Tác động của thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu đến doanh nghiệp FDI tại Việt Nam

Nguyễn Văn Phụng - Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế DN lớn (Tổng cục Thuế)

Hiện tại, các nước đã công bố luật áp dụng hoặc có kế hoạch sửa đổi, bổ sung nội luật để thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024; trong đó Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… là những nước có số vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam. Để bảo đảm lợi ích quốc gia về quyền thu thuế và môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta không bị mất lợi thế cạnh tranh do thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, rất cần phải có các giải pháp sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan. Bài viết này phân tích những tác động của thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu đến hoạt động của các doanh nghiệp FDI từ thực tế hoạt động quản lý thuế.

Đến nay, Việt Nam đã thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đến nay, Việt Nam đã thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đặt vấn đề

Triển khai các hành động của Xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) với tư cách thành viên thứ 100 của Diễn đàn hợp tác chung thực hiện các giải pháp chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (IF), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 55/QĐ-TTg ngày 4/8/2022 thành lập Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và phát triển - OECD (Trụ cột 2).

Đến thời điểm hiện tại, tuyên bố của OECD về Khung giải pháp hai Trụ cột đã nhận được sự đồng thuận của 142/142 nước thành viên IF. Theo tuyên bố của OECD: (1) Không bắt buộc phải áp dụng các quy định của thuế suất tối thiểu toàn cầu, nhưng nếu lựa chọn áp dụng các quy định này thì các nước phải thực hiện thống nhất theo quy định của thuế tối thiểu toàn cầu, phù hợp với quy định mẫu và hướng dẫn chung của IF; (2) Trong trường hợp một nước không áp dụng thì vẫn phải công nhận các quy định thuế tối thiểu toàn cầu được các thành viên khác của IF áp dụng.

Theo Bộ Tài chính, nhiều nước đã công bố luật áp dụng hoặc có kế hoạch sửa đổi, bổ sung nội luật để thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024; trong đó Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… là những nước có số vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam. Trong trường hợp các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam tiếp tục được hưởng các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo quy định của pháp luật hiện hành thì các quốc gia, vùng lãnh thổ nơi đóng trụ sở chính các công ty mẹ của DN FDI sẽ thu thêm phần thuế TNDN chênh lệch giữa số thuế nộp thực tế tại Việt Nam so với thuế tối thiểu toàn cầu (15%).

Trong bối cảnh đó, để bảo đảm lợi ích quốc gia về quyền thu thuế và môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam không bị mất lợi thế cạnh tranh do thuế TNDN tối thiểu toàn cầu, cần có các giải pháp sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan. Trên cơ sở nghiên cứu các nguyên tắc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, các quy định hiện hành của Việt Nam, bài viết này đề cập đến những tác động của thuế TNDN tối thiểu toàn cầu đến hoạt động của các DN FDI, từ thực tế hoạt động quản lý thuế.

Thu hút đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, Việt Nam đã thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó các nhà đầu tư lớn nhất chủ yếu đến từ khu vực Đông Á như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… Trong khi đó, Việt Nam mới có 1.625 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng số vốn đầu tư gần 21,9 tỷ USD (số lũy kế đến tháng 3/2023). Xét tổng thể chung, đến nay, Việt Nam là nước nhập khẩu vốn đầu tư nước ngoài.

Nhờ các yếu tố thuận lợi như tình hình chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định, nguồn nhân lực dồi dào, giá rẻ, cơ sở hạ tầng phát triển nhanh, cùng với chính sách ưu đãi thuế hấp dẫn, cạnh tranh … dòng vốn FDI vào Việt Nam liên tục tăng (Năm 2020 vốn đăng ký 28,54 tỷ USD, năm 2021 tăng lên 31,15 tỷ USD, năm 2022 trong bối cảnh khó khăn chung vẫn thu hút 27,72 tỷ USD).

Số liệu lũy kế đến hết năm 2022 cả nước có gần 36.300 dự án FDI còn hiệu lực với số vốn đăng ký gần 440 tỷ USD, vốn thực hiện gần 274 tỷ USD, bằng 62,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Theo thông tin từ Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, phần lớn DN FDI đang hoạt động có quy mô nhỏ và vừa xét theo 3 tiêu chí vốn, lao động và doanh thu (gần 83% DN có số vốn dưới 100 tỷ đồng, 57% có dưới 50 lao động và 77,8% có doanh thu năm 2022 đạt dưới 100 tỷ đồng).

