Xuất khẩu cá ngừ sẽ cán đích “tỷ đô”

Theo Báo Đại biểu Nhân dân (daibieunhandan.vn)

Nguồn nguyên liệu ổn định, năng lực chế biến cải thiện, nhu cầu thị trường phục hồi sẽ giúp xuất khẩu cá ngừ của nước ta cán đích 1 tỷ USD trong năm nay sau khi mang về gần 808 triệu USD trong 9 tháng.

Dự báo xuất khẩu cá ngừ sẽ đạt trên 1 tỷ USD trong năm 2022
Dự báo xuất khẩu cá ngừ sẽ đạt trên 1 tỷ USD trong năm 2022

Tăng trưởng 55%

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hết quý III.2022, xuất khẩu hải sản đạt 3,4 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu cá ngừ tăng trưởng vượt trội, đạt gần 808 triệu USD, tăng 55%.

Chuyên gia thị trường cá ngừ Nguyễn Hà cho biết, mặc dù tốc độ tăng trưởng đã chậm lại song xuất khẩu thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304 của Việt Nam vẫn ở mức cao. Giá trị xuất khẩu nhóm sản phẩm này tăng 99% so với cùng kỳ; xuất khẩu cá ngừ đóng hộp tăng 6% và cá ngừ chế biến khác tăng 18%.

Về thị trường nhập khẩu, Mỹ vẫn đứng đầu với doanh số tháng 9 đạt trên 31 triệu USD. Tiếp đến là khối các nước thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EU. Về doanh nghiệp xuất khẩu, Dragon Waves, Bidifisco và Havuco là 3 công ty xuất khẩu cá ngừ lớn nhất, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 9 tháng đầu năm. 

Theo Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe, xuất khẩu cá ngừ những tháng cuối năm vẫn tăng trưởng tốt và sẽ chạm mốc 1 tỷ USD.

Ông Hòe cho rằng, có nhiều yếu tố thuận lợi để tự tin với mục tiêu này. Những năm trước, xuất khẩu cá ngừ đã hướng đến mục tiêu tỷ đô nhưng gặp khó khăn khi nguyên liệu chưa ổn định, năng lực chế biến nhiều hạn chế. Bây giờ, nguồn nguyên liệu bao gồm dự trữ và nhập khẩu đã tạm ổn, doanh nghiệp không phải lo lắng. Năng lực chế biến cũng tăng lên. Ngoài ra, nhu cầu thị trường cuối năm vẫn có, doanh nghiệp cá ngừ đang xuất khẩu vào những thị trường có nhu cầu cao. Điển hình là Mỹ đã phục hồi sau đại dịch nên nhu cầu sẽ ổn định.

Khai thác các thị trường tiềm năng

Để tăng trưởng thêm bền vững, bà Nguyễn Hà cho rằng, doanh nghiệp trong ngành cần tiếp tục tăng cường xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng và tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do.

Đơn cử, tại thị trường Trung Đông, Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 3 sau Thái Lan và Indonesia. Ngược lại, Trung Đông cũng là khối thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ và EU. Giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang khối thị trường này trong năm 2022 tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021, cao nhất trong 5 năm qua. Các nước Trung Đông nhập khẩu chủ yếu các sản phẩm thịt cá ngừ đông lạnh mã HS0304.

Tuy nhiên, Thái Lan đang có nguồn cung chiếm tỷ trọng lớn nhất gần 55%; Indonesia 9%; Việt Nam 7% và Trung Quốc 6%. Hiện giá cá ngừ nhập khẩu từ Thái Lan có xu hướng tăng cao, để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung từ nước này, các nhà nhập khẩu Trung Đông đang chuyển hướng sang tăng cường nhập khẩu cá ngừ từ các nguồn cung khác, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp cần nắm bắt được cơ hội tăng chất lượng lẫn sản lượng đẩy mạnh qua thị trường này.

Tương tự, năm nay do chi phí vận chuyển hàng hóa đường biển cao, các nhà đóng hộp của EU không muốn vận chuyển hàng hóa của họ qua cảng Rotterdam ở Hà Lan, điều này sẽ làm tăng thêm chi phí. Vì vậy, xuất khẩu cá ngừ sang EU như Bỉ, Đức có xu hướng tăng mạnh. Đến nay đã có hơn 50 doanh nghiệp đang tham gia xuất khẩu cá ngừ sang EU.

Với tình hình lạm phát tại EU vẫn không ngừng gia tăng, tiêu thụ cá ngừ tại khối thị trường này sẽ còn tiếp tục tăng, đặc biệt là với các sản phẩm cá ngừ đóng hộp. Xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang EU trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng, với lợi thế về mặt thuế quan theo hiệp định EVFTA doanh nghiệp cần nâng cao sức cạnh tranh tận dụng cơ hội vào thị trường này.

Cùng với đó, vướng mắc lớn cho ngành thủy sản nói chung và cá ngừ nói riêng là thẻ vàng IUU. Cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, ngư dân cần chung tay, nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng trong thời gian tới.