Trả lại cho lễ hội không gian, vẻ đẹp văn hoá truyền thống


Năm nay, nhiều lễ hội lớn thu hút hàng triệu người tham gia đã có sự chuyển biến tích cực. Theo ghi nhận, lễ hội đang được trả lại những giá trị văn hoá vốn có.

Đông đảo người dân tham gia Lễ hội Khai ấn Đền Trần (Nam Định). Ảnh: Hoa Quỳnh
Đông đảo người dân tham gia Lễ hội Khai ấn Đền Trần (Nam Định). Ảnh: Hoa Quỳnh

Lễ Khai ấn - nghi lễ quan trọng của Lễ hội Khai ấn Đền Trần (Nam Định) được tổ chức hàng năm vào dịp đầu xuân, cầu cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, thịnh trị. Sự kiện được duy trì tổ chức hàng năm không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống mà còn nhằm giáo dục sâu sắc về đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Với ý nghĩa đó, Lễ Khai ấn luôn thu hút rất đông người dân tham dự và không tránh được sự náo loạn, lộn xộn, phản cảm trong giờ phát ấn. Nhưng năm nay, Lễ Khai ấn diễn ra trật tự, trang nghiêm, không còn cảnh chen lấn, xô đẩy, tranh nhau “cướp lộc” như trước đây.

Chia sẻ trên mạng xã hội ngay khi tham dự Lễ Khai ấn, anh Lê Kiên (đến từ Hà Nội) đã bày tỏ nghi lễ này đã trở lại đúng với một lễ hội dân gian mang tính chất làng xã từ ngàn xưa để lại. Lễ hội đang thực sự diễn ra theo đúng nghĩa lễ hội của người dân, đông vừa phải, đầm ấm, thành kính và chỉ có lãnh đạo địa phương dự lễ.

Trẩy hội đầu xuân là dịp để người dân cầu mong những điều tốt đẹp, gửi gắm những ước nguyện bình an, hạnh phúc đầu năm cũng như thực hành sinh hoạt văn hóa truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa cho dân tộc.

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều lễ hội thực sự biến tướng, thương mại hoá, trục lợi tâm linh, xu hướng cầu tài, cầu lộc, mê tín nảy sinh cùng lễ hội khiến cho lễ hội mất đi những giá trị, vẻ đẹp văn hoá vốn có.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, lễ hội bao giờ cũng thuộc về một cộng đồng nào đó, vì thế việc tổ chức lễ hội dứt khoát phải là việc của người dân, của các cộng đồng. Khi các lễ hội được tổ chức rầm rộ trở lại vào những năm 1990 của thế kỷ trước, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, sự đứt đoạn truyền thống trong một khoảng thời gian nhất định vì chiến tranh và nhận thức khiến việc tổ chức trở lại các lễ hội gặp nhiều khó khăn.

“Chúng ta thấy có sự can thiệp quá mức của nhiều chính quyền địa phương vào việc tổ chức lễ hội truyền thống, làm cho nhiều lễ hội bị biến thành các cuộc mít tinh, báo cáo thành tích địa phương và động viên tinh thần cho bà con. Đây là những việc rất nên tránh để bảo đảm cho việc tổ chức lễ hội trở nên bền vững hơn”- PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.

Nhằm mang lại những chuyển biến tích cực trong việc tổ chức lễ hội, năm 2024, lần đầu tiên toàn quốc thực hiện "Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. Bộ tiêu chí khuyến khích, định hướng và thúc đẩy các địa phương, Ban Tổ chức lễ hội trên cả nước tăng cường quản lý lễ hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Việc cụ thể hóa các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa tại di tích, lễ hội theo lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động lễ hội theo hướng văn minh, lành mạnh, tiết kiệm, hợp lòng dân; bài trừ các nghi lễ có tính bạo lực và các hành vi phản cảm, lệch chuẩn.

Trên tinh thần đó, Lễ hội chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) hàng năm thu hút hàng triệu du khách hành hương cũng đã có sự đổi mới tích cực. Theo đó, nhằm xóa bỏ nạn chèo kéo, xin thêm tiền khách đi đò.., lần đầu tiên, Hợp tác xã dịch vụ du lịch chùa Hương được thành lập với sự tham gia của hơn 4.000 thuyền, đò chở khách đi lễ hội. Ngoài ra, Ban tổ chức lễ hội tiếp tục bán vé điện tử, tạo thuận lợi cho du khách, lực lượng chức năng, tránh vé giả, vé lậu.

Nhờ thực hiện chuyển đổi số, ghi nhận tại Lễ hội chùa Hương năm nay cho thấy, tình trạng trốn vé, chèo kéo khách hàng, xin thêm tiền... hầu như không còn, qua đó giúp du khách trải nghiệm một lễ hội an toàn, văn minh và thân thiện.

Như vậy, với sự quyết liệt làm mới khâu tổ chức lễ hội từ cơ quan quản lý chức năng và sự nghiêm túc, sát sao của chính quyền về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, cũng như ý thức trách nhiệm giữ gìn, tôn trọng các giá trị truyền thống khi tham gia lễ hội của người dân … đã giúp cho lễ hội thực sự là sự kiện của cộng đồng. Đặc biệt, tín hiệu vui đối với mùa lễ hội năm nay đó là chúng ta đang từng bước trả lại cho lễ hội những vẻ đẹp và các giá trị văn hóa, tâm linh truyền thống.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước hiện có hơn 8.000 lễ hội, trong đó có 8.103 lễ hội truyền thống, 687 lễ hội văn hóa, 74 lễ hội ngành nghề, 4 lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài. Các lễ hội được tổ chức rải rác vào nhiều thời điểm trong năm nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là dịp đầu năm mới.

Từ lâu, lễ hội đã trở thành một sinh hoạt văn hóa quen thuộc với đông đảo người dân. Mỗi lễ hội, đặc biệt là lễ hội truyền thống chứa đựng những giá trị căn cốt về văn hóa và lịch sử, phản ánh rõ nét bản sắc văn hóa con người Việt Nam. Với ý nghĩa đó, giữ gìn, bảo vệ, tôn vinh, phát triển các giá trị văn hóa, bao gồm hoạt động lễ hội luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, ban hành những chính sách phù hợp.

Theo Báo Công Thương