Hoạt động của các DN FDI đã và đang có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế đất nước, năm 2021 đóng góp trên 20% GDP và 72,9% kim ngạch xuất khẩu (năm 2022 tăng lên 73,7%). Về đóng góp với ngân sách nhà nước, trong các năm 2021 và 2022, khu vực doanh nghiệp FDI đã đóng góp trên 16% tổng số thu nội địa.

Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả tổng hợp phân tích báo cáo tài chính năm 2021 thì đã có tới 14.293 DN báo cáo lỗ (chiếm 55% DN FDI cả nước) với giá trị lỗ 168.334 tỷ đồng, số DN có lỗ lũy kế là 16.258 DN. Các doanh DN phát sinh lỗ thường chưa có cơ hội hưởng các ưu đãi về thuế TNDN theo quy định.

Tác động của thuế tổi thiểu toàn cầu đến doanh nghiệp FDI tại Việt Nam

Đến nay đã có nhiều diễn đàn thảo luận về chủ đề Thuế tối thiểu toàn cầu và tác động của nó tới môi trường đầu tư, kinh doanh; tới ngân sách nhà nước cũng như hoạt động của khu vực DN. Đối với lĩnh vực thu hút đầu tư và hoạt động của khu vực DN FDI, tác động của thuế tối thiểu toàn cầu như thế nào hoàn toàn phụ thuộc và phản ứng chính sách và tổ chức triển khai thực hiện pháp luật của Việt Nam.

Dưới góc nhìn cá nhân, chúng tôi cho rằng cần phân loại các DN đang hoạt động, nhà đầu tư hiện hữu, nhà đầu tư tương lai và cần đánh giá tác động tới họ ở “trạng thái động”, tương ứng với các dự kiến đề xuất giải pháp điều chỉnh chính sách.

Thứ nhất, về phạm vi tác động của thuế tối thiểu toàn cầu.

Đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu không phải là tất cả các DN, mà chỉ ở phạm vi các tập đoàn lớn, hoạt động ở nhiều nước (các công ty đa quốc gia - MNE) đạt ngưỡng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu EUR/năm theo báo cáo tài chính hợp nhất trong ít nhất 2 năm trong khoảng thời gian 4 năm liền kề trước năm xem xét. Do vậy, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ không tác động trực tiếp tới tất cả các DN FDI, mà chỉ ảnh hưởng tới các DN có công ty mẹ (MNE) tối cao là các tập đoàn, công ty đa quốc gia đáp ứng được các tiêu chí doanh thu như nêu trên.

Thứ hai, tác động thuế tối thiểu toàn cầu đến các nhà đầu tư tương lai và nhà đầu tư hiện tại ở Việt Nam.

Rõ ràng là khi các nước áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu thì các ưu đãi về thuế TNDN sẽ không còn ý nghĩa đối với nhà đầu tư tương lai là các DN lớn. Tuy nhiên, pháp luật vẫn có quy định nghĩa vụ thuế TNDN thấp hơn 15% thì vẫn có sức thu hút đối với các DN quy mô nhỏ và vừa, các DN địa phương không có hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Đối với các nhà đầu tư hiện hữu, các MNE là chủ quản của các dự án FDI đã và đang thực hiện tại Việt Nam là đối tượng chịu tác động trực tiếp, họ phải nộp thuế bổ sung. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Thuế từ cơ sở dữ liệu DN toàn cầu, hiện có 1.017 DN FDI tại Việt Nam có MNE thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong trường hợp các nước áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 thì dự kiến có khoảng trên 100 DN sẽ chịu ảnh hưởng.

Tính toán sơ bộ qua tham chiếu số liệu quyết toán thuế năm 2022 (để ước tính, dự báo), nếu từ năm 2024 các quốc gia nơi công ty mẹ đóng trụ sở đều áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, họ sẽ thu thêm được thuế TNDN từ các công ty mẹ phần thuế chênh lệch ước tính khoảng 12 - 20 nghìn tỷ đồng, do các công ty con là DN FDI tại Việt Nam đang được hưởng chính sách ưu đãi thuế TNDN (số thuế thực nộp NSNN thấp hơn 15%).

Thứ ba, lĩnh vực chịu tác động từ việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam là ưu đãi cao định hướng khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp sản xuất chế biến, công nghệ cao, quy mô lớn... Rà soát các dự án DN FDI đang hoạt động cho thấy, hiện có 335 dự án có mức vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD đang hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu công nghiệp, khu kinh tế thuộc diện hưởng ưu đãi thuế TNDN thấp hơn 15%. Đây là các dự án được cấp phép hưởng ưu đãi theo tiêu chí dự án đầu tư có quy mô lớn, công nghệ cao thuộc các tập đoàn lớn như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharrp, Panasoncix, Foxconn, Pegatron.

