Thế giới nhập khẩu gần 1,8 tỷ USD cá tra từ Việt Nam

Phạm Diệp

Hiệp Hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, nửa đầu tháng 12/2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường đạt hơn 76 triệu USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến ngày 15/12/2023, thế giới đã nhập khẩu gần 1,8 tỷ USD cá tra từ Việt Nam, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhiều tín hiệu tốt cho xuất khẩu cá tra năm 2024.
Nhiều tín hiệu tốt cho xuất khẩu cá tra năm 2024.

Theo VASEP, trong năm 2023, Trung Quốc và Hồng Kông là hai thị trường tiêu thụ hàng đầu cá tra từ Việt Nam. Việc Trung Quốc mở cửa mạnh dạn hơn so với đầu năm 2023 khiến giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này dần tăng trở lại. VASEP nhận định, năm 2024, nhu cầu cá tra Việt Nam của thị trường này sẽ phục hồi tốt hơn so với năm 2023.

Đối với thị trường Mỹ, năm 2023 chủ yếu là do lượng hàng tồn kho tại nước này ở mức quá cao từ đợt nhập khẩu ồ ạt cuối năm 2022, khiến giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ liên tục tăng trưởng âm so với cùng kỳ trong suốt năm 2023.

Thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC) cho thấy, năm 2022, giá trị nhập khẩu cá tra của Mỹ mua từ Việt Nam đạt mức cao nhất trong lịch sử do nhu cầu tiêu thụ tăng cao sau dịch COVID-19. Cũng theo ITC, tính đến tháng 10/2023, Mỹ đã mua gần 278 triệu USD cá tra Việt Nam. VASEP đánh giá, sau khi giảm tồn kho giá cao từ năm 2022, thị trường có thể quay lại sôi động hơn, tuy nhiên mức độ phục hồi sẽ không cao.

Cùng với đó, kết luận cá tra Việt Nam được đánh giá tốt về an toàn thực phẩm của Cơ quan Thanh tra và An toàn Thực phẩm Mỹ (FSIS) trong đợt thanh tra vừa qua, cùng với mức thuế thấp trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 19 (dù mới sơ bộ) cũng đặt nhiều hy vọng cho doanh nghiệp cá tra thâm nhập thị trường Mỹ vào năm 2024.

Kết quả ngành xuất khẩu cá tra đạt được trong năm 2023 đã cho thấy xu hướng xuất khẩu và xu hướng tiêu thụ của năm 2024. Cá tra xuất khẩu sẽ không chỉ tập trung vào các phile đông lạnh - sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, mà sẽ mở rộng và tăng dần với cá tra giá trị gia tăng và các sản phẩm phụ (bong bóng cá, chả cá tra).

VASEP cho biết, năm 2024 được dự báo giá xuất khẩu sẽ tăng trở lại, tuy nhiên những căng thẳng trên Biển Đỏ gần đây cũng gây ra không ít khó khăn trong quá trình vận tải, nhất là những thách thức về cước vận chuyển gia tăng. Giá bán đến tay người tiêu dùng tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyết định mua hàng.

Do đó, VASEP cho rằng, doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình, chủ động lên các phương án thích hợp bao gồm cả việc mua bảo hiểm đầy đủ để phòng ngừa rủi ro và tổn thất khi hàng hóa phải kéo dài thời gian vận chuyển hoặc gặp sự cố khi đi qua tuyến đường này, hay tìm kiếm thêm các phương thức vận chuyển khác để đảm bảo chuỗi cung ứng.

Bà Trần Thị Hoàng Thư - Giám đốc Khối kinh doanh CTCP Vĩnh Hoàn đánh giá, dù thị trường ngành hàng thuỷ sản nói chung và cá tra nói riêng năm nay gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, thời điểm hiện nay đang có một số tín hiệu tích cực về mặt thị trường cho năm 2024.

 

Việt Nam là nước cung cấp thủy sản lớn thứ 6 cho Mỹ, sau Canada, Chile, Ấn Độ, Indonesia, Ecuado. Đáng chú ý, tháng 10/2023, Mỹ tăng mạnh nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam, tăng 138% về lượng và tăng 24,76% về trị giá so với tháng 10/2022, đạt 46,9 nghìn tấn, trị giá 188,13 triệu USD. Ngoài một số thị trường lớn và truyền thống, mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Algeria đã phối hợp với hệ thống siêu thị Carrefour tổ chức hoạt động giới thiệu và quảng bá phi lê cá tra, basa tại đại siêu thị Carrefour thuộc Trung tâm thương mại City Center ở Thủ đô Algeria. Mặc dù có bờ biển dài hơn 1.000km và bắt đầu nuôi cá biển, nhưng Algeria mỗi năm vẫn phải nhập khẩu khoảng 30.000 tấn thủy hải sản các loại, chủ yếu là cá phi lê, với trị giá khoảng 100 triệu USD/năm.