Thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam – Pháp

ThS. Bùi Thị Quỳnh Trang - Viện Đào tạo Quốc tế - Trường Đại học Thương mại

Dù chỉ chiếm tỷ trọng khiêm tốn, Việt Nam vẫn là thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất trong khối ASEAN tại Pháp và cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này vẫn đang rất rộng mở. Pháp hiện là đối tác thương mại hàng đầu và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam trong Liên minh châu Âu. Trong khi đó, với việc Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu có hiệu lực, hoạt động đầu tư của hai nước cũng ngày càng được tăng cường. Bài viết trao đổi về thực trạng quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - Pháp trong thời gian qua, từ đó đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đặt vấn đề

Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 4/1973. Trong bối cảnh công cuộc đổi mới đất nước đạt được những thành tựu quan trọng bước đầu và Việt Nam tăng cường hội nhập vào cộng đồng quốc tế, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp Francois Mitterand vào tháng 3/1993 đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong quan hệ với Việt Nam, nhất là trong các chiến lược, chính sách mà Pháp triển khai tại Đông Nam Á và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2013, Việt Nam - Pháp ký kết Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược. Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp (1973-2023), 10 năm ngày hai nước nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược (2013-2023).

Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ hợp tác với Pháp, luôn coi Pháp là đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại và không ngừng làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tin cậy và đối tác chiến lược giữa hai nước. Pháp hiện là đối tác thương mại hàng đầu và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 5,34 tỷ USD, mức cao thứ hai chỉ sau năm 2019 (5,38 tỷ USD).

Tính riêng hai tháng đầu năm 2023, thương mại song phương đạt 0,78 tỷ USD, bằng 14,6% của cả năm trước. Về đầu tư, Pháp đứng thứ 16/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đầu tư đến hết năm 2022 đạt trên 3,8 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động thương mại, đầu tư giữa hai nước vẫn đánh giá là chưa đạt được như kỳ vọng, tiềm năng vốn có.

Thực trạng quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - Pháp

Thương mại song phương

Kể từ khi thiết lập quan hệ song phương đến nay, Việt Nam và Pháp luôn tạo dấu ấn trong quan hệ thương mại với những con số ấn tượng. Hiện nay, Pháp là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Kim ngạch thương mại Việt Nam - Pháp có tốc độ tăng trưởng bình quân 15,7%/năm trong giai đoạn năm 2011-2019. Riêng trong lĩnh vực xuất khẩu, Pháp hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam trong EU, chỉ đứng sau Hà Lan, Đức, Áo.

Mặc dù vậy, tỷ trọng hàng hóa Việt Nam tại thị trường này còn thấp, chỉ chiếm khoảng 1,1% trên tổng lượng hàng nhập khẩu của Pháp. Năm 2020, do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Pháp chỉ đạt 4,8 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2019; trong đó, xuất khẩu đạt gần 3,3 tỷ USD, giảm 12,3% và nhập khẩu đạt gần 1,6 tỷ USD, giảm 4,4%(2).

Tuy nhiên, sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực (từ ngày 1/8/2020) đã mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn, là thời điểm quan trọng của quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam - EU. Đây cũng là điều kiện tốt đẹp, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Pháp. Cụ thể, năm 2021, kim ngạch thương mại giữa hai nước giảm nhẹ nhưng nếu xét đến tác động nặng nề do dịch bệnh COVID-19 đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung từ cuối năm 2019 đến nay, cho thấy tác động tích cực của EVFTA trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam và Pháp. Thương mại song phương giữa hai nước liên tục tăng trưởng, đạt gần 7 tỷ euro (7,45 tỷ USD) vào năm 2021 và lên tới 8 tỷ euro (8,5 tỷ USD) vào năm 2022.

Đặc biệt, quan hệ thương mại Việt Nam - Pháp đang phát triển theo hướng có lợi cho Việt Nam và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới nhờ cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phù hợp với phân khúc thị trường tầm trung và thấp tại Pháp. Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 5,34 tỷ USD, mức cao thứ hai chỉ sau năm 2019 (5,38 tỷ USD). Tính riêng hai tháng đầu năm 2023, thương mại song phương đạt 0,78 tỷ USD, bằng 14,6% của cả năm trước.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Pháp, tuy thị phần hàng hóa Việt Nam chỉ chiếm 1% trong tổng nhập khẩu của Pháp nhưng cũng không cần quá đặt nặng tỷ trọng thị phần này, bởi ở Pháp cũng chỉ có 10 nhà cung cấp có thị phần trên 1%. Trong đó, chỉ có duy nhất Đức và Trung Quốc có thị phần hai chữ số, lần lượt là 13% và 10%, còn lại tất cả đều chỉ có 5%, 7%, 2% và 1% như Việt Nam. Về mặt hàng, Việt Nam có hai nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Pháp có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ euro, đó là nhóm hàng giày dép và thiết bị viễn thông. Riêng về nông sản, năm 2021, trong số 500 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Pháp mới chỉ có 50 mặt hàng là nông sản, đạt 276 triệu euro trên tổng số hơn 5,5 tỷ euro, tương đương với khoảng 5%.