Mặc dù các DN trong lĩnh vực này số lượng không nhiều, nhưng có quy mô vốn đầu tư lớn (khoảng 131,3 tỷ USD) chiếm tỷ trọng trên dưới 30% tổng số vốn FDI tại Việt Nam. Việc họ lựa chọn có đầu tư tiếp vào các dự án mới, đầu tư mở rộng các dự án hiện hữu hay chuyển hướng đầu tư sang nước khác có ý nghĩa rất quan trọng đối với thu hút đầu tư và môi trường kinh doanh trong những năm tới. Bởi vì, các dự án lớn thường có tác động lan tỏa, thu hút thêm các nhà đầu tư vệ tinh trong chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu thụ, dịch vụ. Thực tế từ quản lý thuế cho thấy, các DN luôn theo sát các thông tin về phản ứng của các cơ quan quản lý nhà nước. Một số tập đoàn lớn đề xuất, cũng không ngoại trừ trường hợp gây sức ép với Việt Nam, trong đó có các nhà đầu tư đang dự tính lựa chọn đầu tư vào Việt Nam hoặc chuyển sang các nước trong khu vực, nước có lợi thế hơn.

Thứ tư, xem xét sửa đổi cơ chế, chính sách để thực hiện cam kết tham gia thuế tối thiểu toàn cầu.

Trường hợp Việt Nam không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, không có các giải pháp kịp thời điều chỉnh chính sách, pháp luật thì những ưu đãi thuế hiện hành sẽ không còn ý nghĩa đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Các lợi ích về ưu đãi thuế TNDN dành cho DN FDI tại Việt Nam, vô hình chung lại trở thành nguồn thu của các quốc gia nơi công ty mẹ tối cao của họ đăng ký trụ sở. Điều này không tạo ra nguồn thu cho NSNN, cộng với DN FDI không được hưởng, môi trường thu hút đầu tư không hấp dẫn là những điều mà chúng ta có thể lường trước.

Một số đề xuất, khuyến nghị

Nghiên cứu chính sách ưu đãi về thuế TNDN

Một số ý kiến từ khu vực DN vốn trong nước cho rằng, chính sách hiện hành quá ưu đãi cho DN FDI, trong khi họ có nhiều lợi thế hơn DN trong nước, nhất là DN nhỏ và vừa. Do vậy, việc tham gia thuế tối thiểu toàn cầu, chúng ta cần phải sửa đổi pháp luật bỏ đi các ưu đãi thuế TNDN (cả về thuế suất và miễn, giảm thuế) sao cho mức nộp thuế TNDN thấp nhất bằng mức thuế tối thiểu 15%. Với đề xuất này, tác động lớn đến cả DN FDI và DN trong nước, gồm cả DN đang hoạt động kinh doanh và đang còn trong giai đoạn đầu tư.

Đối với nhà đầu tư tương lai, họ sẽ cân nhắc, tính toán hiệu quả có thể đầu tư hay không và cũng không ai quyết định lựa chọn đầu tư vào ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn không thuận lợi hoặc hiệu suất đầu tư thấp, không có lợi nhuận khi các chính sách ưu đãi bị cắt bỏ. Và như vậy, định hướng thu hút đầu tư phát triển đang đề ra tại Chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực và phát triển các vùng, miền sẽ không thể triển khai thực hiện được.

Đối với DN đang hoạt động, những ưu đãi đang được hưởng theo pháp luật hiện hành nay nếu bị cắt bỏ đồng nghĩa với việc tăng thuế, giảm lợi nhuận đầu tư, bài toán hiệu quả và dòng tiền trong phương án đầu tư bị đảo lộn và nảy sinh các bất bình đẳng, thiệt thòi hơn các doanh nghiệp khác, khả năng giải thể, phá sản có thể nhìn thấy trước ở không ít DN.

Bên cạnh đó, theo quy định của các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; các điều khoản của Luật Đầu tư hiện hành thì Chính phủ sẽ phải bồi thường thiệt hại hoặc bị kiện, do thay đổi chính sách, pháp luật gây thiệt hại tới quyền lợi của nhà đầu tư. Do vậy, ý kiến đề xuất nêu trên rõ ràng là không khả thi, không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, không đúng với định hướng Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, vì vậy không nên tiếp thu.

