Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 dự báo đạt 5,4%

Hoàng Minh

Báo cáo phân tích Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 xuống 5,4% so với mức 6% so với báo cáo kỳ trước do áp lực suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lại điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam tích cực hơn lên mức 5,8% năm 2023 và 6,9% năm 2024.

Động lực tăng trưởng

Theo KBSV, các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 chủ yếu đến từ đầu tư công, giải ngân FDI, tiêu dùng nội địa tích cực và chính sách tiền tệ nới lỏng.

Trong khi các động lực tăng trưởng khác của năm 2023 suy yếu, đầu tư công được kỳ vọng làm điểm tựa chính cho nền kinh tế, là giải pháp then chốt nhằm kích thích kinh tế cũng như tác động lan tỏa đến các lĩnh vực khác trong dài hạn.

Kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 726.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022. Tỷ lệ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công kỳ vọng cải thiện dự báo đạt trên 80% kế hoạch (so với mức đạt được 75% của năm 2022), giúp khơi thông nguồn vốn bị tắc nghẽn, hỗ trợ thanh khoản nền kinh tế. Trong quý I/2023, mặc dù tốc độ giải ngân còn thấp, đạt 73.200 tỷ đồng, bằng 9.7% kế hoạch Chính phủ giao, song các chuyên gia vẫn kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng tốc vào 2 quý cuối năm.

Giá hàng hoá nguyên vật liệu xây dựng đang trong xu hướng hạ nhiệt sẽ là động lực tốt thúc đẩy đầu tư công năm 2023.

Điểm sáng trong nền kinh tế hiện nay chính là kỳ vọng dòng vốn FDI vào Việt Nam nhờ tỷ giá ổn định, với dự báo giải ngân tương đương năm 2022 (đạt hơn 22 tỷ USD). Xét riêng cho quý I/2023, giải ngân vốn FDI vào Việt Nam đạt 4,32 triệu USD, chỉ giảm nhẹ 2,3% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh các yếu tố hỗ trợ trên, chính sách tiền tệ nới lỏng cũng tạo động lực hỗ trợ nền kinh tế mạnh mẽ. Trong tháng 3/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã 2 lần thông báo hạ các mức lãi suất chính sách nhằm kích thích cầu tín dụng từ doanh nghiệp và người dân. 

Cùng với đó, việc NHNN gia tăng mua USD đẩy mạnh dự trữ ngoại hối 10 – 12 tỷ USD trong năm 2023, tương ứng bơm khoảng 240 nghìn tỷ đồng vào hệ thống, tạo môi trường thuận lợi cho việc luân chuyển dòng tín dụng, được kì vọng sẽ thành nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế. 

Ngoài các yếu tố nội lực, việc Trung Quốc mở cửa biên giới sau 3 năm hạn chế bởi COVID-19 cũng có nhiều tác động tích cực tới nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là du lịch và kinh doanh dịch vụ nhà hàng, thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Thách thức suy thoái kinh tế toàn cầu

Ở chiều ngược lại, rủi ro suy thoái tại Mỹ và EU được cho là yếu tố kìm hãm đà tăng trưởng của GDP trong nước, khi đơn hàng xuất khẩu suy giảm mạnh.

Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước còn ảm đạm đã tác động tiêu cực tới điều kiện sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và xây dựng.

Thực tế, tình hình thế giới vẫn ẩn chứa nhiều yếu tố khó lường có thể kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam. Số liệu lạm phát Mỹ trong tháng 3 vừa được công bố tăng 5% so với cùng kỳ, mặc dù tiếp tục xu hướng hạ nhiệt bền vững vẫn khó có thể đạt mức mục tiêu 2%.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng tại các quốc gia đối tác thương mại chính của Việt Nam là Mỹ và EU, Trung Quốc đều có xu hướng suy giảm trước rủi ro suy thoái kinh tế, do vậy có thể trở thành thách thức lớn đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 79,17 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ. Số liệu sơ bộ từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, kim ngạch các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều có sự suy giảm.

KBSV dự báo kim ngạch xuất khẩu Việt Nam trong quý II vẫn chịu nhiều áp lực, khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh, do nhu cầu tại các thị trường chủ chốt giảm sút. 

Do vậy, các nhà sản xuất đã mạnh tay cắt giảm sản lượng và giảm số lượng nhân viên 5 tháng liên tiếp. Chỉ số PMI cuối tháng 3 vẫn ở dưới ngưỡng 50 điểm. Giá của mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông lâm thủy sản, gạo, thép… tiếp tục suy giảm và duy trì ở mức thấp so với đỉnh được thiết lập vào năm 2022.

Mới đây, IMF cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng tích cực hơn lên mức 5,8% năm 2023 và 6,9% năm 2024. Theo chuyên gia IMF, Việt Nam cần tập trung giảm lạm phát, chính sách tài khoản hướng tới hỗ trợ gia đình dễ bị tổn thương đồng thời ưu tiên ổn định thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.