Hợp tác đầu tư

Về hợp tác đầu tư, nhiều doanh nghiệp Pháp chọn đầu tư vào Việt Nam không chỉ vì thị trường đầy tiềm năng, mà còn là địa bàn thuận lợi để phát triển kinh doanh ra khu vực ASEAN. Pháp là một đối tác rất quan trọng của Việt Nam, đứng thứ 16/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 659 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư đến hết năm 2022 đạt trên 3,8 tỷ USD. Quy mô đầu tư bình quân của Pháp đạt hơn 5,7 triệu USD/dự án, thấp hơn quy mô dự án bình quân chung của cả nước là 12,1 triệu USD/dự án.

Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư Pháp tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất, phân phối điện; các lĩnh vực dịch vụ, bán buôn và bán lẻ, kinh doanh bất động sản... Hiện nay, các nhà đầu tư Pháp tập trung vào một số địa phương có lợi thế. Chẳng hạn, lũy kế từ năm 1989 tới nay, TP. Hà Nội đã thu hút 494,4 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp từ Pháp. Trong đó, riêng năm 2022 thu hút khoảng 7,8 triệu USD vốn FDI và trong 3 tháng đầu năm 2023 thu hút thêm 0,92 triệu USD. Một số dự án lớn của Pháp đang hoạt động tại Hà Nội như: Dự án Cửa hàng bán lẻ của Công ty TNHH Louis Vuitton Việt Nam; dự án Schneider Electric IT Việt Nam; dự án Công ty TNHH L’OREAL Việt Nam; Trung tâm Mega Market; dự án Christian Dior Việt Nam… Đặc biệt, dự án Metro số 3 là dự án nhận được sự tài trợ lớn từ phía Pháp và góp phần quan trọng vào việc cải thiện tình hình giao thông của TP. Hà Nội, cũng như giảm thiểu phát thải gây hiệu ứng nhà kính trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với sự đe dọa của biến đổi khí hậu.

Ở chiều ngược lại, tính đến tháng 3/2022, Việt Nam đầu tư sang Pháp 18 dự án với tổng số vốn hơn 38 triệu USD. Kết quả này được đánh giá là còn thấp so với tiềm năng hợp tác giữa hai nước cũng như so với nhu cầu đầu tư, phát triển của Việt Nam. Do vậy, Việt Nam và Pháp đều kỳ vọng vào sự hợp tác và tham gia của các nhà đầu tư Pháp, trong bối cảnh Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA) đi vào thực thi.

Bên cạnh những thuận lợi, hiện nay vẫn còn một số khó khăn, thách thức trong quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam – Pháp như: Cơ hội cho hàng hóa Việt Nam tiếp tục thâm nhập vào thị trường Pháp là rất lớn, tuy nhiên, cũng như những quốc gia khác thuộc EU, yêu cầu đòi hỏi của thị trường này rất cao, đặc biệt là các yêu cầu nhập khẩu bắt buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm, về tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định nhập khẩu khác rất khắt khe và khó đáp ứng hơn nhiều so với các thị trường xuất khẩu khác của Việt Nam; Pháp có khoảng cách địa lý xa Việt Nam, do vậy, chi phí vận chuyển và bảo quản hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này cao, dẫn đến giá thành sản phẩm bị tăng lên và khó cạnh tranh với hàng hóa từ những nước có vị trí địa lý gần Pháp; Sự hạn chế về nguồn nhân lực, sự thông hiểu pháp luật quốc tế...