Sửa Luật Thuế TNDN, trong đó có quy định về thuế tối thiểu toàn cầu

Ngày 23/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 508/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, trong đó giải pháp đề ra đối với việc sửa đổi thuế TNDN khá toàn diện. Theo đó, một mặt cần phải đơn giản hóa các quy định về ưu đãi thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế trong trung và dài hạn; mặt khác, vẫn cần có các quy định về ưu đãi thuế TNDN để khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực, ngành nghề mũi nhọn và những địa bàn cần khuyến khích đầu tư.

Việc sửa đổi Luật Thuế TNDN phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, do vậy cần phải có thời gian chuẩn bị, nghiên cứu kỹ lưỡng và hiện tại chưa có kế hoạch sửa Luật Thuế TNDN trong Chương trình xây dựng pháp luật năm 2023. Trong khi đó, các đối tác có dòng vốn FDI lớn đầu tư vào Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Hồng Kông, Úc, các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU), các nước châu Âu ngoài EU và các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan đã công bố hoặc hướng dẫn thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024.

Trong bối cảnh đó, việc sửa đổi Luật Thuế TNDN theo hướng cần giải quyết từng bước, đảm bảo định hướng trung và dài hạn theo định hướng Chiến lược cải cách hệ thống thuế; đồng thời, xử lý được ngay các vấn đề phát sinh từ thuế tối thiểu toàn cầu. Cụ thể như sau:

Trước hết, cần bổ sung ngay quy định về thuế TNDN theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu (đạt chuẩn 15%) áp dụng ngay từ năm 2024 để ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu của các nước đối tác. Theo đó, các DN FDI tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng của thuế tối thiểu toàn cầu sẽ nộp đủ số thuế 15% tại Việt Nam, thay vì các ưu đãi thuế đang được áp dụng. Đồng thời, cũng có quy định vê tổng hợp thu nhập (IIR) và quy định lợi nhuận chịu thuế dưới mức tối thiểu (UTPR) để áp dụng đối với các DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, các DN khác thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để thu thêm phần chênh lệch thấp hơn 15% (nếu có).

Để tránh việc khởi kiện Chính phủ từ phía nhà đầu tư, DN FDI khi chúng ta sửa đổi pháp luật với các quy định trên, cần có những quy định mang tính nguyên tắc để ghi nhận và cho phép các DN FDI thuộc diện phải nộp thêm thuế được chuyển đổi quyền lợi sang áp dụng các biện pháp ưu đãi khác, với thời hạn được bảo lưu chuyển đổi sau 3 đến 5 năm. Đây cũng là khoảng thời gian cần thiết để nghiên cứu trình sửa đổi Luật Thuế TNDN cùng với các luật khác có liên quan để thực hiện các biện pháp ưu đãi mới, thay cho các ưu đãi thuế TNDN hiện hành (thuế suất thấp và miễn, giảm thuế trong một số năm).

Thêm vào đó, cần nghiên cứu ban hành các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp cho các DN FDI chịu tác động mất đi ưu đãi do thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, không vi phạm các cam kết quốc tế về thuế và trợ cấp, không phân biệt đối xử quốc gia, không gây ra tác động xấu tới môi trường đầu tư.

Các hỗ trợ có thể bao gồm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng trong và ngoài hàng rào, các biện pháp hỗ trợ theo phương thức đồng tài trợ cho nghiên cứu và phát triển (R&D), bảo vệ môi trường, hỗ trợ công tác đào tạo nguồn nhân lực, đầu các công trình nhà ở, phúc lợi cho người lao động. Các ưu đãi thuế dựa trên kết quả thu nhập cũng cần chuyển sang các quy định cho phép DN được khấu trừ chi phí cho mục đích tính thuế cần nghiên cứu thấu đáo, có thể tham khảo kinh nghiệm của các nước nhưng cần tiếp thu có chọn lọc để vận dụng phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2020), Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17/6/2020;
  2. Văn phòng Quốc hội (2020), Luật Thuế thu nhập DN, Văn bản số 14/VBHN-VPQH ngày 15/7/2020 hợp nhất và cập nhật Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 18/2008/QH12 ngày 03/6/2008 được sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật số 32/2013/QH13 ngày 19/6/2013, Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014;
  3. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030;
  4. Bộ Tài chính (2022), Văn bản số 13.828/BTC-TCDN ngày 28/12/2022 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc báo cáo kết quả tổng hợp phân tích báo cáo tài chính năm 2021 của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài;
  5. Bộ Tài chính (2023), Kỷ yếu hội thảo ngày 18/4/2023 Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam;
  6. Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), (2023), Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022.