Tỷ lệ CASA: Càng cao có càng tốt?


Không thể phủ nhận những giá trị to lớn mà tỷ lệ CASA cao mang lại cho các ngân hàng…

CASA (Current Account Savings Account) là loại tiền gửi không kỳ hạn, hay tiền gửi khách hàng để trong tài khoản thanh toán nhằm thực hiện các thanh toán thường xuyên một cách tiện lợi, nhanh chóng.

Còn đối với các nhà băng, việc thu hút được tỷ lệ cao tiền gửi không kỳ hạn đóng vai trò quan trọng, vì nó tạo ra một nguồn vốn giá rẻ.

Thông thường, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp hơn rất nhiều so với tiền gửi có kỳ hạn, chỉ ở quanh mức 0,2%/năm.

Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng (CASA) càng cao sẽ tạo tiền đề giúp ngân hàng cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM), có thêm điều kiện cạnh tranh lãi suất cho vay trên thị trường.

Mặt khác, tỷ lệ CASA càng cao, càng phản ánh giá trị nền tảng mà mỗi ngân hàng thiết lập được trong chiến lược ngân hàng bán lẻ, tạo tài nguyên bán chéo các sản phẩm dịch vụ thay vì chỉ chủ yếu dựa vào tín dụng như truyền thống.

Tỷ lệ này cũng được xem là một điển hình cho xu hướng phát triển ngân hàng hiện đại, theo tốc độ chuyển đổi số và đổi thay phương thức thanh toán trong nền kinh tế.

Với những giá trị đó, những năm gần đây và hiện nay, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam chứng kiến cuộc đua ngày càng quyết liệt về tăng CASA.

Dù vậy, một câu hỏi đặt ra là: tỷ lệ CASA lên bao nhiêu là đủ? Có phải CASA càng cao thì càng tốt cho ngân hàng?

Người viết đem câu hỏi tham vấn một chuyên gia tài chính quốc tế, ông Eugene K.Gailbraith - chuyên gia tài chính người Mỹ, người có kinh nghiệm hơn 40 năm làm việc tại châu Á, từng là Chủ tịch Hội đồng Ủy viên Ngân hàng Trung ương châu Á – BCA , cố vấn cao cấp của McKinsey & Company, Bank Pictet & Cie Asia Ltd, Giám đốc độc lập của Ngân hàng BT Bukopin, hiện nay là Thành viên độc lập HĐQT Techcombank đã chia sẻ nhiều góc nhìn mới.

Theo ông Eugene, khi nhìn vào tỷ lệ CASA, ta sẽ thấy có tử số và mẫu số. Trong đó, tử số là tiền gửi không kỳ hạn còn mẫu số là tổng nguồn vốn huy động. Một ngân hàng có thể có tỷ lệ CASA lên tới 100% nếu họ không có bất kỳ khoản tiền gửi có kỳ hạn nào. Và điều này không hẳn là tốt.

“Chính vì vậy, khi bạn đề cập đến con số tỷ lệ CASA là cao hay thấp, tôi còn phải xem xét đến tiền gửi có kỳ hạn của ngân hàng đó là như thế nào, cấu trúc tổng nguồn huy động của họ ra sao. Vấn đề quan trọng thực sự ở đây, không phải là tỷ lệ CASA đang ở mức bao nhiêu mà chính là nguồn huy động cốt lõi ổn định”, ông Eugene nói.

Theo lý giải của chuyên gia, đặc điểm của tiền gửi không kỳ hạn là tương đối “lỏng lẻo” trong cơ cấu cân đối vốn, sự dịch chuyển có thể xảy ra bất cứ khi nào theo độ nhạy của lãi suất hoặc biến động thị trường, nên điều quan trọng là nguồn vốn huy động cốt lõi của ngân hàng cần phải ổn định qua các chu kỳ của nền kinh tế.

Dù vậy, như đã phân tích ở trên, không thể phủ nhận những giá trị to lớn mà một tỷ lệ CASA cao mang lại cho các ngân hàng.

Cũng vì lẽ đó, trong vài năm trở lại đây, các nhà băng lần lượt chuyển hướng tập trung sang cho vay bán lẻ, liên tục đưa ra các chính sách miễn các loại phí giao dịch, miễn phí chuyển tiền và rút tiền…

Để tăng tính bền vững cho nguồn tiền gửi này, các thành viên ngày càng chú trọng đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin, đặc biệt là phát triển hệ thống ngân hàng giao dịch và gia tăng các sản phẩm, chính sách tiện ích, thiết lập và kết nối những hệ sinh thái mở rộng nhằm giữ chân hoặc tăng cạnh tranh thu hút khách hàng.

Tại Việt Nam, trong vài năm qua, thị trường chứng kiến cuộc rượt đuổi gay gắt giành “ngôi vương CASA” của bộ 3: Techcombank, MB và Vietcombank.

Hiện, tỷ lệ CASA của Techcombank đang duy trì ở mức 40,5% vào cuối quý I/2024, cao nhất hệ thống ngân hàng.

Để đạt được điều này, Techcombank nhấn mạnh vào sự gắn kết khách hàng thông qua các giải pháp thanh toán và số hóa, bao gồm việc đẩy mạnh sản phẩm thẻ tín dụng phục vụ nhu cầu thanh toán hàng ngày và miễn phí giao dịch trực tuyến để thúc đẩy giao dịch, cũng như thiết lập một hệ sinh thái khách hàng cá nhân với các đối tác lớn.

Trong khi đó, MB (36,6%) và Vietcombank lại có được lợi thế lớn nhờ nguồn tiền gửi khổng lồ của các tập đoàn lớn, nắm trong tay hệ thống chi trả lương, thanh toán lương cho cán bộ, công chức trong nước.

Theo Trần Thúy/thitruongtaichinhtiente.vn