Đề xuất giải pháp

Năm 2023 chứng kiến kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp (1973-2023). Nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại đầu tư Việt Nam – Pháp, góp phần khai thác hiệu quả những lợi ích từ EVFTA và EVIPA, trong thời gian tới, cần chú trọng một số nội dung sau:

Đối với cấp Chính phủ

- Cần tập trung vào việc hoàn thiện cơ sở pháp lý; tăng cường những lĩnh vực hợp tác đang được tiến hành hiệu quả; tiếp tục hợp tác, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương. Luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư hai nước tiến hành đầu tư kinh doanh hiệu quả, bền vững, lâu dài. Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường, tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

- Tăng cường trao đổi giữa hai chính phủ nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác liên quan tới các dự án đầu tư trong lĩnh vực chuyển đổi số, nông nghiệp hoặc các dự án hợp tác mới liên quan đến việc sử dụng năng lượng một cách hiệu quả hơn, như các dự án giao thông bền vững, thành phố phát triển bền vững, quy hoạch đô thị, năng lượng tái tạo…

- Tăng cường hợp tác nhằm khai thác tối đa những lợi ích từ EVFTA và EVIPA. Hai hiệp định này đã được thực thi, kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp hai nước.

Đối với cấp doanh nghiệp

- Cần tiếp tục nâng cao hệ thống quản lý chất lượng của các nhà máy bằng cách đạt được những chứng nhận quốc tế và tuân thủ các tiêu chuẩn về thuốc bảo vệ thực vật, phẩm màu, phụ gia thực phẩm; cần chủ động đổi mới sản xuất để đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng, theo kịp xu hướng phát triển của thị trường Pháp.

- Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; Tăng sự hiện diện của doanh nghiệp tại thị trường hai nước. Đặc biệt, theo Thương vụ Việt Nam tại Pháp, các doanh nghiệp cần phải có sự hiện diện tại thị trường bản địa của Pháp. Trong trường hợp không có văn phòng đại diện thương mại ở bản địa thì ít nhất là phải có sự hiện diện về người. Từ đó, từng bước tiến đến xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam ở Pháp nhằm củng cố vị trí đối với thị trường khó tính này.

- Tìm kiếm các phân khúc mới của thị trường Pháp. Chẳng hạn, một phân khúc thị trường của Pháp mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác là xu hướng tiêu dùng các sản phẩm hữu cơ. Mặc dù không phải là một xu hướng mới, tuy nhiên, người dân Pháp ngày càng quan tâm đến các vấn đề về môi trường và sức khỏe, vì vậy họ hướng tới sản phẩm nông sản và thực phẩm sạch, hữu cơ. Mặc dù Pháp là quốc gia đứng đầu châu Âu về canh tác hữu cơ, nhưng với nhu cầu tăng cao, nguồn cung sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của nước này chỉ đủ cung cấp 67% nhu cầu nội địa. Vì vậy, 1/3 nhu cầu thực phẩm hữu cơ tiêu dùng nội địa tại Pháp phải nhập khẩu. Do đó, mặt hàng nông, thủy sản có chứng nhận hữu cơ sẽ có cơ hội gia tăng thị phần tại Pháp.

Kết luận

Việt Nam – Pháp có nhiềm tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy các hoạt động hợp tác trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là thương mại và đầu tư. Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của ASEAN, khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) trong khi Pháp là thành viên chủ chốt của EU, đồng thời cả hai nước đều tham gia Hiệp định EVFTA. Đây là những nền tảng quan trọng để hai bên mở rộng hợp tác, đầu tư với các nền kinh tế tiềm năng thuộc APAC, EU. Việc tăng cường quan hệ hợp tác, làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam và Pháp tiếp tục là yêu cầu khách quan và cần thiết vì lợi ích của cả hai nước.Thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam – Pháp - Ảnh 1

Tài liệu tham khảo:

  1. Đinh Thị Ngọc Linh (2023), Quan hệ Việt Nam - Pháp: Năm mươi năm hợp tác và phát triển. Tạp chí Cộng sản điện tử. Link truy cập: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/quoc-phong-an-ninh-oi-ngoai1/-/2018/827190/quan-he-viet-nam---phap--nam-muoi-nam-hop-tac-va-phat-trien.aspx;
  2. Nguyễn Văn Lan (2023), Quan hệ Việt - Pháp sau 50 năm nhìn lại. Tạp chí Lý luận chính trị số 542 (tháng 4/2023);
  3. Hoàng Tú (2022), Việt Nam sẽ lọt Top 20 nhà nhập khẩu lớn nhất vào Pháp vào cuối năm 2022?. Báo Pháp luật Việt Nam;
  4. Uyên Hương: “Đưa quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Pháp lên tầm cao mới”, Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 3/11/2021, https://www.mpi.gov.vn/PageS/tinbai.aspx?idTin= 52078&idcm=49.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 10/2023