Rút bảo hiểm xã hội một lần: Nên giữ lại phần doanh nghiệp đóng hưu trí cho người lao động

Trần Huyền

Chiều ngày 2/11, thảo luận tại Tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và các đại biểu Quốc hội Tổ 8 cho rằng, có thể quy định được rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng cần giữ lại phần doanh nghiệp đóng hưu trí cho người lao động hoặc mức rút tương đương với mức người lao động đã đóng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trao đổi tại Tổ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trao đổi tại Tổ.

Thảo luận tại Tổ, đối với nội dung bổ sung quy định về trợ cấp hưu trí xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đồng tình với đề xuất này tại dự thảo Luật. Theo Bộ trưởng, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ và nguồn ngân sách sẽ tăng thêm để thực hiện chính sách này.

Liên quan đến đề xuất mở rộng đối tượng bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bộ trưởng cho biết, đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, đương nhiên ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ. Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý hiện còn sót đối tượng quy định tại Luật Lực lượng tham gia đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở. Do đó, cần nghiên cứu để bổ sung đối tượng này.

Về quyền lợi để được bảo hiểm ốm đau thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, nguồn ngân sách nhà nước cũng sẽ đảm bảo để bổ sung và thực hiện chính sách này. Do đó, Bộ trưởng cho rằng, sau khi ban hành Luật này thì ngân sách để chi cho công tác bảo hiểm xã hội sẽ tăng lên.

Cho ý kiến về đề xuất bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bộ trưởng đề nghị nguồn kinh phí cho chính sách này không dùng ngân sách nhà nước mà sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội để thực hiện theo nguyên tắc đóng - hưởng.

Chia sẻ hiện nay bản thân đang là Chủ tịch Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội quốc gia, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, về danh mục đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội, thời gian qua đã rất thận trọng với khoản đầu tư này. Hiện nay, 80% quỹ dành cho đầu tư vào trái phiếu Chính phủ để đảm bảo chắc chắn, hỗ trợ được chính sách tài khóa. Tuy nhiên, lãi suất trái phiếu Chính phủ lại không cao, có giai đoạn xuống rất thấp. Còn lại 20% của Quỹ thì gửi ở ngân hàng thương mại nhưng chỉ gửi ở 4 ngân hàng “Big 4” để đảm bảo an toàn.

Liên quan đến quy định rút bảo hiểm xã hội một lần, Bộ trưởng băn khoăn, cơ sở nào để đưa ra mức rút 50%. Bộ trưởng nêu, trong khoản đóng bảo hiểm xã hội, phần doanh nghiệp đóng cho người lao động có thể giữ lại, vẫn là của người lao động nhưng phải giữ lại nối tiếp để hưởng lương hưu.

Chia sẻ thêm về nội dung này, Bộ trưởng cho biết, hiện nay mức đóng bảo hiểm xã hội là 26%, trong đó có 8% là người lao động đóng, còn 18% là doanh nghiệp đóng cho người lao động. Trong phần doanh nghiệp đóng, có 3% là ốm đau thai sản, 1% là tai nạn còn lại 14% là tử tuất và hưu trí. Bộ trưởng cho rằng nên giữ lại khoản 14% mà doanh nghiệp đóng cho người lao động này, còn lại 12% người lao động được rút. Như vậy, người lao động sẽ được rút ra khoảng 46%, phần 54% sẽ được giữ lại. Có nghĩa là người lao động được rút cả khoản ốm đau, tai nạn, thai sản nhưng khoản hưu trí mà doanh nghiệp đóng thì để lại để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng hưu trí.

Bộ trưởng cũng đặt ra vấn đề trong thời hạn bao nhiêu năm nếu không đóng bảo hiểm xã hội thì cho người lao động được rút hết bảo hiểm xã hội. Nghĩa là khi người lao động chỉ rút 46% còn 54% hay theo đề xuất hiện nay là rút 50% và 50% để lại thì sau bao nhiêu năm không đóng sẽ được rút hết. Bộ trưởng cho rằng đây là vấn đề cần được đặt ra.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính là cơ quan thanh tra kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, thống kê về bảo hiểm... Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, quy định này không hợp lý bởi quản lý hưu trí, lao động là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, do vậy trách nhiệm thanh tra về chế độ bảo hiểm xã hội nên giao cho Bộ Lao động Thương binh Xã hội.

Cùng quan điểm với Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho rằng, chính sách bảo hiểm xã hội cần đảm bảo lâu dài, bền vững an sinh xã hội. Theo đó, cần có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Theo đại biểu Tạ Thị Yên, các quy định để tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần như trong Dự án Luật là rất cần thiết và hợp lý, nhân văn.

Thống nhất với ý kiến của các đại biểu nêu trên, đại biểu Lê Kim Toàn - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định nhận định, quan điểm tăng quyền lợi cho người bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, giảm quyền lợi khi rút một lần là quan điểm rất đúng.

Đại biểu Lê Kim Toàn cũng thống nhất nếu trường hợp rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ được rút phần người lao động đóng, còn phần cơ quan, doanh nghiệp đóng cho người lao động sẽ giữ lại cho chính người lao động để khi họ tham gia bảo hiểm xã hội trở lại sẽ tiếp tục hưởng các chế độ theo quy định. 

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cũng cho rằng, có thể hạ mức rút bảo hiểm xã hội một lần xuống 30%, tương đương thực tế người lao động đóng bao nhiêu thì được rút như vậy, phần còn lại do doanh nghiệp đóng cho người lao động sẽ giữ lại.