phương trình hồi quy chuẩn hoá được xác định như sau:

Năng lực cạnh tranh = 0.366*(Mối quan hệ) + 0.194*(Năng lực marketing) + 0.156*(Nguồn nhân lực) + 134*(Năng lực tài chính) + 0.134*(Năng lực quản trị) + 0.103*(Trình độ công nghệ)

Thông qua hệ số beta chuẩn hoá có thể thấy được, trong 6 yếu tố tác động đến năng lực cạnh tranh của các DNBH thì yếu tố mối quan hệ tác động mạnh nhất đến năng lực cạnh tranh của các DNBH với hệ số hồ quy chuẩn hoá là 0.366, mức ý nghĩa nhỏ hơn 0,1%, tức là khi DN có nhiều mối quan hệ với bên ngoài với các đối tác, các khách hàng tiềm năng sẽ góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh so với các DNBH khác.

Kết luận

Bảng 5: Hệ số hồi quy

Mô hình

Hệ số chưa chuẩn hoá

Hệ số chuẩn hoá

t

Mức ý nghĩa

Đa cộng tuyến

B

Sai số chuẩn

Beta

Dung sai

VIF

1

Hằng số

0.372

0.169

 

2.194

0.029

   
 

Nguồn nhân lực

0.105

0.030

0.156

3.508

0.001

0.760

1.315

 

Năng lực tài chính

0.101

0.035

0.134

2.877

0.004

0.688

1.454

 

Năng lực quản trị

0.127

0.049

0.134

2.593

0.010

0.563

1.777

 

Năng lực marketing

0.173

0.040

0.194

4.367

0.000

0.758

1.318

 

Trình độ công nghệ

0.087

0.043

0.103

2.055

0.041

0.590

1.694

 

Mối quan hệ

0.327

0.047

0.366

6.972

0.000

0.544

1.839

Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ kết quả phân tích bằng SPSS, 2023

Kết quả nghiên cứu cho thấy, 6 yếu tố tác động đến năng lực cạnh tranh của DNBH tại TP. Hồ Chí Minh. Tất cả 6 yếu tố, gồm: Nguồn nhân lực; năng lực tài chính; năng lực quản trị; năng lực marketing; trình độ công nghệ; mối quan hệ đều tác động cùng chiều đối với năng lực cạnh tranh của các DNBH tại TP. Hồ Chí Minh. Những yếu tố này là động lực để các DNBH tại TP. Hồ Chí Minh tăng cường các nguồn lực, tận dụng tối đa các mối quan hệ sẵn có của DN và phát triển các mối quan hệ tiềm năng, đồng thời, tận dụng tối đa công nghệ để nâng cao năng lực marketing cũng như năng lực quản trị để mở rộng thị trường, gia tăng số lượng khách hàng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Long, N. T. (2017), Nghiên cứu các tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch Bến Tre. Tạp chí Khoa học Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, 12(1);
  2. Trọng, H., & Ngọc, C. N. M. (2010), Thống kê ứng dụng trong kinh tế - xã hội. NXB Lao động – Xã hội;
  3. D'Cruz, J. R. (1992). New compacts for Canadian competitiveness. Diane Publishing;
  4. Nunnally, J. C. (1978). Psychometric Theory 2nd ed. Mcgraw hill book company;
  5. Porter, M. E. (1980). Competitive strategy: Techniques for analyzing industries and competitors. In: New York: Free Press.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2023